Thấy gì khi hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ, thiếu tiền, khất nợ trái phiếu?
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng loạt doanh nghiệp thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ. Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi vừa được công bố và dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới có nhiều điểm mới kỳ vọng mang lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trả nợ trái phiếu...
Thống kê của VnEconomy cho thấy, chỉ trong vòng 1 tháng qua đã có ít nhất 4 doanh nghiệp xin hoãn trả nợ trái phiếu do không có tiền thanh toán.
NHIỀU DOANH NGHIỆP XIN KHẤT NỢ TRÁI PHIẾU
Cụ thể, cuối tuần qua, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex mã chứng khoán AGM đã tổ chức Hội nghị Chủ sở hữu trái phiếu tại tỉnh An Hiang để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001.
Trước đó, hồi cuối năm 2022, Angimex tuyên bố mất khả năng thanh toán lãi hai lô trái phiếu (lãi suất 7%/năm). Lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng.
"Tình trạng hiện nay đang bị quá hạn thanh toán, nguyên nhân là do các sự kiện bất khả kháng về nhân sự xảy ra trong thời gian qua; bên cạnh đó, chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên thị trường tài chính hiện nay cũng mang lại nhiều khó khăn cho Angimex nói riêng và các công ty khác trên thị trường nói chung", đại diện AGM cho hay.
Trước đó, trong tháng 1/2023, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons thông bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Lô trái phiếu này có giá trị phát hành 300 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được tiền lãi và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc.
Thay vì thanh toán đúng hạn vào ngày 3/1/2023, Hưng Thịnh INCONS đã “khất” nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3. Nguyên nhân được Công ty đưa ra là tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác (chứng khoán, trái phiếu) không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho Công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng phải thanh toán khoản trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư vào ngày 30/12/2022 với gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng, song không thể trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư. Công ty cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn và kéo dài thời gian trả gốc, lãi, thời điểm thanh toán chưa được Công ty công bố.
Lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho hay, nguyên nhân khiến Công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư là tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, nên dòng tiền còn hạn chế.
NHỮNG DOANH NGHIỆP NÀY KINH DOANH RA SAO?
Hầu hết những doanh nghiệp xin hoãn nợ đều ghi nhận tình hình kinh doanh kém sắc, thua lỗ trong năm tài chính 2022 vừa qua.
Theo đó với Hưng Thịnh Incons, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2022 giảm hơn một nửa từ cùng kỳ năm ngoái năm nay chỉ còn 1.215 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp vỏn vẹn 37 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay tăng mạnh khiến Hưng Thịnh Incons báo lỗ sau thuế 44,6 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi 98 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Hưng Thịnh Incons tăng theo thời gian với 1.400 tỷ đồng trong năm 2022. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022 nợ phải trả 7.562 tỷ đồng, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó vay nợ tài chính 2.537 tỷ đồng tăng 575 tỷ đồng. Trong đó Hưng Thịnh Incons phát hành 2 lô trái phiếu 300 triệu đồng với lãi suất 10-10,5% một năm. Hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.083 tỷ đồng lên 1.673 tỷ đồng, tiền mặt giảm từ 428 tỷ đồng chỉ còn 83 tỷ đồng.
Ở bảng cân đối cho thấy, do tăng hàng tồn kho, tăng trả lãi vay đã khiến dòng tiền kinh doanh âm 1.011 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai cũng vừa báo lỗ kỷ lục từ khi niêm yết đến nay trong quý 4/2022.
Cụ thể, quý 4, doanh thu thuần của DLG đạt gần 297 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động bán linh kiện điện tử và thu phí BOT vẫn là 2 mảng mang về doanh thu nhiều nhất với 150 tỷ đồng và 108 tỷ đồng. Chi phí trong kỳ tăng cao khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt gấp gần 3 lần và 6 lần cùng kỳ 2021, với 15 tỷ đồng và 492 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quản lý tăng chủ yếu do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi quá hạn theo quy định.
