Lý do ô tô điện có thể phổ biến nhanh hơn dự báo

Lê Vũ
Nhiều chuyên gia từng dự báo ô tô điện sẽ phổ biến trên toàn cầu kể từ năm 2030, khi những quốc gia tiên phong hoàn thành chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện. Tuy nhiên, xu hướng điện khí hóa có thể sẽ diễn ra nhanh hơn tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam nhờ những yếu tố hỗ trợ tích cực.

Cú hích từ thị trường xe điện thế giới

Cuộc đua doanh số giữa Tesla và BYD ngày càng gay gắt. Nguồn: Tesla, BYD
Cuộc đua doanh số giữa Tesla và BYD ngày càng gay gắt.

Theo báo cáo của S&P Global Mobility, lượng ô tô hạng nhẹ bán ra trên phạm vị toàn cầu năm 2023 ước đạt 86 triệu chiếc, tăng 8,9% so với năm 2022. Trong đó, doanh số xe thuần điện và các dòng xe hybrid là13,6 triệu chiếc, tăng 31% và chiếm khoảng 12% tổng sản lượng ô tô toàn cầu. S&P Global Mobility dự báo trong năm 2024, thị trường ô tô thế giới sẽ tiêu thụ khoảng 88,3 triệu chiếc, tăng nhẹ 2,8% so với năm 2023. Tuy nhiên, xe điện sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn, hướng tới đạt 16,2% thị phần. Như vậy, đến năm 2030, xe điện các loại có thể chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng lượng xe sản xuất mới. Số liệu này cho thấy tiến trình điện khí hóa đang đi đúng hướng, thậm chí nhanh hơn so với kỳ vọng đặt ra cách đây 6 năm.

Bên cạnh đó, cuộc chiến doanh số ô tô điện giữa Tesla và BYD vẫn tiếp tục dai dẳng. Trong đó, các mẫu xe của BYD nhờ có mức giá rất thấp (chỉ bằng hơn ½ giá xe Tesla), thị trường nội địa 1,4 tỷ dân và chính sách trợ cấp hấp dẫn từ Chính phủ Trung Quốc nên đã nhanh chóng vươn lên vị trí top 2 xe điện bán chạy nhất thế giới. Có thời điểm, BYD soán “ngôi vương” doanh số của Tesla hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, Tesla cũng được hưởng lợi từ chính sách trợ giá 7.500 USD theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Đồng thời, hãng xe này phát động cuộc chiến về giá khi liên tục giảm giá bán các mẫu xe bán chạy nhất của mình trong 2 năm qua. Trong đó, giá Tesla Model 3 đã giảm từ 63.000 USD xuống còn 40.000 USD (chưa bao gồm trợ giá 7.500 USD). Dù khiến nhiều hãng xe đối thủ bất mãn, chiến lược của Tesla đã phát huy hiệu quả và giành lại vị thế dẫn đầu từ BYD. Đối với người tiêu dùng, càng nhiều hãng xe bị cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá thì người mua càng được hưởng lợi.

Tại Việt Nam, VinFast hiện đang là “cánh chim đầu đàn” trong ngành ô tô điện. Kể từ thời điểm chính thức chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện hồi đầu năm 2022, cho đến nay, VinFast đã ra mắt 6 mẫu xe thương mại gồm VF e34, VF 8, VF 9, VF 5 Plus, VF 6, VF 7 và 2 mẫu concept là VF 3 và VF Wild. Sự phát triển của VinFast được ví là “thần tốc” như một BYD thứ hai.

Tại thị trường Việt Nam, con đường của VinFast gần như thẳng tắp, gần như không có bất kỳ chướng ngại nào do chưa xuất hiện đối thủ xứng tầm cùng phân khúc. Theo báo cáo mới nhất, VinFast cho biết doanh số ô tô điện năm 2023 vừa qua tăng vọt lên 34.855 xe, tức gần gấp 5 lần so với năm 2022. Đây là kết quả ấn tượng đối với một nhà sản xuất ô tô điện mới bắt đầu khai thác được 2 năm, trong khi thị trường chung thì sụt giảm mạnh. Đặc biệt, sau hơn 9 tháng triển khai dịch vụ taxi điện, VinFast và GSM đã góp phần mở rộng trải nghiệm xe điện tới đông đảo người dân trong cả nước, đồng thời mở rộng dịch vụ vận chuyển công cộng bằng xe điện tại khu vực Đông Nam Á.

