Nhóm sản phẩm chăn nuôi nhập siêu gần 3 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 440 triệu USD, tăng 4,0%; nhập khẩu ước trên 3,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2020. Như vậy, năm 2021 nhóm sản phẩm chăn nuôi nhập siêu 2,96 tỷ USD.
Nhìn lại xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2021, trong khi nhóm sữa giảm thì thịt gà chế biến tăng mạnh. Đặc biệt, lông vũ gia cầm đang nổi lên là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của ngành chăn nuôi khi đem về kim ngạch 50 triệu USD…
XUẤT KHẨU THỊT ĐẠT 72 TRIỆU USD
Sản phẩm ngành chăn nuôi xuất khẩu được chia làm 5 nhóm: thịt và sản phẩm thịt; vật nuôi còn sống; sữa và sản phẩm sữa; trứng; các sản phẩm khác.
Ở nhóm sản phẩm thịt, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 18 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá hơn 72 triệu USD. Tuy nhiên, tính về trị giá, nhập khẩu thịt vẫn cao gấp khoảng 20 lần so với xuất khẩu thịt. Thịt tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang sang 14 thị trường.
Trong các sản phẩm thịt xuất khẩu, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thịt gà. Thịt gà chế biến xuất khẩu năm 2021 đạt 2.531 tấn, tăng 36,58% so với năm 2020. Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản (năm 2017), Hồng Kông (năm 2019) và 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (năm 2020).
Ngày 6/6/2021, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật LB Nga tiếp tục chấp thuận cho Nhà máy của Công ty CP tại Bình Phước được xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào các nước thuộc Liên minh kinh tế Á Âu.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Hàn Quốc, Singapore, EU, Anh, các nước Trung Đông, đồng thời đề nghị Cục Thú y Nhật Bản chấp thuận thêm Nhà máy của Công ty CP tại Bình Phước.
Kết quả, tính từ thời điểm thịt gà chế biến của Việt Nam được phép xuất khẩu cho đến hết tháng 11/2021, các Công ty của Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 9.000 tấn thịt gà chế biến với giá trị hơn 43 triệu USD.
Đối với nhóm vật nuôi còn sống, chủ yếu nước ta chỉ xuất khẩu gà giống. Số lượng gà giống xuất khẩu trong năm 2021 đạt 635.336 con tăng 3,08 lần so với năm 2020, chiếm 91,08% tổng số lượng động vật xuất khẩu.
Cục Thú y cho biết, để giữ vững uy tín cho sản phẩm thịt gà Việt Nam, giúp mở cửa thị trường, công tác giám sát an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất thịt gà xuất khẩu luôn được thực hiện chặt chẽ.
Năm 2021, Cục Thú y đã lấy 432 mẫu thịt gà để xét nghiệm các chỉ tiêu, gồm 372 mẫu da cổ gà, thịt gà, nước dùng, lau bề mặt tiếp xúc và 60 mẫu thịt gà chế biến, lau bề mặt tiếp xúc.
Kết quả tất cả các mẫu giám sát tại cơ sở giết mổ, chế biến đều đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu vi sinh vật, tồn dư kháng sinh. Điều đó chứng tỏ các công ty đã áp dụng chặt chẽ quy trình đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu.
Thịt lợn là sản phẩm lớn thứ hai trong nhóm thịt xuất khẩu, chủ yếu là thịt lợn sữa, lợn choai đông lạnh được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 5000 tấn thịt lợn đông lạnh các loại với giá trị khoảng 20 triệu USD, tăng khoảng 19 % so với năm 2020. Việt Nam cũng đã đã đàm phán thống nhất các tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm thịt tiệt trùng từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 100 tấn sản phẩm thịt tiệt trùng sang thị trường Hàn Quốc với giá trị hơn 600 nghìn USD.
