06:18 12/12/2021

Nghiên cứu khoa học nông nghiệp cần tiếp cận tổng thể và toàn diện

Chương Phượng

Các tổ chức quốc tế hợp tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp tại Việt Nam nên ưu tiên vào nghiên cứu thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp đa giá trị...

Hội nghị diễn ra ngày 10/12/2021.
Hội nghị diễn ra ngày 10/12/2021.

Nhóm Tư vấn các Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế  (CGIAR), mạng lưới đổi mới sáng tạo nông nghiệp lớn nhất toàn cầu đã tổ chức hội nghị điều phối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vào ngày 10/12/2021.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh và TS Jean Balie, Giám đốc khu vực của One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương chủ trì.

ĐƯA NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như tăng trưởng chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên, sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn.

“Vẫn còn tình trạng được mùa mất giá và ngược lại, môi trường ô nhiễm và thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Vì vậy, cần phải thúc đẩy khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các vấn đề này", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh Doanh lưu ý. 

 
Để bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn và thách thức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp của CGIAR.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

TS. Jean Balie- Giám đốc khu vực của One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương,nhận định Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 190,32 tỷ USD.

Đáng chú ý, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt kỷ lục 41 tỷ USD. Riêng 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng tới 14,2% so với cùng kỳ năm trước và dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.

“Tất cả những thách thức này đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào Việt Nam có thể phát triển theo hướng bền vững hơn. Chính vì vậy, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia trọng điểm trong chiến lược hoạt động của CGIAR”, TS. Jean Balie khẳng định.

Theo TS. Jean Balie, trong 5 năm qua, CGIAR đã thực hiện hơn 100 dự án tại hơn 40 tỉnh thành của Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư 24 triệu USD, mang lại lợi ích cho hơn 24 triệu người. Nghiên cứu của CGIAR đã đem lại tác động trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bền vững, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững và cải thiện sức khỏe con người và động vật thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh CGIAR đang trong giai đoạn chuyển đổi sang mô hình One CGIAR để ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, đồng thời tối ưu hóa sự đóng góp của CGIAR nhằm đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, cuộc họp tạo cơ hội giúp gắn kết các mối quan hệ đối tác và góp phần xây dựng một cách tiếp cận tổng thể và toàn diện”, TS Jean Balie bày tỏ.

NHIỀU SÁNG KIẾN NGHIÊN CỨU TRONG THỜI GIAN TỚI

Đề cập các Sáng kiến One CGIAR gắn với các ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TS Nguyễn Việt Hùng, Lãnh đạo Chương trình Sức khỏe Động vật và Con người của CGIAR/ILRI, cho biết cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Khu vực CGIAR về Sản phẩm Nông nghiệp an toàn thân thiện với môi trường (SEAP) đã diễn ra vào tháng 11/2021.

Các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới, bao gồm: Cải tiến trong Nông học để Thâm canh bền vững và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu (Eia); cải tiến Năng suất Chăn nuôi Bền vững vì Sinh kế, Dinh dưỡng và Hòa nhập Giới (SAPLING); Sức khỏe Cây trồng và Phản ứng Nhanh để Bảo vệ An ninh Lương thực và Sinh kế; Cải thiện sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe; Nâng cao Năng suất và Khả năng phục hồi.

Bảo vệ Môi trường và Thúc đẩy Tăng trưởng Toàn diện trong Cộng đồng; Sáng kiến Giảm nhẹ và Chuyển đổi để Giảm phát thải Khí nhà kính của các Hệ thống Nông sản (MITIGATE+); Khẩu phần ăn Lành mạnh Bền vững thông qua Chuyển đổi Hệ thống LTTP (SHIFT); Khai thác Công nghệ Số để ra quyết định theo thời gian thực trên các hệ thống lương thực thực phẩm, đất và nước …

CGIAR cũng sẽ giới thiệu 10 sáng kiến cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo cách phối hợp, các nhóm sáng kiến làm việc với các đối tác cụ thể để thực hiện. Đồng thời, sẽ thu hút Việt Nam tham gia xây dựng Đề xuất ASEAN – One CGIAR, hỗ trợ Việt Nam phát triển vai trò lãnh đạo khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết.

Nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa CGIAR và Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, TS Trần Công Thắng- Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã chia sẻ về “Định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050”.

 

Ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu trong 10 năm tới: tốc độ GDP tăng 2,5-3%/năm; năng suất lao động tăng 5,5-6%/năm; tỷ lao động nông nghiệp đào tạo  đạt 70%; 90% số xã, 70% huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; 50% số xã, 35% huyện đạt Nông thôn mới nâng cao; thu nhập của người dân nông thôn tăng 3 lần so với hiện nay; kim ngạch xuất khẩu tăng 6-8%/năm để đạt 60 tỷ USD vào năm 2030…

TS Trần Công Thắng- Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn.

TS Trần Công Thắng khuyến nghị, cần phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp đa giá trị. Nhà nước cần kiến tạo phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ chính và tạo môi trường.

Tiếp tục tái cơ cấu duy trì và khôi phục tăng trưởng theo 3 trục và theo lĩnh vực: Xây dựng vùng chuyên canh cho hàng hóa lớn, phát triển sản phẩm địa phương theo hướng nông nghiệp sinh thái; Tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ; Đổi mới tổ chức thể chế của Hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống đầu vào phục vụ sản xuất hiệu quả bền vững, bao gồm hệ thống nghiên cứu (giống), thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, quản lý phát triển vật tư đầu vào; đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi.

“Cần liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững thông qua việc xây dựng chuỗi nông sản chủ lực, vùng chuyên canh, cụm ngành chế biến. Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển thị trường xuất khẩu và trong nước. Đặc biệt là hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Hệ sinh thái ngành hàng, trong đó doanh nghiệp đầu tầu bảo đảm vai trò hạt nhân”, ông Thắng nhấn mạnh.