08:16 27/10/2015

Ngân hàng 0 đồng và hai câu hỏi để ngỏ

Minh Đức

Hai câu hỏi từ hai chuyên gia đặt ra cho giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém bằng mua lại bắt buộc giá 0 đồng

Để cân đối hoạt động, Ngân hàng Nhà nước phải trình xin Thủ tướng Chính phủ một cơ chế đặc biệt: cho ba ngân hàng 0 đồng một mức vốn điều lệ danh nghĩa. Đây là câu trả lời cho câu hỏi lấy vốn đâu ra và mức 3.000 tỷ đồng đó là như thế nào.
Để cân đối hoạt động, Ngân hàng Nhà nước phải trình xin Thủ tướng Chính phủ một cơ chế đặc biệt: cho ba ngân hàng 0 đồng một mức vốn điều lệ danh nghĩa. Đây là câu trả lời cho câu hỏi lấy vốn đâu ra và mức 3.000 tỷ đồng đó là như thế nào.
Sau bài viết “Ngân hàng 0 đồng tại Việt Nam: Từ A đến Z” trên VnEconomy đầu tháng nay, có hai chuyên gia phản hồi cùng với hai câu hỏi, được xem là còn để ngỏ.

Chiều 26/10, tại buổi tọa đàm với nội dung liên quan, do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra, hai ý chính trùng với sự quan tâm của hai chuyên gia nói trên.

Cơ chế đặc biệt

Tại cuộc tọa đàm, qua rà soát cơ sở pháp lý, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định: việc mua lại cổ phần bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank) với giá 0 đồng là đúng thẩm quyền, đủ điều kiện và đúng trình tự pháp lý.

Tuy nhiên, bà Nga cho biết, cử tri băn khoăn, sau khi bị mua lại 0 đồng, ba ngân hàng trên lấy tiền đâu để có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, có phải là tiền ngân sách không?

Đó cũng chính là câu hỏi mà chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt ra với VnEconomy sau bài viết nói trên.

Cụ thể, đã mua 0 đồng, tức ngân sách không bỏ ra đồng nào, thì lấy đâu để có 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nên hiểu mức vốn đó như thế nào khi mà lỗ đã ăn sâu đến mấy lần?

Đúng là với dư luận xã hội và quan điểm chính trị đặt ra, cho đến nay quá trình xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém không dùng đến một đồng nào của ngân sách.

Cũng tại tọa đàm, tất cả các ý kiến đại diện nhiều cơ quan và tổ chức đều thống nhất: thời điểm này không thể cho phá sản ngân hàng, vì hệ lụy nguy hiểm. Vậy thì phải vẫn phải cho ba ngân hàng đó hoạt động. Không được bơm tiền ngân sách vào, vẫn phải cho hoạt động.

Để cân đối hoạt động, Ngân hàng Nhà nước phải trình xin Thủ tướng Chính phủ một cơ chế đặc biệt: cho ba ngân hàng 0 đồng một mức vốn điều lệ danh nghĩa. Đây là câu trả lời cho câu hỏi lấy vốn đâu ra và mức 3.000 tỷ đồng đó là như thế nào.

Theo kịch bản của Ngân hàng Nhà nước, nếu có sự hỗ trợ của cơ chế chính sách, sự phối hợp của các ban ngành chức năng, triển khai phương án kinh doanh mới chặt chẽ, điều kiện thị trường không quá xấu đi, ba ngân hàng trên có thể hồi lại được mức vốn điều lệ thực trong vòng 5 năm.

Còn hiện tại, vốn điều lệ là danh nghĩa, để tham chiếu cho các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là về giới hạn tín dụng. Vì để những ngân hàng đó hoạt động và tìm cách khắc phục những tồn tại, họ phải được cho vay mới.

Còn nếu theo cơ chế hiện hành, không có vốn điều lệ, “trơn” hết các giới hạn an toàn thì họ không được cho vay mới, trong khi vốn huy động tăng lên phải trả lãi thì lỗ càng chồng lỗ. Họ cần được tiếp tục cho vay để có nguồn thu, bên cạnh giải pháp tăng cường thu hồi tài sản và nợ xấu.

Đến nay, cả ba ngân hàng trên đều đã có vốn khả dụng dư thừa đáng kể. Ngân hàng Nhà nước đã xem xét cho vay mới ở tín dụng tiêu dùng, thế chấp sổ tiết kiệm, ở các dự án được đánh giá hiệu quả tốt và độ an toàn cao.

Dự kiến Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ sớm có quy định cụ thể về cơ chế đặc biệt đó. Bởi lẽ, một ngân hàng không bình thường, buộc phải hoạt động để khắc phục các hệ quả, thì không thể theo được cơ chế bình thường.

Trách nhiệm giám sát ở đâu?

Tại tọa đàm trên, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của cơ quan thanh tra giám sát khi để xẩy ra rủi ro ở những ngân hàng 0 đồng.

