07:22 27/12/2012

“Kích cầu qua vốn ưu đãi và… casino”

Viết Chung

Cho người mua nhà để ở vay lãi suất 6 - 7%, cho mở casino mà người Việt được tham gia để kích cầu?

“40 - 60 nghìn tỷ đồng so với quy mô thị trường bất động sản còn khiêm tốn, nhưng quan trọng là nó đi vào những nhu cầu thật, hướng vào những đối tượng khó khăn và cần hỗ trợ thực sự”.
“40 - 60 nghìn tỷ đồng so với quy mô thị trường bất động sản còn khiêm tốn, nhưng quan trọng là nó đi vào những nhu cầu thật, hướng vào những đối tượng khó khăn và cần hỗ trợ thực sự”.
Dùng vốn ưu đãi để “phá băng” bất động sản đang là hướng lựa chọn của chính sách. Còn kích cầu qua mở lối kinh doanh casino là hướng đi mới và cụ thể mà ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) gợi mở.

Ông Hưởng nêu quan điểm:

- Muốn kích cầu, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế hiện nay thì phải có nguồn để tạo đòn bẩy. Nguồn không chỉ là ngân sách, tín dụng mà phải thu hút được thêm vốn đầu tư nước ngoài.

Có bốn giải pháp có thể xem xét triển khai ngay, tạo khả năng thúc đẩy nhanh. Đó là giải phóng hàng tồn kho bằng bê tông hóa hạ tầng giao thông, mở lối cho casino, cho vay mua bất động sản lãi suất thật thấp và thúc đẩy mua bán nợ xấu.

Cụ thể các giải pháp đó như thế nào, thưa ông?

Một nút thắt thời gian qua và hiện nay là hàng tồn kho, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng. Vậy thì hãy đẩy mạnh các dự án bê tông hóa hạ tầng giao thông, cho vay ưu đãi để triển khai. Theo hướng này sẽ giải phóng nhanh lượng tồn kho xi măng, sắt thép…

Nhu cầu bê tông hóa hạ tầng của ta rất lớn, đặc biệt là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà lao động việc làm ở các ngành liên quan là rất lớn.

Còn với casino, liệu có kích cầu được không?

Với casino, hiện nay chúng ta chưa quyết. Nếu quyết thì sẽ kích được một lực cầu rất lớn, đó là cho người Việt Nam tham gia.

Hướng đi này liên quan đến thuần phong mỹ tục. Chúng ta vẫn nói đó là đánh bài và như thế là hư hỏng. Thế nhưng thực tế người ta đã nghiên cứu hàng năm người Việt Nam chi bao nhiêu ngoại tệ để ra nước ngoài đánh bài rồi.

Nay nếu cho phép mở casino, như một điểm là quận 2 của Tp.HCM, nhà đầu tư nước ngoài có thể rót 10 - 12 tỷ USD để mua lại, thậm chí họ đã lên kế hoạch. Giả sử vậy, những người có đất ở quận 2 bán xong, họ sẽ mua nhà đất ở chỗ khác. Tương tự là cho mở tại Hải Phòng, Hà Nội… Cầu bất động sản như vậy đã lên rồi.

Ở Singapore, nguồn thu từ dịch vụ này chiếm 3 - 5% GDP. Ở mình nếu mở thành công thì có thể góp 5 - 20% GDP, cũng như thu hút liên tục 30 - 50 nghìn lao động.

Nhưng cái chính hiện nay là người Việt Nam không được vào casino…

Cho vào, như thế thì dung túng người Việt Nam? Nhưng theo tôi đó lại là cách quản lý hiệu quả. Cho vào để qua đó biết ai hay vào, nguồn tiền từ đâu… Như thế cũng để tăng thu ngân sách. Nếu cấm nhóm đối tượng cụ thể thì chỉ là thủ tục đơn giản.

Để hạn chế người Việt Nam vào casino thì thu phí. Ở Singapore khách nội địa phải nộp 100 USD, ở mình thì nộp 500 USD. Phí đó quỹ hỗ trợ người nghèo đứng ngay ở cửa để thu. Quỹ sẽ rất lớn.