Cũng trong năm 2023, đầu năm 2024, thị trường ô tô Việt đón nhận hàng loạt mẫu xe điện mới đến từ các thương hiệu Trung Quốc như Wuling, Haima, Haval, OMODA, Lynk & Co... Theo đó, đa số các hãng xe lựa chọn dòng xe full-hybrid hoặc mild-hybrid để thăm dò thị trường, trước khi tung ra các phiên bản thuần điện trong thời gian tới. Một số chuyên gia nhận định, thị trường ô tô điện Việt Nam sẽ có thể bùng nổ ngay trong năm 2024.

Tháo gỡ vướng mắc về trạm sạc và an ninh năng lượng

Những hãng xe có hạ tầng trạm sạc như VinFast góp phần đẩy nhanh tiến trình điện khí hóa của quốc gia. Ảnh: VinFast
Những hãng xe có hạ tầng trạm sạc như VinFast góp phần đẩy nhanh tiến trình điện khí hóa của quốc gia. Ảnh: VinFast.

Những năm gần đây, các quốc gia đang gia tăng mật độ trạm sạc để đảm bảo nhu cầu sạc pin ô tô điện. Tuy nhiên, các dự án trạm sạc công cộng do Chính phủ tổ chức triển khai vẫn còn rất chậm, chỉ một số quốc gia châu Âu tập trung phát triển hạ tầng trạm sạc. Trong khi đó, tại Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam, việc mở rộng trạm sạc chủ yếu vẫn dựa vào các hãng xe tiên phong như Tesla, VinFast. Thực tế cho thấy, hãng xe nào đầu tư được hạ tầng trạm sạc đáp ứng được nhu cầu sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn. Ngoài ra, một số công ty năng lượng cũng đã bắt đầu đầu tư vốn vào các quốc gia để phát triển hạ tầng trạm sạc sử dụng điện lưới quốc gia, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời.

Tại Việt Nam, hệ thống trạm sạc của VinFast gồm hơn 150.000 cổng sạc trên 63 tỉnh, thành được cho là đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu sạc của người dùng cá nhân. Tuy nhiên, khi dịch vụ taxi điện phát triển thì nhu cầu sạc pin lại gia tăng đột biến, đòi hỏi có thêm nhiều trạm sạc hơn, đặc biệt là trạm sạc nhanh DC. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ, khi các tài xế ở New York đang khổ sở xếp hàng hàng giờ đồng hồ để sạc pin do các trạm sạc của Tesla, EVgo không đủ đáp ứng. Thực tế cũng cho thấy, vấn đề sạc pin hiện nay không chỉ đòi hỏi thêm nhiều cổng sạc công cộng, tốc độ sạc nhanh mà các nhà sản xuất còn phải tiếp tục phát triển và sản xuất ra những khối pin có khả năng lưu trữ nhiều điện năng hơn, giúp xe di chuyển quãng đường xa hơn so với pin Lithium truyền thống.

Bên cạnh đó, thỏa thuận COP28 đã chỉ ra rằng, các quốc gia cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này, để đạt được mức 0 ròng vào năm 2050 phù hợp với khoa học”. Với tuyên bố này, việc tăng công suất năng lượng tái tạo là điều hết sức cần thiết. Trong đó, các phương tiện xanh như ô tô điện cần ưu tiên sử dụng điện sản sinh từ năng lượng tái tạo. Hiện tại, một số gia đình ở Việt Nam đang sở hữu xe điện VinFast đã bắt đầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, vừa phục vụ nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, vừa dùng để sạc pin ô tô điện. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất khi áp dụng mô hình này là cần có hệ thống lưu trữ điện năng đủ công suất để phát điện vào buổi tối.

Xe cỡ nhỏ có lợi thế

Xe điện cỡ nhỏ, xe điện mini ngày càng được nhiều người dùng quan tâm. Ảnh: Wuling
Xe điện cỡ nhỏ, xe điện mini ngày càng được nhiều người dùng quan tâm. Ảnh: Wuling.

