12:20 30/03/2023

Nền kinh tế Nga bắt đầu cạn tiền?

An Huy

Năm ngoái, giá dầu thô và khí đốt đã tăng mạnh trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, qua đó mang lại cho Moscow nguồn thu khổng lồ. Tờ Wall Street Journal nói rằng giờ đây, những ngày rực rỡ đó không còn nữa và nền kinh tế Nga đang bắt đầu cạn tiền...

Một điểm thu đổi ngoại tệ ở Moscow. Đồng Rúp đã giảm hơn 20% so với đồng USD kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay - Ảnh: Getty/WSJ.
Một điểm thu đổi ngoại tệ ở Moscow. Đồng Rúp đã giảm hơn 20% so với đồng USD kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay - Ảnh: Getty/WSJ.

Bước sang năm thứ hai của cuộc chiến tranh, nền kinh tế Nga bắt đầu “ngấm” những đòn trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, thu ngân sách của Chính phủ Nga giảm sút trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dịch chuyển sang xu hướng yếu hơn, rất có thể sẽ kéo dài.

Dầu thô và khí đốt, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, đã mất đi những khách hàng quan trọng. Ngân sách quốc gia trở nên căng thẳng. Đồng Rúp đã giảm hơn 20% so với đồng USD kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay. Lực lượng lao động suy giảm vì người trẻ bị huy động ra chiến trường hoặc di cư ra nước ngoài vì không muốn nhập ngũ. Tình trạng bấp bênh khiến doanh nghiệp hạn chế mọi kế hoạch đầu tư.

“Nền kinh tế Nga đang bước vào thời kỳ thụt lùi dài hạn”, bà Alexandra Prokopenko, một cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và đã di cư ra nước ngoài không lâu sau khi chiến tranh nổ ra, nhận định.

Trong tháng 3, này, tỷ phú Nga Oleg Deripaska đã cảnh báo Nga sắp cạn tiền. “Năm tới sẽ không có tiền nữa, chúng ta cần các nhà đầu tư nước ngoài”, vị đại gia ngành nguyên vật liệu thô của Nga phát biểu tại một hội thảo kinh tế.

Mất đi thị trường châu Âu và các nhà đầu tư phương Tây bỏ chạy, Nga đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc để bù lại.

“Dù Nga có vững vàng trong ngắn hạn, bức tranh dài hạn là ảm đạm: Nga sẽ hướng nội nhiều hơn và có thể phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc”, chuyên gia cấp cao Maria Shagina thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược ở London nhận định.

NGÂN SÁCH QUỐC GIA NGÀY CÀNG THÂM HỤT

Với dòng chảy khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm xuống mức tối thiểu và châu Âu áp lệnh cấm vận lên dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga, thu ngân sách từ xuất khẩu năng lượng của Chính phủ Nga đã giảm gần một nửa trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, thâm hụt ngân sách tăng lên mức 34 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tương đương 1,5% GDP. Điều này buộc Moscow phải rút tiền từ quỹ lợi ích quốc gia - một trong những dự trữ chính cho trường hợp khủng hoảng.

Chính phủ Nga vẫn có thể vay tiền trong nước, và quỹ lợi ích quốc gia của nước này vẫn có 147 tỷ USD dù đã giảm 28 tỷ USD so với thời điểm trước chiến tranh. Ngoài ra, Nga cũng tăng cường bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng dầu Nga đang được bán với mức chiết khấu lớn so với giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu. Theo hãng tin Bloomberg, dầu thô Urals của Nga hiện đang giao dịch với mức giá 54 USD/thùng, so với mức giá 78 USD/thùng của dầu Brent.

Giới chức Nga thừa nhận những khó khăn này, nhưng họ nói nền kinh tế nhanh chóng thích nghi được. Tổng thống Vladimir Putin nói Chính phủ của ông đã hành động hiệu quả trong việc chống lại những mối đe doạ đối với nền kinh tế. “Dĩ nhiên, quốc phòng là ưu tiên số 1, nhưng khi giải quyết các nhiệm vụ chiến lược trong lĩnh vực này, chúng ta không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ và không nên phá hỏng nền kinh tế của chính mình”, ông Putin nói trong một bài phát biểu toàn quốc vào tháng 2.

Doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga (biểu đồ trái) và cán cân ngân sách chính phủ Nga (biểu đồ phải). Đơn vị: nghìn tỷ Rúp (1 nghìn tỷ Rúp = 13,1 tỷ USD) - Nguồn: WSJ.
Doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga (biểu đồ trái) và cán cân ngân sách chính phủ Nga (biểu đồ phải). Đơn vị: nghìn tỷ Rúp (1 nghìn tỷ Rúp = 13,1 tỷ USD) - Nguồn: WSJ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng tiềm năng (mức tăng trưởng không gây lạm phát) của nền kinh tế Nga vào khoảng 3,5% trước năm 2014 - thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Hiện nay, theo một số nhà kinh tế học, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Nga chỉ còn khoảng 1% do năng suất suy giảm, cộng thêm việc nền kinh tế bị tụt lại về công nghệ và bị cô lập nhiều hơn.

“Đối với một nền kinh tế như Nga, mức tăng trưởng 1% chẳng là gì cả, chậm chí không phải là mức duy trì”, bà Prokopenko nói.

