Áp lực lạm phát “đè nén” bán lẻ thời trang
Các nhà bán lẻ thời trang và các cửa hàng bách hóa đang chứng kiến doanh số tăng trưởng chậm lại khi mức tăng giá bán của họ chạm đến điểm giới hạn của người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới...
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể ngày càng có nhiều các nhà bán lẻ sẽ gặp khó khăn bắt đầu từ cuối năm nay khi lạm phát gia tăng, giá cả tăng cao làm giảm nhu cầu đối với một số mặt hàng nhất định. Vào tuần trước, người khổng lồ trong ngành mỹ phẩm với 90 năm tuổi đời Revlon đã nộp đơn xin phá sản, trở thành cái tên đầu tiên trong năm nay thuộc lĩnh vực tiêu dùng “đầu hàng” trước áp lực của thị trường.
NGƯỜI TIÊU DÙNG DÈ XẺN CHI TIÊU
Những tháng gần đây, lạm phát là một nội dung được bàn luận nhiều nhất tại các tuần lễ thời trang ở Paris và Milan. Giá các nguyên liệu trong lĩnh vực dệt may, giống như nhiều nguyên liệu thô khác, đang tăng vọt do nhu cầu tiêu thụ phục hồi sau đại dịch và chi phí năng lượng, vận chuyển tăng cao. Giá sợi bông, vải lanh, lụa và len, cũng như các vật liệu tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ cũng đều đã tăng cao, chủ yếu là do tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo S&P Global Market Intelligence, nếu bao gồm cả hồ sơ của Revlon thì đã có bốn vụ phá sản trong ngành bán lẻ trong năm 2022. Trước đó, đại dịch bùng phát cũng đã khiến hàng chục nhà bán lẻ bao gồm các thương hiệu thời trang như J.C. Penney, Brooks Brothers, J. Crew và Neiman Marcus phải ra tòa phá sản. Ông Marshal Cohen, cố vấn trưởng ngành bán lẻ tại NPD Group, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: "Lo ngại lạm phát, người tiêu dùng không chỉ mua ít đồ hơn, mà họ còn đi mua sắm ít hơn, đồng nghĩa với việc mất đi những khoảnh khắc mua sắm bốc đồng vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng bán lẻ".
Trong một cuộc khảo sát vào cuối tháng 5 của S&P, trong ba tháng đầu năm 2022, người tiêu dùng mua ít mặt hàng hơn 6% so với quý đầu tiên của năm 2021. Hơn 8 trong số 10 người tiêu dùng Hoa Kỳ cho biết họ có kế hoạch thực hiện những thay đổi hơn nữa để giảm chi tiêu của mình trong 3 đến 6 tháng tới. Một cuộc khảo sát của UBS mới đây cũng đã cho thấy chỉ có khoảng 39% người tiêu dùng Mỹ cho biết họ có kế hoạch chi cho mùa tựu trường năm nay giảm so với năm trước.
Trong bối cảnh giá cả leo thang, nguy cơ lạm phát bủa vây, ngay cả giới giàu có cũng nhận ra đây không phải thời điểm thích hợp để tiêu xài phung phí. Theo khảo sát tháng trước của Deloitte tại Hàn Quốc, 74% người giàu được hỏi cho biết họ lo lắng về chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng. 77% người thuộc tầng lớp trung lưu cũng có cùng quan điểm. Nhóm khách hàng này bắt đầu suy nghĩ giống nhau. "Họ đang cân nhắc nên đầu tư vào vàng hoặc bất động sản thay vì mua những món đồ hiệu không cần thiết", đại diện một hãng thời trang tại Hàn Quốc cho biết.
Trước tình hình này, các nhà bán lẻ thời trang đang phải tìm cách xác định mức độ tăng giá bán sao cho không làm mất khách hàng mà vẫn đủ cân đối chi phí. Brian Ehrig, đối tác trong lĩnh vực tiêu dùng của Công ty tư vấn Kearney cho biết, một số thương hiệu đang giảm chi phí bằng cách sử dụng da thuộc chất lượng thấp hơn, bông vải (cotton) nhẹ hơn hoặc phụ kiện đính quần áo rẻ hơn. Một số thương hiệu thì chuyển sang sử dụng các kỹ thuật sản xuất có chi phí thấp hơn. Trong khi đó, một số thương hiệu cao cấp chọn đi theo xu hướng ngược lại: tăng thêm chất lượng cho sản phẩm với hy vọng người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức giá bán cao hơn.
HÀNG TỒN KHO VÀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN MÃI
Một vấn đề quan trọng khác bên cạnh giá bán là mức hàng tồn kho, vì chúng có khả năng dẫn đến những rủi ro lớn. Trong những tuần gần đây, các nhà bán lẻ từ Gap đến Abercrombie & Fitch hay Kohls’ cho biết họ có quá nhiều quần áo tồn kho sau khi các chuyến hàng đến muộn và người tiêu dùng đột ngột thay đổi thói quen tiêu dùng với những mặt hàng mà họ vẫn thường hay mua. Đầu tháng này, nhà bán lẻ Target cho biết họ đang lên kế hoạch giảm giá và hủy một số đơn đặt hàng để cố gắng đẩy lượng hàng tồn kho.
Một cuộc khảo sát của UBS mới đây cũng đã cho thấy chỉ có khoảng 39% người tiêu dùng Mỹ cho biết họ có kế hoạch chi cho mùa tựu trường năm nay giảm so với năm trước.
Ông Joseph Malfitano, người sáng lập Công ty chuyển đổi và tái cấu trúc Malfitano Partners cho biết, khi các nhà bán lẻ khác làm điều tương tự, lợi nhuận sẽ giảm trong thời gian tới. “Và khi tỷ suất lợi nhuận của một nhà bán lẻ giảm xuống khi hàng tồn kho của họ được đánh giá lại – như một thông lệ trong ngành - những hàng tồn kho đó sẽ không có giá trị nhiều”, ông Malfitano giải thích. “Do đó, cơ sở vay nợ của một công ty có thể giảm”.
Một số nhà bán lẻ có thể hủy đơn đặt hàng để không tạo thêm “bong bóng” hàng tồn kho. Nhưng rất nhiều nhà bán lẻ không thể hủy những đơn đặt hàng đó. “Vì vậy, nếu các nhà bán lẻ không thể hủy đơn đặt hàng và không đưa ra thị trường trong mùa lễ thì lợi nhuận của họ sẽ đi xuống. Nhiều vấn đề sẽ xuất hiện vào năm 2023", ông Malfitano nhận xét. Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến tuy đã bùng nổ trong đại dịch, nhưng lượng hàng trả lại đang gia tăng nhiều hơn so với các sản phẩm mua tại cửa hàng, qua đó làm gia tăng chi phí cho các nhà bán lẻ.
Trước tình thế đó, gã “khổng lồ” thời trang Zara đã trở thành nhà bán lẻ mới nhất tính phí hoàn trả các sản phẩm đã mua qua mạng. Khách hàng giờ đây phải trả 1,95 bảng Anh để trả lại quần áo, chi phí này sẽ trừ trực tiếp vào khoản tiền hoàn lại. Các mặt hàng đã mua trực tuyến vẫn có thể được trả lại miễn phí tại các cửa hàng. Đầu tháng này, thương hiệu thời trang nhanh Boohoo cho biết mặc dù lợi nhuận tăng vọt, song chi phí hoàn trả quá lớn đã dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận hàng năm của hãng. Các nhà phân tích cho biết các nhà bán lẻ khác có khả năng sẽ theo chân Zara trong việc tính phí đổi trả hàng.
Nick Carroll, Phó giám đốc nghiên cứu bán lẻ của Mintel cho biết việc cho phép trả hàng miễn phí tại cửa hàng có thể giúp khuyến khích khách quay trở lại cửa hàng. “Nhờ vậy, sản phẩm được đưa vào bày bán trở lại nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn cũng như tăng cơ hội mua sắm khi người mua đã đặt chân vào cửa hàng”. Các cửa hàng rất mong muốn được hưởng lợi từ việc tăng doanh số bán hàng trực tuyến, nhưng không ai trong số họ muốn đau đầu về hậu cần và chi phí để xử lý hàng trả lại. “Các mặt hàng sau khi nhận từ bưu điện phải được gửi đến nhà kho, đóng gói, làm sạch và sau đó đem bán lại. Quá trình đó không chỉ tốn kém hơn mà còn có thể khiến sản phẩm đó lỗi thời”.
Để tồn tại, theo báo cáo về tình trạng ngành thời trang năm 2021 của McKinsey, công thức chung của thời trang toàn cầu là giảm giá và chuyển đổi số. Theo hãng tư vấn này, trong và ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, sức mua thấp là điều các hãng thời trang phải đối mặt. Có đến 56% người được khảo sát cho biết hiện nay chỉ có chính sách khuyến mãi đặc biệt khiến họ muốn mua sắm. Sự hình thành văn hóa mặc cả sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới do gia tăng chủ nghĩa chống tiêu dùng, lạm phát tăng và tình trạng eo hẹp tiền mặt của người tiêu dùng.
Ông Perry Mandarino, đồng Giám đốc ngân hàng đầu tư và Trưởng bộ phận tái cấu trúc doanh nghiệp tại B. Riley Securities, nhấn mạnh: "Ngành bán lẻ đang và sẽ thay đổi liên tục trong 5 năm tới. Cảnh quan sẽ khác rất nhiều so với hiện nay".