Tôi có hỏi một số người ra nước ngoài chơi casino mức phí đó có đắt không. Họ nói nếu thu 1.000 USD vẫn rẻ, vì họ khỏi phải bay sang nước khác, khỏi mất nhiều thời gian và chi phí khác… Hiện Việt Nam ta không có nên họ vẫn bay ra ngoài. Sự thật là như thế.

Nhưng casino có thực sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào không?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ngắm vào Việt Nam ở dịch vụ này, thậm chí các bộ chức năng đã nắm trong tay những bộ hồ sơ đặt vấn đề, họ đã khảo sát cả thực địa…

Theo tôi biết thì họ đang trông chờ để được mở, chỉ chờ một câu “cho người Việt Nam được tham gia casino”. Hiện nay còn thiếu câu đó, còn họ đã sẵn sàng. Hẳn họ đã nghiên cữu kỹ thực tế người Việt Nam mang ngoại tệ ra nước ngoài chơi casino như thế nào rồi.

Thế đấy, đem ra ngoài để cho người ta thu. Mà nếu được mở, không chỉ khách Việt Nam mà du khách trên thế giới cũng sẽ đến. Đó sẽ là một nguồn thu ngân sách lớn.

Tôi nghĩ đây là một hướng kích cầu đột phá, vấn đề là quan điểm, thuần phong mỹ tục. Còn thực tế thì nhiều người Việt Nam vẫn ra nước ngoài để “đánh” đó thôi mà không quản lý được. Đó là chảy máu ngoại tệ. Còn nếu mở thì sẽ quản lý được.

Bên cạnh các phương án trên, ông có nói đến việc cho vay mua bất động sản lãi suất thấp để kích cầu?

Hiện một số ngân hàng cũng đã cho vay mua bất động sản từ 8 - 9% rồi, dành cho những khách hàng tốt mà họ muốn lôi kéo. Giờ muốn hấp dẫn hơn nữa và để kích cầu thì cần phải thấp hơn nữa, 6 - 7%/năm.

Nguồn vốn ở đây là Ngân hàng Nhà nước bỏ ra khoảng 40 - 60 nghìn tỷ đồng, cho ngân hàng thương mại vay 3 - 4%/năm. Khi có nguồn, ngân hàng thương mại phải làm việc với các dự án bất động sản, yêu cầu các ông phải cắt lỗ, phải bán với giá mà người dân chấp nhận được. Nếu ông nào bán giá hợp lý, phù hợp với những người có nhu cầu mua nhà thực, thì được ưu tiên cho vay khách hàng mua dự án đó và cho chính ông vay để phát triển tiếp.

Cũng lưu ý là quy trình ở đây phải làm rất chặt giữa bốn bên: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chủ dự án bất động sản và người mua. Như vậy mới có cơ hội thực sự cho những người có nhu cầu mua nhà thật, ưu tiên cho vay tiêu dùng nhưng món vay không quá lớn.

Nhiều người dân có nhu cầu, nhưng chưa đủ sức mà giá chưa phù hợp. Có mười bậc thang, họ đã bước được 6 - 7 bậc rồi, thì chính sách đó sẽ hỗ trợ 3 - 4 bậc còn lại để họ có nhà ở.

Phải làm chặt như ông nói, nhưng khả năng trục lợi vốn ưu đãi, lợi ích nhóm… vẫn là quan ngại nếu triển khai phương án đó, thưa ông?

Khi đưa ra thì phải giám sát chặt. Có các quy định cụ thể. Thậm chí quy định các tiêu chí xác định giá bất động sản bán như thế nào. Ví dụ như giá thị trường hiện nay là 6 triệu/m2, thì chỉ cho vay đối với những ai bán thấp hơn khoảng 4 triệu/m2 thôi. Tức là phải ép cả ông bán. Tôi xuống lãi suất thì ông cũng phải xuống giá, xuống giá thì mới có nhiều người mua chứ. Khi ông bán hết thì tôi đầu tư tiếp vốn cho ông để đi làm dự án khác. Đó là điều kiện ưu tiên.