Các chuyên gia dự báo, năm 2024, thị trường xe điện sẽ tăng trưởng trong thận trọng và có sự phân hóa cao. Với quãng đường di chuyển ngắn, tập trung tại khu vực đô thị, các dòng xe thuần điện cỡ nhỏ, xe điện mini sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất. Các dòng xe này có lợi thế nhỏ gọn, di chuyển linh hoạt, đặc biệt tại các khu vực đường sá chật hẹp, đông đúc. Bên cạnh đó, xe cỡ nhỏ, xe mini sử dụng khối pin nhỏ gọn, thời gian sạc đầy nhanh chóng nên người cầm lái sẽ chủ động hơn trong cuộc sống hàng ngày, hạn chế tình trạng xếp hàng chờ sạc pin. Ngoài ra, một lượng lớn người dùng hiện nay vẫn chưa thực sự chấp nhận chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện do giá thành còn cao và trạm sạc chưa phổ biến. Do đó, xe cỡ nhỏ hoặc xe mini có thể sẽ là một lựa chọn hợp lý để người dùng có thời gian trải nghiệm, chấp nhận và ủng hộ xe điện hóa.

Tại Việt Nam, ngoài mẫu Mini EV (tên gọi mới của Wuling Hongguang MiniEV), trong năm 2024, VinFast sẽ bàn giao những chiếc xe điện mini đầu tiên của hãng mang tên VF 3 tới tay người tiêu dùng. Đối với phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ hiện đã có các mẫu xe điện như VF e34, VF 5 Plus và VF 6.

Các dòng xe hybrid, plug-in hybrid sẽ phù hợp với quãng đường di chuyển trung bình và di chuyển xa. Đặc biệt, tại Mỹ, châu Âu, người dùng đang có xu hướng chuyển dịch từ xe thuần điện sang xe hybrid. Lý do là dòng xe này rẻ hơn so với xe thuần điện, lại có thể đổ xăng vào để chạy một cách nhanh chóng, không cần phải chờ đợi tại các trạm sạc. Theo báo cáo của S&P Global Mobility, trong 10 tháng đầu 2023, 8,3% số hộ gia đình tại Mỹ lựa chọn xe hybrid hoặc plug-in hybrid; trong khi tỷ lệ lựa chọn xe thuần điện chỉ là 5,7%.

Một số hãng xe, công ty công nghệ đã bắt đầu phát triển những loại pin có khả năng giúp xe di chuyển hơn 1.000 km sau mỗi lần sạc đầy, hoặc xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV). Công nghệ này được kỳ vọng sẽ thay thế xe hybrid trong tương lai và khiến chiếc ô tô trở nên thực sự “xanh”. Tuy nhiên, sẽ phải mất khoảng thời gian rất dài để các sản phẩm thương mại đến tay được người dùng bình dân, do giá một chiếc xe FCEV thường sẽ cao hơn nhiều so với xe thuần điện hiện nay.

Tin mới

Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Xiaomi, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã nhảy vào thị trường xe điện, tung ra mẫu xe có giá chỉ bằng một nửa so với xe điện do Tesla của Mỹ và Porsche của Đức cung cấp, mặc dù mang lại hiệu suất tốt hơn các thương hiệu uy tín đó.
#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

Một sự kiện gây xôn xao làng xe thế giới những ngày gần đây: Tỷ phú Elon Musk, ông chủ Tesla vừa quyết định sa thải 500 nhân sự ở mảng kinh doanh trạm sạc Supercharger. Lý do nào đi đến quyết định bất ngờ này? Elon Musk đang suy tính điều gì? Và việc kinh doanh dịch vụ trạm sạc có còn là “miếng bánh ngọt” dành cho các hãng ô tô trên thế giới cũng như tại Việt Nam hay không? Hãy cùng chúng tôi phân tích chủ đề này trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay!
Tháng 4, ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ quay đầu lao dốc

Tháng 4, ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ quay đầu lao dốc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2024 ước đạt 12.500 chiếc, giá trị 244 triệu USD. Trước đó, vào tháng 3, số lượng xe nhập khẩu là 15.860 chiếc có giá trị kim ngạch 330 triệu. Như vậy, so với tháng liền kề, ô tô nhập khẩu trong tháng 4/2024 giảm 21,2% về lượng và 26,1% về giá trị.