10:00 17/07/2024

6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh mới giải ngân được 23% vốn đầu tư công

Đỗ Hoàng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh lý giải nguyên nhân 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh này mới giải ngân được 3.271 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 23% kế hoạch HĐND giao (14.280 tỷ đồng)…

Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 – giai đoạn 1) giải ngân chậm vì thiếu vật liệu san lấp
Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 – giai đoạn 1) giải ngân chậm vì thiếu vật liệu san lấp

Trong văn bản giải trình tại kỳ họp thứ HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV (diễn ra từ ngày 8-10/7/2024), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cho biết mặc dù chủ trương của tỉnh Quảng Ninh 6 tháng đầu năm 2024 giải ngân được 50% kế hoạch nhưng đến hết tháng 6/2024, tỉnh này mới giải ngân được 3.271 tỷ đồng vốn đầu tư công, chỉ bằng 23% kế hoạch HĐND tỉnh giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (26,7%).

Trong đó, TP. Hạ Long mới giải ngân được 387 tỷ đồng, đạt 12,5% so với kế hoạch giao cả năm (3.096 tỷ đồng, TP. Cẩm Phả 13 tỷ đồng, đạt 2,9% so với kế hoạch (460 tỷ đồng), TP. Móng Cái 102 tỷ đồng, đạt 16,7% so với kế hoạch (612 tỷ đồng), huyện Hải Hà 73 tỷ đồng, đạt 16% so với kế hoạch (457 tỷ đồng).

VƯỚNG THỦ TỤC CHUYỂN MỤC ĐÍCH ĐẤT RỪNG

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng do tính đặc thù của đầu tư công thường tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Thời điểm đầu năm, các chủ đầu tư thường tập trung vào việc thực hiện công tác thanh quyết toán kế hoạch vốn năm 2023, giải ngân vốn còn lại của năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, đồng thời, hoàn trả số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024.

Sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, các cấp ngành mất nhiều tháng để triển khai kế hoạch hoạt động, kế hoạch đấu thầu, kế hoach triển khai thực hiện, thi công để có khối lượng thực hiện tích luỹ, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng. Việc tạm ứng vốn hợp đồng hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm. Mặt khác, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu một số địa phương còn chậm vì hết tháng 2/2024 các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu mới được ban hành đầy đủ nên phải tầm tháng 6, tháng 7/2024 các dự án dự kiến mới được khởi công.

Bên cạnh đó là nguồn thu ngân sách địa phương trực thuộc tỉnh Quảng Ninh đảm bảo cho chi đầu tư phát triển gặp khó khăn do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể triển khai thực hiện được, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải ngân của các địa phương. Tính đến 30/6/2024, số thu tiền sử dụng đất của một số địa phương đạt rất thấp như Cẩm Phả đạt hơn 51,8/1.000 tỷ đồng (đạt 5%), Vân Đồn hơn 25,4/700 tỷ đồng (đạt 4%), Đầm Hà hơn 4,1/100 tỷ đồng (đạt 4%).

Một nguyên nhân nữa là khó khăn vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án như việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án trên địa bàn TP. Hạ Long phải thực hiện rất nhiều thủ tục tại nhiều cơ quan từ địa phương đến trung ương dẫn đến kéo dài thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án.

Tại TP. Hạ Long, hầu hết các dự án đều năm trong vùng đệm di sản do đó phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường, chấp thuận của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch theo Luật Di sản trước khi triển khai thực hiện. Thủ tục này phải mất từ 4-6 tháng như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh và các cơ sở y tế - giáo dục chất lượng cao tại khu vực Nam Cầu Trắng (phường Hồng Hà và Hà Tu, TP. Hạ Long).

Quảng Ninh có vị trí địa lý đặc thù với 50% là biển, 50% là đất liền, trong đó, có 80% diện tích là đồi núi. Vì vậy, hầu hết các dự án giao thông đều phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích rừng, chủ yếu tại các cơ quan trung ương. Thực tế, phải mất ít nhất khoảng 12 tháng mới hoàn thiện thủ tục. Theo quy định tại điều 248 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, thẩm quyền chuyển mục đích rừng thuộc về HĐND cấp tỉnh nhưng vẫn đang chờ nghị định hướng dẫn nên một số dự án chưa hoàn thành việc chuyển mục đích rừng như dự án tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (giai đoạn 1), dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận TP. Hạ Long.

ÁCH TẮC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, KHAN HIẾM VẬT LIỆU SAN LẤP

Công tác giải phóng mặt bằng chậm so với tiến độ khiến cho việc triển khai thực hiện dự án gặp vướng mắc. Cụ thể như dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 – giai đoạn 1), dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600, dự án tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (giai đoạn 1), dự án hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu bệnh viện đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế - giáo dục chất lượng cao tại khu vực Nam Cầu Trắng (phường Hồng Hà và Hà Tu, TP. Hạ Long).

Các dự án này chậm vì chưa có quyết định phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, từ 13/6/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định về đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, vấn đề này đã được giải quyết. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp một số vướng mắc như việc xác định nguồn gốc đất (sử dụng sai mục đích, đất biến động qua nhiều chủ sử dụng, loại đất ghi trên giấy chứng nhận khác với hiện trạng sử dụng), chậm triển khai hạ tầng tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường...

Cùng với khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu san lấp. Như dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) theo tiến độ được phê duyệt, để hoàn thành trong năm 2025 thì trong năm 2024 phải hoàn thiện hạng mục nên đường. Dự án có nhu cầu sử dụng 5,9 triệu m3 đất san lấp nhưng mới tìm được 1,3 triệu m3 đất, còn lại 4,1 triệu m3 đất san lấp phụ thuộc vào tiến độ cấp phép của 4 mỏ đất mà các mỏ này dự kiến phải quý III năm 2024 hoặc đầu năm 2025 mới hoàn thành việc cấp phép.

Để giải quyết tình trạng này, chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép sử dụng nguồn vật liệu san lấp tại mỏ Tây Sơn (trữ lượng cấp phép 8,5 triệu m3) trong khi chờ các mỏ khác hoàn thiện thủ tục. Nếu theo phương án này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp nhưng sẽ làm tăng chi phí dự án do quãng đường vận chuyển xa hơn so với phương án được duyệt.

Tương tự, nguồn cát san lấp cho dự án cần hơn 1,3 triệu m3, chủ đầu tư đã tìm nguồn từ tỉnh ngoài nhưng vẫn thiếu khoảng 1 triệu m3. Do khan hiếm nguồn vật liệu san lấp nên dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) có kế hoạch vốn năm 2024 là 1.853 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 6/2024 mới giải ngân được 322 tỷ đồng, đạt 17,4% kế hoạch.

Ngoài các nguyên nhân khách quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do các chủ đầu tư chưa rốt ráo, sự phối hợp giữa giữa chủ đầu tư với cơ quan chức năng chưa chặt chẽ trong xử lý các vướng mắc, khó khăn.