09:35 10/10/2022

Xuất khẩu năng lượng sang Ấn Độ tăng hơn 5 lần, Nga thành nhà cung cấp lớn thứ hai

Đức Anh

Năm 2021, Nga chỉ là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 10 của Ấn Độ...

Ảnh minh họa: Kyodo
Ảnh minh họa: Kyodo

Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng đáng kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm nay. Đây là một nguồn thu quan trọng đối với Moscow khi mà lượng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản giảm mạnh.

Theo phân tích dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), kim ngạch nhập khẩu năng lượng Nga của Ấn Độ đã tăng 40 triệu USD trong hai tháng 7 và 8, tức gấp 5,2 lần so với giai đoạn tháng 2 và tháng 3. Theo đó, quốc gia châu Á trở thành nước tăng nhập khẩu năng lượng Nga nhiều nhất thế giới.

Hồi tháng 6, Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Ấn Độ, tăng từ vị trí thứ 10 của năm 2021, theo dữ liệu thống kê thương mại của Ấn Độ.

Với Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu năng lượng Nga tăng 30 triệu Euro (29 triệu USD), tương đương mức tăng 17% trong cùng giai đoạn. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá và dầu thô lần lượt tăng 53% và 16%.

 

Cảng Fujairah tại UAE được xem là tâm điểm cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm hóa dầu pha trộn các sản phẩm của Nga. Do các biện pháp trừng phạt với dầu và khí đốt của Nga có hiệu lực ở châu Âu và Mỹ, dầu Nga đang tiếp cận các khách hàng trên toàn cầu thông qua các nhà chế biến thuộc bên thứ ba.

Tuy nhiên, về phía Nga, dữ liệu từ CREA cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu dầu, than đá và khí tự nhiên của Nga trong tháng 7 và tháng 8 đã giảm 18% so với giai đoạn tháng 2 và tháng 3. Khí tự nhiên bơm qua đường ống của Nga giảm mạnh nhất với 56%, theo sau là giảm xuất khẩu sản phẩm xăng với 35% và than đá với 29%. Riêng xuất khẩu dầu thô tăng 19%.

Năng lượng là ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế Nga khi dầu và khí đốt mang về khoảng 40% nguồn thu của Chính phủ. Mỹ cùng Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan tới dầu khí, than đá.

Do đó, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang EU giảm 35%, sang Nhật giảm 70%, còn sang Mỹ và Anh giảm gần 90%. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia này giảm gần 250 triệu USD mỗi ngày. Tuy nhiên, mức giảm đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga thấp hơn nhiều, khoảng hơn 165 triệu USD/ngày, do Moscow vẫn bán được dầu cho các quốc gia không tham gia trừng phạt, như Trung Quốc và Ấn Độ, dù với mức giá giảm so với giá thị trường.

Ở chiều ngược lại, Nga xuất khẩu nhiều dầu hơn sang Trung Đông, với kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lần lượt tăng gấp 3 và 9 lần. Hai quốc gia này được cho là sử dụng dầu thô Nga để chế biến sản phẩm hóa dầu và xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới.

Theo Nikkei Asia, cảng Fujairah tại UAE được xem là tâm điểm cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm hóa dầu pha trộn các sản phẩm của Nga. Do các biện pháp trừng phạt với dầu và khí đốt của Nga có hiệu lực ở châu Âu và Mỹ, dầu Nga đang tiếp cận các khách hàng trên toàn cầu thông qua các nhà chế biến thuộc bên thứ ba.

Kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng khoảng 20%. Là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chỉ trích cuộc chiến tranh ở Ukraine, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra thận trọng với các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng 9 nói rằng rằng Nga đang bán dầu giá giảm sâu cho các nền kinh tế mới nổi, mức chiết khẩu thậm chí lên tới 30% cho một số quốc gia.

Giá năng lượng tăng mạnh cũng đang làm giảm hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế. Theo CREA, Nga đã thu về tổng cộng 154 tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 6 tháng sau khi phát động chiến tranh ở Ukraine. Tổ chức này ước tính Nga tiêu tốn khoảng 97 tỷ USD cho cuộc chiến tranh trong cùng giai đạn.

Để gây ảnh hưởng hơn nữa tới nguồn tài chính của Moscow, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada, hồi tháng 9 đã thống nhất sẽ áp dụng giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga từ đầu tháng 12 tới. Cơ chế này sẽ cấm các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm vận tải hàng hải cho những đơn hàng dầu Nga có giá vượt giá trần. Các nước thành viên EU tuần trước cũng đã thông qua việc áp dụng cơ chế này.

Theo Bộ Tài chính Nga, thặng dư tài khóa của nước này trong nửa đầu năm 2022 là 1,37 nghìn tỷ Rúp (tương đương 21,9 tỷ USD). Tuy nhiên, tính trong giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, con số này chỉ là 137 tỷ Rúp.