15:52 23/09/2021

Quy hoạch điện 8: Hạn chế tối đa phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than

Mạnh Đức

Đến năm 2030, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao. Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền…

Năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ lệ 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030.
Năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ lệ 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030.

Ngày 23/09/2021, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin một số nội dung liên quan đến Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện 8).

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 29/05/2021 của Văn phòng Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại các cuộc họp về Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã rà soát và hoàn thiện Quy hoạch điện 8 bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Trong đó đã nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.

Qua rà soát, nhiều nội dung đã có những thay đổi so với nội dung được nêu tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2021. Mặc dù vậy, dự thảo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

 
Theo tờ trình 1682, tăng trưởng điện thương phẩm kịch bản phụ tải cơ sở giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 8,52%/năm và 9,36%/năm trong kịch bản phụ tải cao là đảm bảo có độ dự phòng cần thiết trong quá trình phát triển điện lực giai đoạn tới.

Trong dự thảo mới này, phụ tải điện sau rà soát được giữ nguyên các kết quả dự báo như trong Tờ trình số 1682. 

Cơ cấu nguồn điện cũng đã có một số thay đổi. Tổng công suất đặt nguồn điện trong phương án phụ tải cơ sở đạt 130.371 MW giảm khoảng gần 7.700 MW so với Tờ trình số 1682 và trong phương án phụ tải cao, con số này lần lượt là 143.839 MW và 6.000 MW. Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện đáp ứng các chỉ đạo đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

GIẢM TỶ TRỌNG NHIỆT ĐIỆN THAN

Dự thảo nêu rõ, Quy hoạch điện 8 hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tình khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện 8.

Theo đó, tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh khoảng 15.000 MW.

Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường.

Như vậy, đến năm 2030 tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.

 
Hạn chế tối đa phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới mà thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn. Đến năm 2030, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.

Về quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào đã được Bộ Công Thương tuân thủ nghiêm túc trong lần rà soát lần này.

Chính vì vậy, một số nguồn điện có vai trò chạy nền đã được bổ sung thêm cho khu vực miền Bắc nhằm tăng cường khả năng cân bằng nội miền trong khi một số loại hình nguồn điện tại khu vực miền Trung và miền Nam đã được xem xét, đẩy lùi giai đoạn phát triển nhằm hạn chế tối đa việc truyền tải qua các lát cắt 500 kV từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc.

Để Chính phủ và Bộ Công Thương không bị động trong công tác điều hành phát triển điện lực trong thời gian tới, Quy hoạch điện 8 lần này đã kiến nghị Chính phủ ủy quyền và giao Bộ Công Thương thường xuyên rà soát 6 tháng một lần tình hình triển khai các công trình nguồn điện, được phép điều chỉnh tiến độ phát điện đối với nhiều nguồn điện chậm tiến độ quá 24 tháng và điều chỉnh thay thế các dự án chậm tiến độ bằng các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện và tránh gây lãng phí, thất thoát đầu tư và giảm hiệu quả đầu tư các dự án điện.

 
Ngày 30/08/2021, Bộ Công Thương có Văn bản số 5321/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với Báo cáo Quy hoạch điện 8 sau khi đã rà soát.
Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.