12:12 11/10/2022

WB và IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề

Ngọc Trang

Theo tính toán của IMF, những khó khăn trên khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với ít nhất hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau...

Bà Kristalina Georgieva, giám đốc IMF và ông David Malpass, chủ tịch WB - Ảnh: Getty Images
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc IMF và ông David Malpass, chủ tịch WB - Ảnh: Getty Images

Tại cuộc họp thường niên giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bắt đầu từ ngày 10/10, lãnh đạo của hai tổ chức này cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng lớn khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới mạnh tay tăng lãi suất để kìm chế lạm phát.  

Chủ tịch WB David Malpass cho biết “rủi ro và mối đe dọa thực sự” về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm sau hiện là điều được quan tâm nhất. Hiện tại, các nền kinh tế phát triển ở châu Âu đã bắt đầu suy giảm, tỷ giá một loạt tiền tệ lớn lao dốc so với USD và lãi suất cao đang gây áp lực cho các nước đang phát triển với gánh nặng nợ lớn.

Theo tính toán của IMF, những khó khăn trên khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với ít nhất hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau và gây thiệt hại khoảng 4 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2026. Con số này tương đương với quy mô GDP của Đức, trong khi tổng GDP toàn cầu năm 2021 là 96 nghìn tỷ USD - theo Giám đốc IMF Kristalina Georgieva.

"Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường lao động vẫn rất mạnh nhưng đang mất động lực do lãi suất cho vay cao đang bắt đầu gây ảnh hưởng", bà Georgieva phát biểu. "Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro (Euro Zone) cũng đang suy giảm do giá khí đốt tăng. Cùng với đó là những gián đoạn do chính sách chống dịch Covid-19 và khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc". 

Tuy vậy, bà Georgieva cũng nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách không thể để lạm phát tăng vượt kiểm soát bởi "nếu không hành động đủ, chúng ta sẽ gặp rắc rối". Bà cũng nói thêm rằng những hỗ trợ về tài khóa cũng cần xác định đúng mục tiêu để không "đổ thêm dầu vào lửa" khiến lạm phát tăng thêm. 

Giám đốc IMF kêu gọi thế giới giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi điều kiện tài chính bị thắt chặt hiện nay.

Diễn ra từ ngày 10-15/10 tại Washington D.C., Mỹ, cuộc họp thường niên của WB và IMF sẽ quy tụ bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Cuộc họp diễn ra một tuần sau khi Liên hợp quốc (UN) kêu gọi các nền kinh tế phát triển kiềm chế việc tăng lãi suất.

"Thế giới đang tiến tới một cuộc suy thoái và tình trạng trì trệ kéo dài nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa hiện tại ở các nền kinh tế phát triển", UN cảnh báo trong một báo cáo tuần trước. "Hồi chuông cảnh báo đang rung lên, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Đây là những quốc gia đang tiền gần đến bờ vực vỡ nợ”.

Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vẫn kiên định với mục tiêu chống lạm phát bằng việc tăng lãi suất, bất chấp việc này có thể dẫn tới suy thoái kinh tế. Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để đưa lạm phát về mức mục tiêu dưới 2%, từ mức trên 8% hiện tại. 

Theo một nghiên cứu mới đây, mỗi khi lãi suất tại Mỹ tăng lên 1 điểm phần trăm, thì 3 năm sau đó, GDP thực tại các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 0,5% và các nền kinh tế mới nổi giảm 0,8%. Kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3 năm nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm.

“Khi các bộ trưởng kinh tế và thống đốc ngân hàng trung ương tụ họp tại sự kiện thường niên của WB-IMF, họ sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng thế giới sẽ không thể chống chịu thêm các đợt tăng lãi suất nữa của Fed”, theo một phân tích mới đây của Anna Wong, Andrew Husby và Eliza Winger trên Bloomberg Economics.