Rạo rực xuân về trên bản Sa Ná – Thanh Hóa
Sa Ná là bản nhỏ thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Nơi đây, trận lũ lịch sử năm 2019 đã tàn phá tan hoang với những bi kịch tột cùng nỗi đau, mất mát. Và cuộc hồi sinh bắt đầu…
Ngày 3/8/2019, miền Tây Xứ Thanh chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Ở bản nhỏ Sa Ná, đêm hôm trước có lũ quét, nước sông Luồng dâng cao vượt ngưỡng báo động. Một số hộ dân gần suối đã sơ tán. Sáng hôm sau, trời quang, mây tạnh, chỉ thi thoảng còn chút mưa bay. Người dân trong bản lục tục kéo về sửa soạn nhà cửa. Đúng lúc ấy, một cơn lũ bất ngờ ào đến. Không ai kịp trở tay. 21 nóc nhà bị cuốn phăng trong lũ. Hơn chục con người bị dòng nước ác cuốn đi trong cơn đại hồng thủy. Nỗi đau thương mất mát bao trùm cả bản nhỏ.
BẢN LÀNG TẬN CÙNG NỖI ĐAU
Thời điểm đấy, Sa Ná là địa danh được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông. Cả nước, cả tỉnh, cả huyện đồng lòng hướng về Sa Ná, nơi nỗi đau tận cùng của con người tưởng như hoàn toàn bất lực trước cơ thịnh nộ của mẹ thiên nhiên. Cả bản nhỏ bị cô lập hoàn toàn. Bản làng bình yên giờ chỉ còn là bình địa tan hoang, tang tóc. Có gia đình 4 người thân bị lũ cuốn. Nhà cửa, vườn tược, đồ đạc, hoa màu phút chốc bị dòng nước nhấn chìm, người dân nơi đây chỉ sau một buổi sáng bỗng chốc trắng tay. Vợ mất chồng, con mất cha, cả bản chìm trong tang tóc.
Theo lời kể của người dân địa phương, khoảng 5h sáng 3-8, sau nhiều giờ mưa lớn, lũ trên suối Son chảy quanh bản Sa Ná dâng cao chừng nửa mét, nhưng sau đó rút bớt. Hơn 2 giờ sau, lũ lớn bất ngờ đổ xuống từ thượng nguồn cùng hàng ngàn mét khối đất đá và cây gỗ (có cây dài hơn 20m), cuốn phăng toàn bộ nhà cửa đầu bản Sa Ná.
Anh Hà Văn Vân (Sn 1990) nhớ lại, cơn lũ khiến anh cùng lúc mất đi 6 người thân là bố mẹ, chị gái, vợ và hai con nhỏ. Từ chiều 3-8, sau khi trở về bản, anh Vân lê chân đi khắp bờ suối Son chảy quanh bản Sa Ná với hi vọng người thân vẫn còn sống, nhưng vô vọng. Anh Vân ôm mặt khóc nhưng không thành tiếng, phía sau lưng anh người thân và dân bản giúp anh mai táng con trai lớn của anh Vân, cháu Hà Văn Quỳnh. Thi thể cậu bé được tìm thấy cách nhà nhiều cây số trong dòng nước chảy siết.
Ngay sau khi trận lũ dữ xảy ra trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã có mặt ở hiện trường để thăm hỏi, động viên các gia đình có người gặp nạn, các gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và nhà ở, đồng thời chỉ đạo huyện Quan Sơn thành lập ngay tổ thường trực tại bản Sa Ná để chỉ đạo các mặt công tác, khắc phục hậu quả và tiếp nhận từ thiện từ các tập thể và cá nhân dành cho các gia đình nơi đây.
Đó là ngày định mệnh, Sa Ná bị tàn phá tan hoang, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc lâm cảnh màn trời chiếu đất, mất đi những người thân, ruột thịt trong gia đình.
Và từ trong mất mát, hy sinh, hoang tàn đổ nát, cuộc hồi sinh bắt đầu!
CUỘC SỐNG HỒI SINH TỪ ĐAU THƯƠNG, MẤT MÁT
Hai năm sau cơn lũ định mệnh, chúng tôi mới có dịp trở lại Sa Ná. Vết tích đau thương năm nào đã bị xóa mờ. Bản làng mới nằm trên sườn đồi bình yên như chưa từng có bi kịch nào xảy ra. Chỉ còn những vết thương trong kí ức của những người dân nơi đây. Sa Ná đã thực sự hồi sinh, thay da đổi thịt với một cuộc sống mới đầy hứa hẹn. Người đồng hành cùng chúng tôi chong chuyến trở về Sa Ná lần này là anh Nguyễn Văn Minh, Giám đốc BQL dự án huyện Quan Sơn. Trong câu chuyện của chúng tôi, anh Minh không khỏi tự hào mỗi khi nhắc về kì tích kiến thiết, dựng xây lại bản làng. Khi đó, anh chính là vị Chỉ huy trưởng trên đại công trường xây dựng lại bản làng mới cho người dân Sa Ná.
Nhớ lại câu chuyện 2 năm trước, anh Minh cho biết lúc ấy, cả hệ thống chính trị của huyện Quan Sơn đã ngay lập tức vào cuộc với quyết tâm “xây lại bằng mười”, vượt lên đau thương, xây dựng lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây. Tỉnh Thanh Hóa, Quân khu 4 và toàn bộ lực lượng của huyện Quan Sơn vào cuộc ngay khi cơn lũ chưa rút. Thường trực huyện ủy triệu tập cuộc họp nhanh và đưa ra quyết định ổn định cuộc sống, nơi ở mới cho toàn bộ bà con Sa Ná sau 3 tháng. Đó là một bài toán, cũng là một thách thức đặc biệt khó khăn được đặt ra mà chỉ cần một chút chậm trễ thì nhiệm vụ chính trị, mệnh lệnh của trái tim ấy có thể vỡ tiến độ ngay lập tức.
