16:14 07/10/2022

Ngành xây dựng xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất

Nhật Dương

Xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người nhất, chiếm trên 14 % tổng số vụ tai nạn lao động trong nửa đầu năm 2022, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Ảnh minh họa - VOV.
Ảnh minh họa - VOV.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2022 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố, 6 tháng đầu năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 3.908 vụ tai nạn lao động (tăng 296 vụ, tương ứng với 8,19% so với 6 tháng đầu năm 2021), làm hơn 4.000 người bị nạn. Tổng số vụ tai nạn lao động này xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 366 vụ, giảm 33 vụ so với 6 tháng đầu năm 2021; số người chết vì tai nạn lao động là 380 người, 807 người bị thương nặng.

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, An Giang.

Riêng trong khu vực có quan hệ lao động, qua phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, theo loại hình cơ sở sản xuất thì công ty cổ phần chiếm 32,25% số vụ tai nạn lao động chết người, và 33,45% số người chết.

Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 36,37% số vụ tai nạn lao động chết người và 36,16% số người chết. Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 17,8% số vụ tai nạn lao động chết người và 17,92% số người chết người. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 5,29% số vụ tai nạn lao động và 4,45% số người chết.

Xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người nhất, chiếm 14,73% tổng số vụ tai nạn lao động và 15,26% tổng số người chết. Tiếp theo là các lĩnh vực như: Khai thác mỏ, khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; dịch vụ.

Nguyên nhân đến từ phía người sử dụng lao động chiếm 37,85% tổng số vụ tai nạn lao động và 38,56% tổng số người chết, chủ yếu do tổ chức lao động và điều kiện lao động; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động.

Nguyên nhân do người lao động chiếm 27,73% tổng số số vụ tai nạn lao động và 27,66% tổng số người chết. Cụ thể do vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra 6 tháng đầu năm 2022 gồm các chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...là trên 2.449 tỷ đồng (giảm khoảng 1.088 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2021).

Thiệt hại về tài sản trên 16 tỷ đồng (tăng khoảng 15,3 tỷ đồng so với 6 tháng đầ năm 2021). Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 48.579 ngày (giảm khoảng 82.836 ngày so với 6 tháng đầu năm 2021).

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, phối hợp với Bộ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo....

Đối với các doanh nghiệp, cần tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao đôngh do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.