Xây dựng chiến lược mới thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2045

Nam Nguyễn
Mới đây Bộ Công Thương đã phát đi Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, dự kiến đến tháng 6 tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Dự thảo lần 1, sau đó tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện; tháng 9/2024 sẽ báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt.  
Xây dựng chiến lược mới thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2045 - Ảnh 1

Theo Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều yếu tố đang tác động mạnh mẽ và tạo áp lực lớn đến ngành sản xuất ô tô trong nước.

Thực tế, ngành sản xuất ô tô còn chịu sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và xu thế tiêu dùng. Do vậy trong giai đoạn tới ngành sản xuất ô tô Việt Nam muốn phát triển tốt cần có những thay đổi để phù hợp do vậy triển khai xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” hết sức cần thiết và có ý nghĩa cả về thực tiễn và khoa học.

Cụ thể, mục tiêu của chiến lược đó là đề xuất được các định hướng phát triển và các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó xác định được một số chỉ tiêu như: Chỉ tiêu về sản phẩm, sản lượng; Chỉ tiêu tiêu về thị phần xe sản xuất trong nước; Chỉ tiêu về xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Định hướng phát triển các dòng xe theo hướng xanh và tiết kiệm năng lượng, thay thế các dòng xe sử dụng nguyên liệu hóa thạch; Định hướng tăng thị phần sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm từng bước thay thế sản phẩm nhập khẩu; Định hướng về công nghệ sản xuất và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; Định hướng xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngành ô tô.

Trước đó, theo Chiến luợc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 7 năm 2014, nhấn mạnh về các vấn đề phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.

Các nhóm sản phẩm ưu tiên gồm xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chở người đến 9 chỗ, xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ. Đối với xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên sẽ chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng.

Dây chuyền sơn ô tô tại nhà máy Thaco. Ảnh: Thaco.
Dây chuyền sơn ô tô tại nhà máy Thaco. Ảnh: Thaco.

Đối với xe chở người đến 9 chỗ sẽ tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Đối với xe chuyên dụng, lựa chọn sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu lớn (xe chở bê tông, xe xitec, xe phục vụ an ninh, quốc phòng...); khuyến khích sản xuất xe nông dụng nhỏ đa chức năng (kết hợp vận tải hàng hoá với một hay nhiều tính năng như làm đất, bơm nước, phát điện, phun thuốc sâu...) để đáp ứng nhu cầu của đồng bào vùng nông thôn và miền núi.

Về công nghiệp hỗ trợ, sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc.

Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc. Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các định hướng cụ thể như xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập trung cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Đồng thời, hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá...

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cũng đã đưa ra các chính sách rất cụ thể để hỗ trợ cho sản xuất trong nước như ưu đãi thuế nhập khẩu cho linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (Nghị định số 101/2021/NĐ- CP của Chính phủ), giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, ...

Nhờ các chính sách kịp thời từ Chính phủ và nỗ lực từ các doanh nghiệp, giai đoạn 2014 đến 2021, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định so với mục tiêu đề ra của chiến lược, bao gồm:

- Tỷ lệ xe lắp ráp trong nước: đối với xe chở người đến 9 chỗ có tỷ lệ năm 2021 đạt 65% (CKD) - 35% (CBU) (tương đương với mức mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2025);

- Sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD): năm 2021, sản lượng xe đến 9 chỗ đạt hơn 270.000 xe (cao hơn mức mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2025);

- Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe tải: thực tế đã đạt được 40-45%, đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2020;

Tuy nhiên, vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được và một số điểm hạn chế cần khắc phục như:

- Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe đến 9 chỗ: thực tế mới chỉ đạt mức trung bình 12-20%, thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu năm 2020: 30-40%;

- Tỷ lệ xuất khẩu: đối với xe đến 9 chỗ, thực tế xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 1000 xe, thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu năm 2020 là 5000 xe.

Xây dựng chiến lược mới thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2045 - Ảnh 2

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng đã có những định hướng phù hợp trong việc phát triển các dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...).

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai, các chính sách hỗ trợ thực thi còn khá hạn chế. Cho đến nay, mới chỉ có chính sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin và chưa có lộ trình cụ thể cho việc phát triển các dòng xe điện hóa khác tại Việt Nam trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về qui mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Qui mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước qua đó cũng đã có khác nhiều so với trước đây.

Bên cạnh đó ngành công nghiệp ô tô thế giới đang thay đổi mạnh mẽ cả về công nghệ sản xuất, chủng loại sản phẩm và mẫu mã tạo sản phẩm. Ngoài ra, các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan ngành ô tô đang có những phát triển rất ấn tượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị và nguy cơ thị trường xe sản xuất trong nước bị giảm thị phần nay tại thị trường trong nước là điều khó tránh khỏi nếu như không có những cơ chế chính sách phù hợp.

Nhằm quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, trong đó có nội dung “Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ngoài tạo việc làm, cũng cần mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu; đổi mới sáng tạo, hợp tác và phân công sản xuất nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho mỗi chiếc xe.

Thực tế tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi (ô tô con) có mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, tuy nhiên mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch ngành ô tô. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ  tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô của Việt Nam, do đó cũng thấp hơn so với các quốc gia đi trước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia (trung bình 65 – 70%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã công bố danh sách về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, 14 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô tải. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất được những sản phẩm giản đơn như: keo dán kính chắn gió, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí… Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và danh sách này không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn...

Năm 2002, trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu đề ra nêu rõ, tỉ lệ nội địa hóa cho công nghiệp ô tô phải đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010… Tuy nhiên đến hiện tại, tỉ lệ nội địa hóa mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đặt ra vẫn chưa đạt được như kì vọng.

Tin mới

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc có thể tin tưởng vào việc liên doanh với các thương hiệu lớn của nước ngoài như một nguồn lợi nhuận kỳ diệu. Nhưng báo cáo thu nhập mới nhất cho thấy những ngày đó có thể sắp kết thúc, khi những công ty đơn lẻ mới hơn như BYD đã thúc đẩy làn sóng điện khí hóa tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, trong khi các thương hiệu ô tô nước ngoài đang bị tụt lại phía sau.
Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Khi chính quyền Tổng thống Biden hạ mục tiêu sử dụng xe điện từ 67% xuống 35% vào năm 2030, họ đã làm được hai việc: tạo cứu cánh cho các nhà sản xuất ô tô đang cảm thấy áp lực phải sản xuất và bán xe điện trong khi dội một gáo nước lạnh lớn vào các công ty chỉ bán pin xe chạy bằng điện.
Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Các kế hoạch toàn cầu của công ty bao gồm từ mô-đun năng lượng mặt trời và xe buýt điện, xe tải và xe lửa cho đến các hệ thống giao thông phức tạp. Nhưng liệu BYD có đang cố gắng làm quá nhiều hay không là câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm.