Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam kỷ niệm 3 năm ngày thành lập
Trong 3 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam là đơn vị chủ lực thực hiện các nghiên cứu tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Ngày 14/11, Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 3 năm thành lập (12/10/2016 - 12/10/2019) và ra mắt cuốn sách "Input – Output Analysys of Vietnam Economy".
Nhân kỷ niệm 3 năm ngày thành lập, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam đã nhắc lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình ra đời và phát triển của Viện.
Ngày 20/7/2016, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã ra quyết định thành lập Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, sau đó Viện được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận hoạt động ngày 22/9/2016.
Viện tổ chức lễ ra mắt vào ngày 12/10/2016.
Đến ngày 12/10/2016, Viện đã tổ chức lễ ra mắt tại Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong. Đến nay, Viện có Hội đồng Khoa học gồm 17 thành viên do GS. Trần Phương là Chủ tịch Hội đồng.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái , Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam nhắc lại những dấu ấn sau 3 năm thành lập Viện.
Nói về những dấu ấn trong 3 năm hoạt động, GS Nguyễn Quang Thái cho biết, Viện đã là đơn vị chủ lực thực hiện các nghiên cứu tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Các đề tài nổi bật về những lĩnh vực này đã được thực hiện như: "Đánh giá tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại kinh tế đến 2020". Viện cũng tham gia chủ trì cùng Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thực hiện 2 nhiệm vụ 39 về "Các quan điểm phát triển" và 40 về "Các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển".
Hai đề tài đã thực hiện các hội thảo khoa học ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và tham vấn nhiều nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và giới khoa học để chắt lọc thành các báo cáo vào tháng 3/2019 và 7/2019, cùng báo cáo ngày 13/11/2019 để hoàn công vào cuối năm nay.
Các nhà khoa học của Viện chụp ảnh lưu niệm kỷ niệm 3 năm thành lập.
Bên cạnh đó, Viện cũng thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và xuất bản các ấn phẩm khoa học như "Viết theo dòng đổi mới" của GS Đào Xuân Sâm và công bố hàng chục bài nghiên cứu trong và ngoài nước, tham gia nhiều hội thảo khoa học ở Việt Nam và quốc tế...
Ngoài ra, Viện cũng tổ chức một Nhóm nghiên cứu chuyên sâu về bảng cân đối liên ngành và các biến dạng, một Nhóm nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này ở Việt Nam để phân tích các vấn đề cơ cấu kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển đổi...
Nhân dịp kỷ niệm 3 năm thành lập đặc biệt này, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cũng đã ra mắt cuốn sách "Input – Output Analysys of Vietnam Economy" bằng tiếng Anh. Theo GS Nguyễn Quang Thái, đây là kết quả nghiên cứu của Viện đã được thực hiện trong lĩnh vực sử dụng bảng Input-Output để phân tích.
Nội dung của cuốn sách đề cập đến nhiều góc nhìn, phân tích, đánh giá về kinh tế vĩ mô với nhiều điểm nhấn như: Các quan hệ liên vùng, liên ngành tại Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phát hiện nhiều thành quả phát triển cần phát huy.
Các quan hệ liên ngành của 28 tỉnh ven biển với nền kinh tế Việt Nam cho thấy chủ trương phát triển kinh tế biển là đúng và đang phát huy nhiều thành tựu cần ghi nhận.
Các quan hệ liên ngành trong quan hệ thành thị - nông thôn cho thấy, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong khi thành thị phát triển nhanh nhưng chất lượng chưa cao, nhất là vùng ven đô và đô thị mới chưa được đầu tư đúng mức và hiệu quả nên chưa thu hút được lao động có năng suất cao.
Các quan hệ thành phần kinh tế cho thấy những nhược điểm thu hút vốn FDI chưa phát huy hiệu quả cao.
Các quan hệ kinh tế và môi trường cho thấy ô nhiễm môi trường tăng nhanh cần được khống chế, nhất là các ngành xuất khẩu.
Đặc biệt là các phân tích kinh tế vĩ mô cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong điều kiện mới để tăng chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô...
GS. Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh rằng, những nghiên cứu trong cuốn sách này đã được Viện cho công bố tại các hội thảo cũng như nhiều tạp chí cả trong và ngoài nước.
"Cuốn sách này nhằm ghi nhận 11 công trình nghiên cứu đã công bố quốc tế trong 3 năm qua về sử dụng bảng Input - Output để phân tích kinh tế", GS. Nguyễn Quang Thái nhắc lại.