19:14 25/06/2024

Tính năng AI được kỳ vọng nhất của Microsoft gây nhiều tranh cãi

Bảo Ngọc

Với công nghệ Copilot+ vừa ra mắt, Microsoft cần một tính năng mới có thể giúp khẳng định sức mạnh của NPU (bộ vi xử lý thần kinh chuyên dụng đảm nhiệm tác vụ liên quan đến AI) và mô hình trí tuệ nhân tạo toàn diện. Tính năng được kỳ vọng đó chính là Recall...

Rõ ràng, Recall là một trong những công cụ AI nhận về nhiều ý kiến trái chiều nhất của gã khổng lồ công nghệ, theo Yahoo Tech. 

Một mặt, tính năng này có thể trở thành cơn ác mộng về quyền riêng tư được “ngụy trang” trong thanh công cụ tìm kiếm. Mặt khác, Recall được kỳ vọng là sự thay đổi lớn nhất trong hành trình con người sử dụng PC suốt nhiều năm qua.

ĐÁNH GIÁ NHANH VỀ RECALL

Hiểu một cách đơn giản nhất, Recall là công cụ tìm kiếm lịch sử hoạt động người dùng trên PC. Người dùng có thể xem lại tất cả ứng dụng và trang web đã sử dụng theo dòng thời gian.

Tất nhiên, điều làm cho Recall trở nên nổi bật là thành phần AI có thể thực hiện yêu cầu theo ngôn ngữ tự nhiên. Giả sử, chủ sở hữu thiết bị đang cố nhớ ra một chi tiết nào đó trong cuộc trò chuyện nhưng không biết đã lưu ở ứng dụng nào. Với Recall, người dùng chỉ cần nhập câu hỏi theo ngôn ngữ tự nhiên và cho phép toàn quyền truy cập vào mọi dữ liệu trên máy tính cá nhân. Ngay lập tức, công cụ có thể truy xuất mọi ứng dụng, cuộc trò chuyện và trang web để tìm kiếm đáp án tương ứng với yêu cầu, dù đôi khi kết quả không trùng khớp 100%.

Recall liệt kê kết quả dưới dạng “kết quả trùng khớp nhất” hoặc “kết quả phù hợp có liên quan”, thậm chí còn chia nhỏ thành “kết quả phù hợp về văn bản” và “kết quả phù hợp về hình ảnh”. Một ví dụ được Microsoft đưa ra là nếu tìm kiếm “pizza phô mai”, kết quả trả về sẽ bao gồm cả các món ăn Italy khác.

Giao diện Microsoft Recall. 
Giao diện Microsoft Recall. 

Hoặc đơn giản hơn, Recall là giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề mà đa số người dùng gặp phải: không biết đã lưu file ở đâu. Công cụ có thể tìm thấy tài liệu mà không cần nhập chính xác tên tệp hay thư mục.

Người dùng có thể truy cập tính năng này ngay từ thanh tác vụ hoặc sử dụng phím tắt Windows Key+J.

PHẢN ỨNG KHÔNG MẤY TÍCH CỰC TỪ CÔNG CHÚNG

Microsoft đang sử dụng loạt mô hình ngôn ngữ nhỏ luôn chạy ở chế độ nền, tức là AI sẽ liên tục theo dõi hoạt động người dùng. Công nghệ chụp ảnh nhanh mỗi năm giây và hiển thị dữ liệu cho các mô hình chạy trên NPU (bộ vi xử lý thần kinh chuyên dụng đảm nhiệm tác vụ liên quan đến AI) của PC. Đồng nghĩa là, theo mặc định, PC sẽ nhận thức được toàn bộ hoạt động trên thiết bị và văn bản hóa lại hành vi đó thông qua trí tuệ nhân tạo. Mọi trang web truy cập, mọi video đang xem, mọi từ khóa đang nhập và mọi tin nhắn được gửi tới bạn bè của người dùng đều sẽ được theo dõi. Từ góc độ riêng tư và bảo mật, không khó để tưởng tượng tại sao Recall lại khiến một bộ phận khách hàng cảm thấy không thoải mái.

Nhà nghiên cứu an ninh mạng Kevin Beaumont đặt ra hàng loạt nghi vấn xoay quanh vấn đề an toàn bảo mật và quyền riêng tư trên PC có cài đặt Recall. Kể từ khi lo ngại xuất hiện, Microsoft đã quyết định rút lại kế hoạch triển khai tính năng trên diện rộng. Trước mắt, công ty chuyển Recall về chế độ tùy chọn thay vì bật theo mặc định và yêu cầu đăng nhập bằng Windows Hello để sử dụng. Cuối cùng, khi quá nhiều vấn đề nảy sinh, Microsoft đã thông báo rút toàn bộ tính năng Recall khỏi thế hệ PC Copilot+ đầu tiên.

Recall gây ra nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề quyền riêng tư. 
Recall gây ra nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề quyền riêng tư. 

Khi tính năng thật sự sẵn sàng, người dùng có thể vô hiệu hóa và chỉnh sửa giới hạn mà Recall được phép truy cập, chẳng hạn như lọc một số ứng dụng hoặc trang web nhất định, xóa phần dữ liệu riêng tư khỏi mô hình hoặc tắt hoàn toàn quyền truy cập. 

Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, Microsoft đưa ra tuyên bố Recall sử dụng NPU nên AI hoạt động hoàn toàn trên thiết bị offline. Nghĩa là, dữ liệu người dùng sẽ không bao giờ được gửi lên đám mây và chia sẻ trực tiếp với Microsoft. Công ty cam kết dữ liệu sẽ không được sử dụng để đào tạo mô hình AI. Tất nhiên, do tính chất nhạy cảm của dữ liệu, không phải ai cũng tin vào những lời hứa từ đại gia ngành công nghệ.

KHÔNG PHẢI THIẾT BỊ NÀO CŨNG ĐƯỢC TRANG BỊ RECALL

Không phải thiết bị nào cũng tương thích với Recall. Nếu muốn trải nghiệm tính năng này, người dùng phải trở thành một trong những người đầu tiên đặt mua một trong những chiếc PC Copilot+ mới ra lò. Ngay cả các thiết bị chạy trên chip AMD và Intel thế hệ mới thuộc thương hiệu “Copilot+” cũng sẽ không được trang bị Recall khi ra mắt.

Microsoft cũng loại bỏ Recall khỏi dòng máy PC sử dụng chip Snapdragon X của Qualcomm nhằm giải quyết lời chỉ trích về bảo mật. Hãng khẳng định sẽ ra mắt tính năng vào một thời điểm nào đó thông qua bản cập nhật, nhưng không cho biết cụ thể là khi nào.

Chắc chắn nhà sản xuất Windows đang đặt mục tiêu tạo ra thế hệ máy tính xách tay ấn tượng, vượt trội so với đa số mẫu hiện có trên thị trường. Những chiếc PC thế hệ mới đáng mua về nhiều mặt, thậm chí có thể sánh ngang với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là MacBook của Apple. Microsoft tuyên bố NPU bên trong thiết bị có khả năng đạt 40 TOPS (nghìn tỷ phép tính toán trên giây) ở mức công suất rất thấp. 

Mặc dù GPU (bộ xử lý đồ hoạ) và CPU (bộ xử lý trung tâm) ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi để phát triển công nghệ, NPU dường như vẫn không thể thay thế và người dùng có quyền kỳ vọng về khả năng hoạt động của NPU sẽ tăng lên trong vài năm tới. Recall thực sự cần NPU hiệu quả để thực hiện tác vụ. Trên hết, tính năng vẫn sẽ giới hạn người dùng có chọn lọc trong vài tháng tới.