09:34 30/11/2021

Mất hơn 50% vốn hóa sau một năm, Alibaba vẫn chưa hết "vận đen"

Hoài Thu

Vào cuối tháng 10/2020, vốn hóa của Alibaba đạt đỉnh 6.600 tỷ Đôla Hồng Kông (846 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại). Tuy nhiên, con số này hiện chỉ còn 2.800 tỷ Đôla Hồng Kông (khoảng 358 tỷ USD)...

Vốn hóa của Alibaba giảm hơn 50% sau một năm - Ảnh: Reuters
Vốn hóa của Alibaba giảm hơn 50% sau một năm - Ảnh: Reuters

Trên sàn chứng khoán Hồng Kông, vốn hóa của Alibaba Group đã sụt hơn 50% sau một năm kể từ khi công ty con công nghệ tài chính Ant Group bị đình chỉ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO), làm mất đi động lực tăng trưởng của hãng thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc.

Vào cuối tháng 10/2020, vốn hóa của Alibaba đạt đỉnh 6.600 tỷ Đôla Hồng Kông (846 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại). Tuy nhiên, con số này hiện chỉ còn 2.800 tỷ Đôla Hồng Kông (khoảng 358 tỷ USD). Ngoài Hồng Kông, cổ phiếu Alibaba hiện cũng giao dịch trên sàn chứng khoán New York.

Theo ước tính của Nikkei Asia, định giá của Ant Group – đế chế công nghệ tài chính khổng lồ đứng sau ứng dụng thanh toán phổ biến tại Trung Quốc Alipay – cũng giảm xuống dưới 200 tỷ USD, từ mức hơn 300 tỷ USD trước thêm IPO “hụt” năm ngoái.

"NGÔI SAO HY VỌNG" ANT GROUP LỤI TÀN

Trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh mới đây, Giám đốc điều hành (CEO) Daniel Zhang và các giám đốc điều hành khác của Alibaba đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa từ các nhà phân tích về kết quả mờ nhạt của quý trước. Khi được hỏi khi nào các hoạt động mới sẽ tạo ra lợi nhuận và liệu các nhóm hoạt động lợi nhuận kém có phải do các yếu tố vĩ mô, lãnh đạo Alibaba không đưa ra được câu trả lời rõ ràng.

Giám đốc tài chính Maggie Wu có lẽ là người đưa ra những thông tin gây bất ngờ nhất khi cho biết tăng trưởng doanh thu của Alibaba được dự báo sẽ giảm xuống còn 11-16% trong nửa cuối năm nay, giảm từ mức 41% của cả năm trước. Việc mất đi động lực tăng trưởng có thể kiến tăng trưởng doanh thu cả năm nay của tập đoàn này sụt xuống mức thấp kỷ lục 20-23%.

Vào khoảng thời gian này năm ngoái, kỳ vọng của thị trường với Alibaba cao hơn bao giờ hết với dự báo về một IPO “khủng” của Ant Group cũng như nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Nhưng chỉ một năm sau, “ngôi sao hy vọng” của đế chế này đã lụi tàn.

Trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh, Alibaba thông báo doanh thu kỷ lục trong dịp Lễ độc thân – sự kiện mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc kết thúc vào ngày 11/11 - với 540,3 tỷ Nhân dân tệ (84,5 tỷ USD). Tuy nhiên, trên thực tế, con số kỷ lục này một phần bắt nguồn từ việc dịp lễ mua sắm này năm nay diễn ra lâu hơn nhiều so với năm 2020.

Trong quý 3, lợi nhuận hoạt động mảng thương mại điện tử của Alibaba giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự suy yếu trong mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này.

Theo giới phân tích, vị trí dẫn đầu ngành khiến Alibaba vào tầm ngắm của các nhà quản lý và điều này mở ra cơ hội cho các đối thủ. Trong quý trước, lợi nhuận hoạt động mảng bán lẻ của JD.com – hãng thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, sau Alibaba – tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Hồi tháng 4, Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền khi gây áp lực buộc các nhà bán hàng trên nền tảng của mình không được làm ăn với các đối thủ. Chính điều này tạo cơ hội để JD.com thu hút thêm nhiều nhà bán hàng.

“Số phận” khác nhau của Alibaba và JD.com được phản ánh ở giá cổ phiếu của hai công ty ngay sau khi cả hai công bố kết quả kinh doanh. Trên sàn chứng khoán Hồng Kông, giá cổ phiếu Alibaba đã sụt ngay hơn 10% hôm 19/11, còn cổ phiếu JD.com tăng tới hơn 19%. Cũng giống Alibaba, JD.com hiện cũng niêm yết trên sàn chứng khoán New York.

MỘT LOẠT THÁCH THỨC

Không chỉ trong mảng thương mại điện tử, Alibaba cũng đang gặp rắc rối ở các mảng khác. Pinduoduo, hiện là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba Trung Quốc, và Bytedance – công ty mẹ ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, đều đang nhảy vào lĩnh vực dịch vụ thanh toán di đọng, đe dọa vị thế thống trị của cả Alibaba (với Alipay) lẫn Tencent (với WeChat Pay), trong đó đe đọa một trong những nguồn lợi nhuận chính của Alibaba.

Một mối đe dọa khác với đế chế của tỷ phú Jack Ma liên quan tới những người có sức ảnh hưởng phát trực tiếp (livestream) để bán sản phẩm trên nền tảng của Alibaba. Không lâu sau dịp lễ Độc thân, 2 người có sức ảnh hưởng lớn trên nền tảng của Alibaba đã bị cáo buộc trốn thuế. Hai người này, có tổng cộng 25 triệu người theo dõi trên Weibo, đã bị phạt tổng cộng hơn 14 triệu USD.

Năm ngoái, một trong 2 người - Zhu Chenhui, có tên là Xueli Cherie trên mạng – đã bán lượng hàng hóa trị giá gần 4 tỷ Nhân dân tệ trên nền tảng của Alibaba. Zhu sau đó lên tiếng xin lỗi và cho biết sẽ nghỉ phát trực tiếp một thời gian. Vụ bê bối trên có thể hủy hoại tương lai của Zhu trong lĩnh vực vốn trọng danh tiếng này.

Alibaba đối mặt cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong cả mảng thương mại điện tử cốt lõi lẫn các mảng khác - Ảnh: Reuters
Alibaba đối mặt cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong cả mảng thương mại điện tử cốt lõi lẫn các mảng khác - Ảnh: Reuters

Phát trực tiếp là hình thức bán hàng mang lại nguồn thu béo bở cho cả những người ảnh hưởng như Zhu lẫn Alibaba. Nhưng các vấn đề liên quan tới thuế trong lĩnh vực này đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các nhà chức trách Trung Quốc.

"Có thể sẽ có thêm nhiều vụ cáo buộc trốn thuế nữa trong thời gian tới”, một nguồn tin của Nikkei Asia cho biết.

Chiến dịch thúc đẩy sự “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tạo ra môi trường pháp lý khắc nghiệt hơn với Alibaba cũng như nhiều hãng công nghệ lớn khác của nước này.