Sau khi trừ chi phí, DLG lỗ ròng xấp xỉ 500 tỷ đồng trong quý 4, đánh dấu quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Đồng thời, đây là mức lỗ kỷ lục trong 1 quý của Công ty kể từ khi niêm yết (năm 2010).
Với khoản lỗ trong quý 4, lũy kế năm 2022, DLG lỗ ròng gần 897 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 17 tỷ đồng. Trong hơn 10 năm niêm yết, 2022 là năm DLG lỗ nhiều thứ 2 chỉ sau năm 2020 với khoản lỗ 907 tỷ đồng. Kết quả năm 2022 đẩy số lỗ lũy kế của DLG tại thời điểm 31/12/2022 lên hơn 1.747 tỷ đồng.
Angimex cũng tương tự khi ghi nhận lỗ 3 quý liên tiếp. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, doanh thu thuần AGM giảm 77% so với cùng kỳ, còn gần 363 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn và các chi phí ăn mòn doanh thu khiến Công ty lỗ ròng gần 105 tỷ đồng, nối dài mạch lỗ quý thứ 3 liên tiếp.
Với 3 quý lỗ liên tiếp, lỗ ròng cả năm 2022 của AGM hơn 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 45 tỷ đồng. Đây mức lỗ kỷ lục từ khi Công ty cổ phần hóa (năm 2008) và niêm yết trên sàn HOSE (cuối năm 2012) tới nay.
Tính tới thời điểm 31/12/2022, AGM có tổng tài sản hơn 1.651 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Mức giảm tới từ lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ gần 232 tỷ đồng xuống còn 11.2 tỷ đồng (giảm 95%); hàng tồn kho giảm hơn một nửa, còn 105 tỷ đồng.
Nợ phải trả gần tại cuối năm là 1,266 tỷ đồng, giảm 8%, chủ yếu tới từ khoản vay nợ thuê ngắn hạn (giảm 36%), còn gần 597 tỷ đồng trong khi đó, vay nợ thuê dài hạn tăng mạnh 80%, lên hơn 613 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu gần 386 tỷ đồng, giảm 20%; trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm mạnh từ 175 tỷ đồng đầu năm xuống còn gần 23 tỷ đồng vào cuối năm.
KỊP HÓA GIẢI SỨC ÉP ĐIỂM RƠI ĐÁO HẠN TRÁI PHIẾU 2023?
Những khó khăn khiến doanh nghiệp không xoay kịp tiền để trả nợ bên cạnh kinh doanh thua lỗ thiếu hụt dòng tiền có một phần nguyên nhân đến từ kẹt huy động trái phiếu do thắt chặt từ Nghị định 65 được ban hành cuối năm 2022.
Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023.
Tuy nhiên, Nghị định 65 sửa đổi, Bộ Tài chính vừa công bố và dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới có nhiều điểm mới kỳ vọng mang lại tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trả nợ trái phiếu.
Theo đó, Nội dung sửa đổi chính trong dự thảo Nghị định 65 mới nhất là điều khoản về hoãn thanh toán gốc trái phiếu và chuyển đổi thanh toán trái phiếu (gốc và lãi), nhằm giảm bớt rủi ro tái cấp vốn cho trái phiếu. Tổ chức phát hành sẽ được phép gia hạn thanh toán gốc trái phiếu thêm tối đa hai năm hoặc sửa đổi các điều khoản trái phiếu điểm mới được bổ sung, sẽ được sử dụng để hoãn thanh toán lãi trái phiếu khi có 65% trái chủ bỏ phiếu chấp thuận.
Trong khi đó, các trái chủ có quyền nhận được toàn bộ khoản thanh toán nếu họ chọn không thông qua các điều kiện hoãn lại.
"Kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua", theo đánh giá của FiinGroup.
FiinGroup ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 và 341,27 nghìn tỷ. Riêng năm 2023, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.
"Việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng. Tuy còn nhiều khó khăn song đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia. Mặt khác, các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới", tổ chức này nhận xét.