XUẤT KHẨU SỮA GIẢM, LÔNG VŨ TĂNG MẠNH
Năm 2021 Việt Nam xuất khẩu khoảng 29.173 tấn sữa và sản phẩm sữa với giá trị khoảng 158 triệu USD, giảm khoảng 12 % so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đạt 1.467 tấn, chỉ tương đương 52,2% so với năm 2020 là 2.812 tấn.
Theo Cục Thú y, trong năm 2021, Trung Quốc chấp thuận thêm 4 nhà máy của 3 công ty sữa của Việt Nam được phép xuất khẩu sữa vào Trung Quốc. Như vậy kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu sữa được ký giữa Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 4/2019 cho đến nay, đã có 9 nhà máy của 6 công ty sữa Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận.
Trong tháng 11/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã lựa chọn ngẫu nhiên Nhà máy sữa Sài Gòn thuộc Công ty cổ phần sữa Việt Nam để kiểm tra, đánh giá trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống Covid trong sản xuất sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc. Đã hướng dẫn Nhà máy chuẩn bị hồ sơ, nhà xưởng sản xuất và phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức thành công việc kiểm tra trực tuyến này vào ngày 19/11/2021.
Năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2.200 tấn các sản phẩm trứng gia cầm (lòng đỏ trứng gà, trứng chim cút đóng lon, trứng gà tươi) và khoảng 6 triệu quả trứng vịt muối các loại đạt giá trị hơn 4 triệu USD, giảm khoảng 6% so với năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu trứng cút đóng lon đạt 443,93 tấn giảm 11,09 % so với năm 2020; xuất khẩu trứng vịt muối đạt 18,2 tấn giảm 8,12%, đạt 6.978.000 quả giảm 19,76 % so với năm 2020. Trứng gia cầm của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào và Úc.
Với nhóm các sản phẩm khác, năm 2021 xuất khẩu mật ong đạt 53.353 tấn, giá trị hơn 100 triệu USD, tăng 6% so với năm 2020. Hiện Mỹ chiếm 95% lượng mật ong của Việt Nam, nhưng mật ong nước ta đang đối diện với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá rất cao tại Mỹ, có thể phải chịu mức thuế đến 412,49%.
Mặt hàng lông vũ xuất khẩu đạt 12.204 tấn trong năm 2021 đem về 50 triệu USD, tăng 37,45% so với năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 20 doanh nghiệp sản xuất lông vũ của Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu yến và sản phẩm từ yến năm 2021 đạt 174 tấn, tăng so với năm 2020 (74,66%). Năm 2021, Cục Thú y đã gửi công văn sang Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu Trung Quốc để thống nhất thời gian và cách thức kiểm tra trực tuyến. Việc kiểm tra trực tuyến sẽ được thực hiện ngay khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc sắp xếp được lịch.
Mặt hàng lông vũ cũng đang nổi lên là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của chăn nuôi Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Trong năm 2021, Cục Thú y đã hướng dẫn 8 doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu lông vũ sang Trung Quốc và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chấp thuận 5 doanh nghiệp và đang tiếp tục thẩm định hồ sơ của 3 doanh nghiệp còn lại.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 3,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2020. Năm vừa qua đã nhập khẩu lợn sống để giết mổ 346.000 con, đã tạm dừng nhập khẩu từ tháng 7/2021. Nhập khẩu thịt gia cầm làm thực phẩm năm 2021 là 132.071 tấn, giảm 45,9% so với năm 2020 (248.731 tấn).
Nhập khẩu thịt lợn làm thực phẩm 143.463 tấn giảm 32,5% so với năm 2020 (218.560 tấn). Nhập khẩu thịt trâu, bò, cừu làm thực phẩm 110.889 tấn, giảm 2,1% so với năm 2020 (113.316 tấn). Mặc dù nhập khẩu giảm nhưng vẫn cao gấp 7 lần so xuất khẩu nên thâm hụt thương mại các sản phẩm chăn nuôi vẫn lên tới gần 3 tỷ USD.