Rồi tránh đầu cơ, tránh lợi dụng vay nhiều, bởi vốn rẻ từ hỗ trợ của nhà nước mà ai làm sai phải xử lý ngay. Ngân hàng Nhà nước đưa ra chế tài, nếu phát hiện vi phạm, trục lợi… thì phạt thật nặng như cấm triển khai các nghiệp vụ khác. Như thế sẽ răn đe được.

Liệu còn có các rủi ro nào khác bên cạnh rủi ro đạo đức không?

Bản thân mức lãi suất thấp như vậy, mức giá bất động sản trong chương trình này cũng được ép xuống thấp sẽ giảm bớt áp lực trả nợ. Mặt khác, nó tập trung cho những nhu cầu thực, cho những người có thu nhập thấp, với những người đã leo được 6 - 7 bậc cầu thang rồi. Có hỗ trợ như vậy họ sẽ nỗ lực để có căn nhà của mình. Như vậy thì an cư lạc nghiệp, mà ngoài yếu tố kinh tế ra còn là vì an sinh xã hội nữa.

Cứ cho là triển khai giải pháp đó, quy mô 40 - 60 nghìn tỷ như vậy theo ông có đủ lực để kích thích không, hay gần đây là cách nói “cứu” bất động sản?

Tiêu hết được bấy nhiêu đã là một vấn đề rồi. Nếu tiêu hết được số đó thì chắc chắn kích cầu được thực sự.

So với quy mô của thị trường bất động sản, quy mô đó còn khiêm tốn, nhưng quan trọng là nó đi vào những nhu cầu thật chứ không ảo, hướng vào những đối tượng khó khăn và cần hỗ trợ thực sự.

Vậy đâu là trở ngại nếu triển khai, theo ông?

Cái khó nhất ở đây là từ ông bán. Ông ta có chấp nhận bán giá thấp không, giảm giá xuống không. Ngân hàng thương mại cũng phải ép, ông chấp nhận bán giá thấp thì tôi mới cho vay, qua đó ông mới giải phóng được hàng tồn kho của mình. Nếu ông đồng ý bán như vậy, nhiều người mua mới tiếp cận được, và khi bán được hàng ngân hàng mới tiếp tục có vốn ưu đãi để ông làm tiếp.

Ở giải pháp mua bán nợ xấu mà ông nêu trên, có phải là lập công ty mua bán nợ mà dư luận quan tâm thời gian qua?

Đúng vậy. Theo tôi cần làm nhanh cơ chế mua bán nợ. Nó không mới gì. Nhật Bản, Thủy Điển đã từng làm rất tốt và qua đó vượt qua khó khăn.

Ví dụ thế này nhé. Tài sản mua bán nợ là cái ấm trà. Ngân hàng cho vay 70% ấm trà, họ cầm hẳn cái ấm trà đó. Nay nó thành nợ xấu, công ty mua bán nợ sẽ mua lại khoảng 35%, tức chỉ bằng cái chén thôi nhưng lại giữ được cái ấm trà. Ngân hàng và doanh nghiệp trong lúc khó khăn này thì chỉ cần cái chén, một miếng khi đói bằng một gói khi no, thì sẽ xoay xở được bao nhiêu việc. Nhưng công ty mua bán nợ không phải là nắm cái chén, mà là ấm trà, họ nắm cơ hội có ấm trà đó.

Cũng có ý kiến là khi lập công ty mua bán nợ đó, dùng tiền ngân sách có thể làm thất thoát, rồi có thể nảy sinh lợi ích nhóm… Cái gì cũng có hai mặt của nó, có cái tốt, cái không tốt. Vậy thì chọn cái nào tốt hơn và tìm cách bịt các kẽ hở, hạn chế những cái không tốt của nó.

Nếu làm đồng thời được những chính sách đó thì tôi tin chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.