07:15 16/11/2023

Tìm giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn

Vũ Khuê

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, giữa các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, của người tiêu dùng…

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn” ngày 15/11, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết tính đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ truyền thống bảo đảm an toàn thực phẩm.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM Ở VIỆT NAM CÒN THẤP

Hiện chúng ta đã có hệ thống pháp lý quản lý an toàn thực phẩm như Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP trong đó Bộ Y tế quản lý 6 ngành hàng, Bộ Công Thương 8 ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 ngành hàng.

Tuy nhiên, theo TS. BS. Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực tế hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp.

Tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu.

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu, như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bà Lê Việt Nga phát biểu tại hội nghị.
Bà Lê Việt Nga phát biểu tại hội nghị.

Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.

Ông Trung cho rằng nguyên nhân khách quan là do tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế.

Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp mục đích tối đa lợi nhuận nên vẫn cố tình vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do xuất phát điểm của công tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam thấp hơn các nước trên thế giới và trong khu vực.

Lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng, đặc biệt là so với các nước khu vực Châu Á như Bắc Kinh, Trung Quốc có trên 5.000 thanh tra viên an toàn thực phẩm, Nhật Bản có trên 12.000 thanh tra viên an toàn thực phẩm, trong khi ở nước ta có khoảng trên 1.000 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác).

Hệ thống pháp luật tuy đã có, hệ thống tổ chức tuy đã được hình thành nhưng yếu về chuyên môn, thiếu về số lượng. Mô hình tổ chức không thống nhất (tỉnh thì có Chi cục, tỉnh thì có phòng an toàn thực phẩm, tỉnh thì có Ban quản lý an toàn thực phẩm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở địa phương). Kinh phí cho an toàn thực phẩm: thiếu, chậm, cơ chế khó thanh quyết toán.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

Để tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ông Trung cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, như sửa Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; sửa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

TS. BS. Cao Văn Trung: "Rất nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm".
TS. BS. Cao Văn Trung: "Rất nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm".

Đẩy mạnh và mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn. Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi hỗ trợ về kinh phí cũng như kỹ thuật cho công tác an toàn thực phẩm.

Tăng cường năng lực, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm.

Mặt khác, hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế (như: kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới) tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Với chức năng quản lý an toàn thực phẩm ngành công thương, để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính.

Thứ nhất: Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai: Rà soát, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường.

Thứ ba: Đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm.

Thứ tư: Hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Tiếp tục triển khai các hoạt động nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn…

Thứ năm: Phối hợp thí điểm mô hình quản lý tập trung dưới dạng Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thí điểm công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu dựa trên quản lý rủi ro, thí điểm quản lý chợ đầu mối giao ngành nông nghiệp, thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp huyện, xã …