Tình huống cấp bách đặt ra khiến cho các thủ tục lựa chọn nhà thầu, thẩm định giá được rút gọn nhanh nhất có thể. Bằng mọi giá, phải sớm ổn định cuộc sống cho bà con. Anh Minh và hầu như toàn bộ cán bộ, nhân viên Ban quản lý dự án huyện lập tức “hành quân’’, đặt “đại bản doanh tại Sa Ná”.
Khó khăn đầu tiên là bản bị cô lập bởi dòng nước lũ dâng cao của con sông Luồng. Khi đó, bài toán đặt ra là làm sao có thể đưa vật liệu, thiết bị, xe máy vào thi công khẩn cấp đặt ra như một thách đố. Những phương án khác nhau được đưa ra. Phía quân khu 4 đưa ra phương án làm cầu phao, dầm y. Tuy nhiên cầu phao chỉ giúp người dân đi lại và các đoàn cứu trọ vào bản. Khi đó, bằng trực cảm và kinh nghiệm lăn lộn hơn 20 năm trên các công trình xây dựng miền núi anh Minh đề xuất phương án đổ đá, lao ống cống mở đường vượt sông. Đó thực sự là phương án mạo hiểm bởi vì hoàn cảnh thực tế không thể tính toán được độ nông sâu của lòng sông, độ chảy siết của dòng nước. Trước đòi hỏi của thực tế anh Minh đã xin ý kiến nhanh anh Vũ Văn Đạt, Chủ tịch huyện lúc ấy về việc lao cống làm đường. Anh Đạt chỉ mất 30 giây suy nghĩ và đồng ý phương án này. Thế là ngay lập tức việc đổ đá, lao cống mở đường được triển khai gấp rút.
Nhớ lại, anh Minh cho rằng “dò đá qua sông” giữa cơn lũ dữ là một quyết định liều lĩnh, bởi toàn bộ khối lượng thi công có thể bị miệng hà bá nuốt chửng bất cứ lúc nào. Trong trường hợp xấu nhất, anh đã tính đến phương án bỏ tiền túi để đền bù thiệt hại về vật tư, xe máy nếu chẳng may con đường bị lũ cuốn. Tuy nhiên, trời không phụ lòng người, chỉ sau 24 giờ thi công, con đường “tiếp vận” bằng ống cống và đá sỏi đã được hình thành. Hàng trăm xe tải với trọng lượng vài chục tấn đã có thể đi lại dễ dàng, vận chuyển vật liệu, thiết bị, xe máy vào bản nhỏ bị cô lập để bắt đầu cuộc kiến thiết mới. Anh Minh cho biết, việc “liều” đổ đá xuống sông mở đường đã tiết kiệm thời gian thi công cả tháng trời.
Trong suốt thời gian 3 tháng thi công ròng rã, tất cả công nhân, xe máy đã làm việc hết công suất, không chia ca, chia giờ. Đói thì ăn, mệt thì ngủ tại trận. Thi công liên tục bất kể ngày đêm với hàng trăm xe máy trên công trường. Chính vì thế chỉ sau 3 tháng, người dân Sa Ná đã có thể định cư ở nơi ở mới khang trang, an toàn, không còn nỗi lo thường trực về những cơn lũ ác bất ngờ đổ xuống.
HOA DẠI ĐUA NỞ TRÊN BẢN NHỎ CHEO LEO
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh bản Sa Ná mới, anh Ngân Văn Kẽm, trưởng bản thi thoảng lại ghé vào một gia đình chào hỏi bà con. Những khu nhà tái định cư khang trang, sạch sẽ rộn rã tiếng cười. Trước mỗi ngôi nhà mới, những luống hoa dại mà chúng tôi không biết tên đã ra hoa. Những bông hoa không có quá khứ, chỉ hồn nhiên khoe sắc. Trẻ con trong bản tíu tít vui đùa. Giờ cơm trưa, mùi thơm xôi nếp nương tỏa ra thơm lừng từng góc bếp.
Những ngày cuối cùng của năm 2022, cái lạnh của vùng cao như thấm vào da thịt. Chỉ còn mươi ngày nữa, một mùa xuân mới lại về trên bản nhỏ bình yên. Điểm trường tiểu học khang trang ngay lưng chừng đồi, giờ tan trường các bạn nhỏ đã xúng xính diện quần áo ùa ra cổng trường. Tiếng nói cười hồn nhiên xua tan vẻ hoang vu, lạnh lẽo của núi rừng. Những cành hoa giấy ta màu hồng xác pháo, hoa trạng nguyên, hoa mười giờ nở đỏ rực khắp các nẻo đường trong bản mang lại cảm giác ấm áp, bình yên.
Sa Ná đã trở thành bản đầu tiên của huyện Quan Sơn về đích nông thôn mới. cả xã Na Mèo cũng đã về dích nông thôn mới. Ngày đón nhận danh hiệu Nông thôn mới trở thành ngày hội của cả bản, cả xã, cả huyện Quan Sơn.
Trên con đường từ bản Sa Ná trở về, chúng tôi cứ vân vi mãi ánh mắt của những đứa trẻ nơi đây. Đó là ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên như bao nhiêu đứa trẻ trên thế giới này. Nhưng sâu trong ánh mắt ấy, một niềm tin mãnh liệt vươn lên đầy nghị lực. Nó được đất và người ở bản nhỏ đứng lên kì vĩ sau những đau thương mất mát đã ngấm vào máu thịt.
Sa Ná đã hồi sinh, trở thành biểu tượng chiến thắng thiên nhiên của con người.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam