Liệu AI có thể thay thế chuyên gia tâm lý?
Ngày càng nhiều người tìm đến trí tuệ nhân tạo (AI) thay vì gặp chuyên gia trị liệu tâm lý, và như vậy, chúng ta đang yêu cầu máy móc làm một điều tưởng chừng chỉ con người mới có thể: cảm nhận và thấu hiểu cảm xúc…

Công nghệ đã tiến rất xa. Ngày nay, người dùng có thể lựa chọn giữa hàng loạt trợ lý AI để hỗ trợ mình như ChatGPT, Pi – giới thiệu mình là “AI cá nhân của bạn, luôn hỗ trợ, thông minh và sẵn sàng bên bạn mọi lúc”. Hoặc Replika, một chatbot “luôn sẵn lòng lắng nghe và trò chuyện”. Ngoài ra còn có Woebot, Earkick, Wysa, Therabot... Danh sách ngày càng dài, nếu bạn chỉ cần một ai đó – hay một thứ gì đó – để tâm sự.
Một số chatbot này được phát triển với sự hỗ trợ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nhưng điều đáng lo ngại là một số khác thì không. Và với người dùng phổ thông, việc phân biệt đâu là công cụ có nền tảng chuyên môn thực sự và đâu chỉ là sản phẩm của thuật toán gần như là bất khả thi.

Một trong những lý do khiến ngày càng nhiều người tìm đến AI để hỗ trợ sức khỏe tâm thần là chi phí. Các buổi trị liệu với chuyên gia tâm lý – dù trực tiếp hay trực tuyến – thường rất đắt đỏ, lại hiếm khi được bảo hiểm chi trả đầy đủ, hoặc nếu có thì thủ tục cũng vô cùng rườm rà. Với thế hệ trẻ, việc “chống sốc kinh tế” cho ngân sách cá nhân đồng nghĩa với việc thay thế chuyên gia trị liệu tâm lý bằng một chatbot.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị xoay quanh việc tìm kiếm hỗ trợ tâm lý vẫn còn tồn tại. “Nhiều gia đình – vì yếu tố văn hóa, tôn giáo hoặc những niềm tin ăn sâu qua nhiều thế hệ – vẫn truyền lại quan điểm tiêu cực về trị liệu tâm lý và sức khỏe tinh thần,” Brigid Donahue, nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép và là chuyên gia trị liệu EMDR tại Los Angeles. chia sẻ.
Và không thể không nhắc đến yếu tố tiện lợi: làn sóng công cụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mới này hoạt động theo đúng lịch trình của người dùng – thậm chí điều đó còn là câu slogan của Woebot: “Lúc nào bạn cần, chúng tôi đều sẵn sàng.”
“Chuyên gia trị liệu bằng AI của bạn sẽ không bao giờ đi nghỉ, không bao giờ xin nghỉ hay hủy buổi hẹn – họ luôn sẵn sàng 24/7,” Vienna Pharaon, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình, đồng thời là tác giả cuốn The Origins of You, chia sẻ. “Nó tạo ra một trải nghiệm hoàn hảo – nơi bạn sẽ không bao giờ bị thất vọng. Nhưng sự thật là: con người không thể chữa lành thông qua sự hoàn hảo.”

“Khi bạn loại bỏ sự không hoàn hảo, những khuyết điểm của con người và những thất vọng tự nhiên sẽ xảy ra, tức là bạn đang tước đi cơ hội được trải nghiệm và vượt qua thử thách, xung đột của chính mình,” chuyên gia này chia sẻ.
NHIỀU RỦI RO NGUY HIỂM
Một trong những lý do chính khiến thế hệ trẻ tìm đến AI cho các liệu pháp tâm lý là vì việc tiếp cận công nghệ là một lựa chọn tự nhiên đối với họ. “Lớn lên cùng với thiết bị công nghệ như một phần cơ thể thứ năm, phản xạ đầu tiên của họ khi cần làm gì đó là dùng điện thoại,” Alyssa Petersel, chuyên gia công tác xã hội được cấp phép và là nhà sáng lập kiêm CEO của My Wellbeing — dịch vụ kết nối người dùng với chuyên gia trị liệu — cho biết. Chuyên gia Brigid Donahue cũng nhận định rằng, Gen Z đã trải qua những năm tháng định hình nhân cách trong đại dịch, khi bị tách biệt khỏi các tương tác trực tiếp và phụ thuộc vào điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội để duy trì kết nối, vì vậy liệu pháp AI dường như là bước tiến tiếp theo hoàn toàn hợp lý.

Phản xạ đầu tiên của thế hệ này thường là tìm đến thế giới trực tuyến, chứ không phải con người. Điều khiến các chuyên gia trị liệu lo ngại là bởi nhóm người trẻ này vốn dĩ đã dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc. Bà Alyssa Petersel giải thích điều đó phần lớn liên quan đến giai đoạn phát triển tâm lý của Gen Z: não bộ của họ vẫn chưa hoàn thiện vùng chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định một cách độc lập, không bị chi phối bởi quan điểm của người khác. Khi kết hợp yếu tố này với một thiết bị có khả năng thuyết phục cao và liên tục đưa ra những lời khuyên đầy tự tin mà người trẻ sẵn sàng tiếp nhận, ta có thể hình dung ra một “cơn bão hoàn hảo” đang hình thành.
Bất kỳ người trẻ nào sử dụng AI như một công cụ trị liệu tâm lý đều đối mặt với rủi ro nhất định. “Bạn đang đánh mất khả năng rèn luyện tư duy, kiểm nghiệm và đưa ra quyết định cho chính mình. Người trẻ đặc biệt dễ bị tổn thương trong trường hợp này, bởi họ có xu hướng tin tưởng vào công nghệ hơn,” chuyên gia Petersel nhận định.
SỰ KẾT NỐI GIỮA CON NGƯỜI VÔ CÙNG QUAN TRỌNG
Theo chuyên gia trị liệu Pharaon, chatbot AI không thể hiểu được những sắc thái tinh tế trong cảm xúc hay hoàn cảnh – điều mà một nhà trị liệu thực thụ có thể nắm bắt và xử lý. Chuyên gia Donahue cũng bổ sung rằng, dù phản ứng nhanh chóng tức thời của AI nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng trên thực tế, nó không thể thay thế quá trình hồi phục sau mất mát hay sang chấn – một quá trình cần thời gian và sự đồng cảm mang tính con người.

Việc xây dựng mối quan hệ với AI và tìm kiếm sự an ủi từ một chatbot thay vì con người thật có thể vô tình củng cố cảm giác cô lập và làm suy giảm khả năng kết nối trong đời thực. Trong khi mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo đối với trí tuệ con người ngày càng được bàn luận rộng rãi — đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nơi công nghệ này đang làm xói mòn khả năng học hỏi và tư duy phản biện — thì một nguy cơ khác cũng đáng quan tâm không kém: đó là sự tổn hại đối với kết nối giữa người với người. Và kết nối chính là yếu tố cốt lõi tạo nên hiệu quả của trị liệu tâm lý.

“Sự hiện diện của một con người khác là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe tinh thần, ngay cả khi là kết nối qua mạng", chuyên gia Petersel chia sẻ. Mối liên kết này đặc biệt có sức mạnh với những người đang cảm thấy mất kết nối với chính cảm xúc của mình.
Dù AI có thể giữ một vai trò hỗ trợ nhất định trong trị liệu tâm lý, các chuyên gia đồng thuận rằng nó không bao giờ nên trở thành hình thức hỗ trợ duy nhất. AI không hoàn toàn tốt hay xấu, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ thay thế được giá trị của sự kết nối giữa người với người trong trị liệu tâm lý. “AI đang lấy đi cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp và sự phức tạp của quá trình trưởng thành và học hỏi thông qua các mối quan hệ con người,” chuyên gia Donahue nhận định. “Chúng ta cần sự kết nối con người để tồn tại. Con người cần con người – đơn giản là vậy.”