Sau bài viết trên VnEconomy, phản hồi từ một chuyên gia tài chính cũng gắn với câu hỏi tương tự và cho rằng đây là điều còn để ngỏ.

VnEconomy đã chuyển trực tiếp câu hỏi đó tới lãnh đạo chuyên trách Ngân hàng Nhà nước. Câu trả lời được nhìn ở một quá trình.

Những rủi ro xẩy ra ở các ngân hàng yếu kém và ba trường hợp 0 đồng xẩy ra từ năm 2011 trở về trước. Các ngân hàng nhồi quá nhiều vốn vào bong bóng bất động sản, chứng khoán. Thị trường đảo chiều và lao dốc nhanh, rủi ro bộc lộ quá lớn làm giảm chất lượng tài sản, đặc biệt tại các ngân hàng năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế.

Phần lớn rủi ro dẫn đến nợ xấu. Chi phí trích lập dự phòng nhanh chóng nhấn chìm các ngân hàng yếu kém. Vũng lầy đối với ba ngân hàng trên càng sâu hơn khi có tình trạng dồn cho vay một hoặc một nhóm cổ đông lớn, rồi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.

Vấn đề là, theo lý giải của lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng che giấu vũng lầy đó một cách tinh vi, báo cáo không trung thực, khiến ngày một sa lầy sâu hơn. Điển hình như cách phân tán hành vi, thuê và nhờ người khác đứng tên đối phó các quy định pháp luật.

Từ 2011 trở về trước, cơ chế giám sát của nhà quản lý chủ yếu dựa vào hệ thống báo cáo; việc thanh-kiểm tra chia nhỏ và rải ra các chi nhánh. Điều này càng khó phát hiện những sai phạm tinh vi nói trên.

Đến cuối 2011 đầu 2012, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu làm theo hướng khác: tập trung thanh tra pháp nhân, hội sở chính và các chi nhánh trọng điểm. Các sai phạm và những vũng lầy mới thực sự được sờ mó và gắn lại thành bức tranh tổng thể.

Và đó là lần đầu tiên có “khái niệm” xác định lỗ thực và vốn thực để dồn được nhóm ngân hàng yếu kém vào yêu cầu tái cơ cấu.

Một số trường hợp cá biệt, cơ quan thanh tra giám sát phải nhờ đến cơ quan công an điều tra mới xác minh được các vi phạm, vì quá tinh vi.

Vị lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước nói, dù thế nào, xảy ra khi nào, nhưng những rủi ro và bất cập trong hệ thống đến nay Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nhận trách nhiệm về mình trước Quốc hội. Điểm tiếp theo là khắc phục và làm sao để giám sát được chặt chẽ hơn.

“Tại các thị trường phát triển, không riêng lĩnh vực ngân hàng mà với doanh nghiệp nói chung vẫn có tình trạng vi phạm pháp luật. Phát hiện sớm được hết để ngăn chặn là rất khó. Cho nên khi phát hiện được phải xử lý nghiêm để răn đe, hệ thống pháp lý và giám sát phải càng chặt chẽ để hạn chế cơ hội vi phạm”, ông nhìn nhận.

Từ năm 2012, cơ quan thanh tra giám sát đã tiến thêm một bước mới: truy xuất nhanh và khá chính xác các khoản vay có nghi vấn, làm rõ được nguồn tiền các giao dịch chứng khoán có quy mô từ 0,1% trở lên…, từ đó tạo cơ sở để vào cuộc nhanh hơn, như việc xử lý các vụ việc sân sau, sở hữu chéo trong hệ thống gần đây.

Cơ chế thay cho tiền

Thế nhưng, hệ quả của những rủi ro và vi phạm từ những ngân hàng trước khi bị 0 đồng là quá lớn. Đến mức cả nền kinh tế như bị họ “bắt làm con tin”, theo cách nói của TS. Trần Du Lịch tại tọa đàm trên.

Càng tạo điều kiện để họ và các cổ đông khắc phục thì qua thời gian lại càng lún sâu. Cho nên, ông Lịch ủng hộ và đánh giá biện pháp mua lại bắt buộc với giá 0 đồng là quyết liệt, dứt khoát đối với tình trạng dây dưa không thể khắc phục, để không thể mãi là “con tin” của những trường hợp đó.

Chuyên gia này cũng nhìn lại rằng, nếu cho phá sản thì “chết” theo hiệu ứng dây chuyền ra cả hệ thống, mà muốn cho phá sản cũng không được vì chưa có đủ khung pháp lý, chưa có các văn bản hướng dẫn Luật Phá sản.

Để xử lý, theo chuyên gia Trần Du Lịch, Việt Nam vẫn quen dùng cơ chế chứ không chi tiền. Việc chỉ dùng cơ chế để xử lý được phần lớn nợ xấu, xử lý được các ngân hàng yếu kém cùng ba trường hợp 0 đồng, mà không chi một đồng nào ngân sách, cũng là đáng kể.