SoftBank, Apple dẫn đầu các công ty nợ nhiều nhất thế giới
Không ít công ty có vốn hóa hàng đầu thế giới cũng nằm trong số những doanh nghiệp "chúa chổm" nhất
Kỷ nguyên tín dụng giá rẻ sau cuộc khủng hoảng năm 2008 đang hấp dẫn hầu hết doanh nghiệp trên thế giới. Dưới đây là 10 công ty phi tài chính nợ nhiều nhất, theo dữ liệu của Bloomberg và các báo cáo tài chính gần đây.
1. AT&T - Tổng nợ: 177 tỷ USD
Thương vụ thâu tóm DirecTV với mức giá "khủng" vào năm 2015 và Time Warner năm 2018 của AT&T Inc. là nguyên nhân chính đưa khối nợ của công ty này lên cao, trở thành doanh nghiệp phi tài chính nợ nhiều nhất thế giới. Đặt mục tiêu giảm nợ làm "ưu tiên hàng đầu" trong năm 2019, nhà mạng viễn thông có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) này có kế hoạch trích khoảng 20 tỷ USD từ nguồn tiền mặt nội bộ và bán tài sản để trả nợ.
2. SoftBank - Tổng nợ: 154 tỷ USD
Trong vòng 5 năm qua, khối nợ của tập đoàn SoftBank của tỷ phú Nhật Masayoshi Son tăng gần gấp 4 lần lên hơn 150 tỷ USD, chủ yếu do các khoản đầu tư vào những startup đình đám như Uber hay mua lại công ty ARM Holdings của Anh. SoftBank cho biết lợi nhuận từ các khoản đầu tư của công ty bù đắp cho lãi vay nợ và thanh khoản ngắn hạn cũng đủ để công ty này xử lý trái phiếu đến hạn thanh toán.
3. Apple - Tổng nợ: 115 tỷ USD
Thay vì đổ tiền vào các thương vụ thâu tóm, năm 2013, Apple Inc. bắt đầu tích khối nợ tỷ USD để dùng vào việc trả cổ tức và mua lại cổ phiếu công ty. Hãng công nghệ khổng lồ cũng dùng khối tiền mặt khổng lồ ở nước ngoài để mua lại nợ của các công ty khác. Tuy nhiên, thay đổi trong luật thuế của Mỹ đã làm hạn chế lợi ích của việc giữ tiền ở nước ngoài, khiến Apple bớt quan tâm tới việc phát hành hoặc mua lại nợ.
4. Verizon - Tổng nợ: 113 tỷ USD
Năm 2013, hãng viễn thông Verizon Communications Inc. của Mỹ hoàn tất thương vụ mua trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử - trị giá 49 tỷ USD, trả cho số cổ phần của Vodafone Group Plc trong Verizon Wireless. Trong khi đối thủ AT&T đang ưu tiên việc giảm nợ, Verizon, có trụ sở tại New York, dành nhiều năm để mua lại và trao đổi nợ.
5. Comcast - Tổng nợ: 112 tỷ USD
Hãng cáp có trụ sở tại Philadelphia cũng gia nhập hàng ngũ "chúa chổm" sau thương vụ mua lại hãng truyền hình Sky của Anh vào năm ngoái. Công ty này đã hoãn kế hoạch mua lại cổ phiếu của mình năm nay để ưu tiên giảm nợ.
6. AB InBev - Tổng nợ: 110 tỷ USD
Nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới cũng là một trong những công ty nợ nhiều nhất sau thương vụ thâu tóm SABMiller với giá 100 tỷ USD vào năm 2016. Năm ngoái, trước áp lực từ các hãng xếp hạng tín nhiệm, công ty này đã phải cắt giảm 50% cổ tức trả cho cổ đông và bắt đầu tái cơ cấu nợ.
7. General Electric - Tổng nợ: 110 tỷ USD
Dù phần lớn khối nợ của General Electric Co. được để lại từ thời hoàng kim của GE Capital, giám đốc điều hành Larry Culp của công ty đang đặt mục tiêu giảm nợ. Công ty này cho biết sẽ không cần phát hành thêm nợ mới cho tới năm 2021. Mới đây, General Electric đã bán công ty dược phẩm sinh học với giá hơn 21 tỷ USD để trả bớt nợ.
8. China Evergrande - Tổng nợ: 98 tỷ USD
China Evergrande, có trụ sở tại Quảng Châu, là công ty sở hữu nhiều bất động sản nhất tại Trung Quốc và cũng là công ty nợ nhiều nhất tại nước này. Vài năm gần đây, China Evergrande Group ưu tiên việc giảm nợ. Tuy nhiên, thanh khoản khó khăn hơn cùng với chi phí huy động vốn tăng vẫn là những thách thức lớn đối với công ty này trong năm nay.
9. Shell - Tổng nợ: 77 tỷ USD
Royal Dutch Shell Plc, công ty dầu mỏ lớn nhất tại châu Âu, bắt đầu gánh "núi" nợ sau khi mua lại BG Group với giá hơn 50 tỷ USD hồi năm 2016. Từ đó đến nay, công ty này đã bán số tài sản hơn 30 tỷ USD. Hồi tháng 1, Shell cho biết vẫn có khả năng giảm thêm nợ và mua lại cổ phiếu từ nguồn tiền mặt nhàn rỗi trong vòng 2 năm tới.
10. Microsoft - Tổng nợ: 73 tỷ USD
Microsoft liên tục vay nợ thông qua các đợt phát hành trái phiếu, bao gồm 20 tỷ USD hồi năm 2016 để mua lại LinkedIn. Cũng giống Apple, hoạt động này của Microsoft cũng thay đổi không nhỏ sau những điều chỉnh trong luật thuế Mỹ.