NỀN KINH TẾ NGÀY CÀNG PHỤ THUỘC VÀO NHÀ NƯỚC

Giữa lúc nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí giảm và ngân sách chính phủ thâm hụt, người tiêu dùng Nga cũng giảm chi tiêu, đặt ra thêm khó khăn đối với nền kinh tế. Không chỉ vậy, áp lực lạm phát đang ngày càng lớn. Theo một báo cáo mới đây của CBR, xuất khẩu giảm, thị trường lao động thắt chặt và chi tiêu chính phủ tăng đang đẩy rủi ro lạm phát lên.

Lạm phát của Nga trong tháng 2 là khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể tạm thời giảm dưới 4% trong vài tháng tới do cơ sở so sánh cao vào năm ngoái vì giá hàng hoá tăng vọt sau khi chiến tranh nổ ra. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng một số dữ liệu kinh tế khác của Nga có thể tạm thời cải thiện trong những tháng tới do hiệu ứng cơ sở so sánh tương tự.

Nền sản xuất công nghiệp của Nga đang ở trong tình trạng khan hiếm lao động tệ nhất từ năm 1993, theo Viện Chính sách kinh tế Gaidar ở Moscow. Tình trạng chảy máu chất xám sau khi chiến tranh nổ ra và việc 300.000 nam giới được huy động nhập ngũ vào mùa thu năm ngoái đã khiến khoảng một nửa số doanh nghiệp Nga không có đủ nhân công - theo Ngân hàng Trung ương nước này.

Các công ty ở Nga đang cố gắng xoay sở để thích nghi với sự cấm vận của phương Tây, khi các biện pháp trừng phạt gây ra tình trạng khan hiếm nghiêm trọng các loại linh kiện và phụ tùng. CBR đã cảnh báo rằng rủi ro đối với ngành hàng không nước này đang tăng lên vì thiếu máy bay mới và linh kiện có thể dẫn tới những vấn đề lớn trong công tác bảo trì. Các công ty công nghệ thông tin và tài chính của Nga cũng chật vật vì không thể tiếp cận với các công nghệ phương Tây như phần mềm, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, các công cụ và thiết bị phân tích - theo CBR.

 

“Đây không phải là một cuộc khủng hoảng 1-2 năm. Nền kinh tế Nga sẽ rẽ theo một hướng hoàn toàn khác”.

Chuyên gia Vasili Astrov, Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna

Với tất cả những thay đổi này, nền kinh tế Nga đang trở nên ngày càng phụ thuộc vào nhà nước. Phần lớn tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Nga hiện nay đến từ các nhà máy sản xuất tên lửa, đạn pháo và trang phục quân sự. Trong khi đó, sản lượng ô tô của Nga trong tháng 12/2022 giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Prokopenko, tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất quân sự đã che đậy những vấn đề thực sự của nền công nghiệp Nga. “Đây không phải là tăng trưởng thực sự, vì không giúp ích gì cho phát triển kinh tế”, bà nói.

NHỮNG DỰ BÁO ẢM ĐẠM

Nhờ giá dầu thô và khí đốt tăng cao, nền kinh tế Nga đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất trong năm ngoái. GDP Nga năm 2022 chỉ giảm 2,1% - theo số liệu thống kê chính thức, ít hơn nhiều so với mức dự báo giảm 10-15% mà giới chuyên gia đưa ra sau khi chiến tranh bùng nổ. Nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, thu từ thuế xuất khẩu dầu khí - nguồn thu chiếm gần một nửa tổng thu ngân sách của Chính phủ Nga - giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tiêu chính phủ tăng 50%.

Giới phân tích ước tính rằng mức giá dầu cần thiết để ngân sách chính phủ Nga cân bằng là đã tăng lên mức hơn 100 USD/thùng chừng nào chi tiêu cho chiến tranh còn gây sức ép lên ngân sách. Trong tháng 2, giá dầu Urals của Nga bình quân 49,56 USD/thùng,  theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga.

“Nga bây giờ có quyền mặc cả ít hơn nhiều so với trước trên thị trường dầu lửa của thế giới, vì họ không còn nhiều lựa chọn khách hàng để bán dầu”, ông Vasili Astrov, chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna, nhận định.

Người tiêu dùng Nga - một trụ cột khác của nền kinh tế nước này - cũng đang yếu đi. Doanh thu bán lẻ của Nga trong năm ngoái giảm 6,7%, tệ nhất kể từ năm 2015, theo số liệu chính thức. Tháng 2 năm nay, doanh số bán lẻ ô tô mới ở nước này giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.

Phần lớn giới phân tích dự báo GDP của Nga lại giảm trong năm nay, nhưng một số tổ chức dự báo, gồm IMF, cho rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng nhẹ. Theo IMF, đến năm 2027, sản lượng kinh tế của Nga sẽ thấp hơn khoảng 7% so với dự báo đưa ra trước chiến tranh. “Tổn thất về vốn liếng con người, sự cách ly khỏi thị trường tài chính toàn cầu, và việc mất quyền tiếp cận với công nghệ tiên tiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga”, IMF nhận định.

Công ty tư vấn Rystad Energy dự báo đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu khí ở Nga sẽ giảm còn 33 tỷ USD trong năm nay, từ mức dự báo 57 tỷ USD đưa ra trước chiến tranh. Điều này đồng nghĩa sản lượng dầu khí của Nga trong tương lai sẽ ít đi. Các nhà phân tích của hãng dầu lửa BP ước tính rằng đến năm 20235 sản lượng dầu thô của Nga chỉ còn 7-9 triệu thùng/ngày, so với mức khoảng 12 triệu thùng/ngày vào năm 2019.

“Đây không phải là một cuộc khủng hoảng 1-2 năm. Nền kinh tế Nga sẽ rẽ theo một hướng hoàn toàn khác”, ông Astrov nói.