"Có những cải cách khiến doanh nghiệp mừng rơi nước mắt"
"Cải cách có thể có tác động rất lớn nhưng lâu nay chúng ta lại làm rất chậm. Nên tôi hi vọng sẽ có sự thay đổi để hoàn tất cải cách", TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, vẫn có đến hơn 50% số mặt hàng đang phải chịu sự kiểm tra của hai đến ba bộ. Không những vậy, trong một bộ, một mặt hàng còn có thể bị hai đến ba cục kiểm tra.
Ngày 24/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại". Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao những cải cách mà ngành tài chính nói riêng và các bộ ngành khác nói chung đã làm được trong việc thúc đẩy thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Có những cải cách "mừng rơi nước mắt"
Thậm chí, ông Cung cho biết, trên thực tế đã có một số cải cách khiến doanh nghiệp "mừng rơi nước mắt" bởi sau nhiều năm khổ cực, cuối cùng đã được thay đổi nên cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Dẫn chứng số liệu cụ thể, ông Nguyễn Đình Cung thông tin, trong 4 năm số mặt hàng hàng phải kiểm tra tương đối đã giảm từ 82.000 xuống còn 78.000, tương đương cắt giảm khoảng 4.000 mặt hàng, là một con số lớn.
"Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số nơi chỉ cắt giảm số nhóm thủ tục có ít mặt hàng, còn một số nhóm có nhiều mặt hàng thì không cắt giảm. Từ đó, dù các bộ báo cáo đã cắt giảm phần lớn các mặt hàng nhưng thực chất chưa chắc đạt mục tiêu vì số mặt hàng trong nhóm đó rất ít", ông Cung nói.
Một tồn tại khác cũng được ông Cung chỉ ra là việc kiểm tra chuyên ngành vẫn còn hạn chế. Ví như, có đến hơn 50% số mặt hàng hiện nay phải chịu sự kiểm tra của hai đến ba Bộ. Trong mỗi Bộ, một số mặt hàng lại phải chịu sự kiểm tra của hai đến ba Cục, chứ không chỉ dừng lại ở một đơn vị.
TS Nguyễn Đình Cung viện dẫn một ví dụ cụ thể là trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, đang tồn tại các loại chi phí kiểm dịch bất hợp lý, khiến doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn rất nhiều. Theo ông Cung, trong lúc chưa thay đổi được luật cho phù hợp thì các bộ, ngành nên nghiên cứu, xem xét thay đổi thông tư để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hạn chế tiếp theo làm cản trở quá trình thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN, theo TS Cung là việc kết nối cơ chế một cửa hiện nay đang theo hướng những thủ tục nào mất ít quyền lợi thì kết nối, còn những thủ tục nào mất nhiều quyền lợi thì không kết nối.
Trên cơ sở đó, ông Cung kiến nghị cần phải có bộ phận thư ký độc lập và thật mạnh để chỉ đạo công việc vì mang tính chất liên ngành.
"Cải cách có thể có tác động rất lớn nhưng lâu nay chúng ta lại làm rất chậm nên tôi hi vọng sẽ có sự thay đổi để hoàn tất cải cách", ông Cung nói.
Tiết kiệm trên 200 triệu USD
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh cho biết, trong năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm 3 giờ, từ 58 xuống 55 giờ. Đối với hàng nhập khẩu đã được giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.
Như vậy, ước tính với trên 11 triệu tờ khai tính đến cuối năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan và tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu); trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).
"Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về cắt giảm số mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, nếu như quý 2/2015 có 82.760 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành thì đến quý 1/2018 đã giảm xuống còn 78.390 mặt hàng, giảm 4.403 mặt hàng.
Số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu năm 2015 khoảng 30% cũng đã giảm xuống còn 19,4% trong năm 2017.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập vẫn phản ánh việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến.
Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Điển hình, năm 2017, số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,4%.
Cùng với đó, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp.
Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như công tác điều hành của các cơ quan Chính phủ...