09:29 12/10/2023

ASEAN hợp tác ứng phó rủi ro thiên tai xuyên biên giới

Chu Khôi

Tại hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, lãnh đạo phòng chống thiên tai của 14 quốc gia, gồm Đông Nam Á và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã bàn bạc nhiều nhiệm vụ quan trọng hợp tác ứng phó rủi ro thiên tai xuyên biên giới. Nhiều tổ tổ chức quốc tế như ADB, UNDP, OCHA... cam kết đồng hành cùng ASEAN trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan…

Khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai.
Khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai.

Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai đang diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 9-13/10/2023. Tại hội nghị này, diễn ra nhiều cuộc họp: Họp thường của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM); các cuộc họp ACDM + Trung Quốc, ACDM + Nhật Bản, ACDM + Hàn Quốc, Họp lần thứ 19 Ban quản trị Trung tâm AHA; Diễn đàn ASEAN lần thứ 4 về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.

BÀN BẠC NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Chính vì vậy, “Quản lý rủi ro thiên tai” là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp.

“Công tác phòng chống thiên tai tại khu vực Đông Nam Á đã đạt được những kết quả thiết thực về tất cả các mặt của quá trình phòng, chống thiên tai, từ đánh giá và giám sát, phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đến tăng cường khả năng chống chịu thiên tai”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Hội nghị lần này cụ thể hóa các nội dung đã đồng thuận tại các lần hội nghị trước. Đồng thời, Hội nghị cũng tiến hành sửa đổi quy tắc tài chính Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp ASEAN (ADMER) giúp huy động nguồn lực từ cộng đồng và sẵn sàng nguồn lực để hành động sớm trước thiên tai; tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai khẩn cấp khu vực ASEAN và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; cũng như, thảo luận, thống nhất việc tham gia của Đông Ti-mo trong các cuộc họp ACDM và hoạt động tăng cường năng lực.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị lần này các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến và thông qua một số nội dung chính về: Triển khai quyết định của lãnh đạo cấp cao có liên quan; cập nhật kết quả thực hiện chương trình quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) 2021-2025 trong thời gian qua; trao đổi để trình Hội nghị Bộ trưởng thông qua Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN. Cùng với đó, thảo luận về Quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN; điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký ASEAN với vai trò là Điều phối viên Hỗ trợ nhân đạo ASEAN; nội dung hợp tác, thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cập nhật kết quả thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN trong thời gian qua".

Ông Markus Werne, Chánh văn phòng Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của OCHA (Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc) cho biết Liên hợp quốc đã đăng ký 5 chương trình ưu tiên dành cho ASEAN. Trong đó, tập trung tăng cường hợp tác giữa hai bên trong việc thiết kế và thực hiện các biện pháp can thiệp.

"ASEAN có những phương án khôi phục bền vững có khả năng chống chịu cho các khu vực thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Một trong số đó được Chương trình UNDP khởi xướng thông qua chương trình chung về “Chuẩn bị ứng phó và phục hồi đối với các rủi ro liên quan đến El Nino”, ông Werne cho biết thêm.

Là một trong những tác động xuyên biên giới gây ảnh hưởng nặng nề nhất, El Nino có thể khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn, nhiệt độ khắc nghiệt, hạn hán xảy ra thường xuyên. Trong giai đoạn 2015 - 2016, ước tính khoảng 60 triệu người bị ảnh hưởng bởi El Nino trên toàn cầu.

UNDP đề xuất sẽ chuẩn bị cho các phục hồi ở cấp khu vực, quốc gia, đồng thời khuyến cáo Ban Thư ký ASEAN tăng cường công tác chuẩn bị, ứng phó và xây dựng riêng một chiến lược phục hồi cho các khu vực chịu ảnh hưởng của El Nino. Bên cạnh đó, Trung tâm AHA cần sẵn sàng ứng phó và tham vấn các hành động sớm ở cấp khu vực.

NHIỀU TỔ CHỨC QUỐC TẾ KHẲNG ĐỊNH HỖ TRỢ NGUỒN LỰC CHO PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Ông Steven Goldfinch, chuyên gia quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng phải cung cấp một nền tảng hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ, mới đủ sức giúp ASEAN tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai xuyên biên giới.

Nền tảng kỹ thuật, theo ông Goldfinch, dựa trên 3 trụ cột. Đó là: Tăng cường hợp tác khu vực về hiểu biết các rủi ro xuyên biên giới; Giới thiệu công nghệ cấp cao phục vụ hợp tác khu vực về rủi ro xuyên biên giới; Hợp tác liên vùng thông qua nâng cao năng lực và trao đổi kiến thức.

Về hợp phần tăng cường hợp tác, chuyên gia ADB chỉ ra rằng nguy cơ bão nhiệt đới xuyên biên giới dự kiến tăng trong tương lai. Tuy nhiên, mức độ rủi ro gia tăng không đồng đều, trong đó Philippines chịu thiệt hại tổng thể cao nhất, còn Việt Nam và Campuchia có mức độ rủi ro gia tăng đáng kể nhất.

 

"Đến năm 2050, bão nhiệt đới có thể gây thiệt hại cho 182.000 căn nhà tại Campuchia, Philippines và Việt Nam, tăng 60% so với mức thiệt hại hàng năm thời điểm hiện nay đối với nhà cửa".

Ông Steven Goldfinch, Chuyên gia quản lý rủi ro thiên tai của ADB.

Trong kịch bản đánh giá rủi ro thiên tai, đại diện ADB còn lưu ý tới vấn đề hạn hán. Theo đó, Campuchia dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguy cơ hạn hán gia tăng ở 3 quốc gia trong nghiên cứu là Việt Nam, Campuchia và Philippines. Sản xuất cây trồng sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là 89% đất trồng trọt của Campuchia sẽ bị ảnh hưởng.

Để quản lý và đưa ra các cảnh báo sớm với thiên tai, ông Goldfinch kêu gọi việc xây dựng khung tiêu chuẩn quốc gia về đánh giá rủi ro, tác động và tình trạng dễ bị tổn thương do hạn hán. Đồng thời, các nước nên có phương án chuyển từ cảnh báo sớm sang cảnh báo về các tác động của thiên tai, bên cạnh việc thành lập những tổ công tác liên ngành.

Quang cảnh Hội nghị tại Quảng Ninh.
Quang cảnh Hội nghị tại Quảng Ninh.

Ông Steven Goldfinch thông tin, vừa qua ADB đã tài trợ 1,3 triệu USD để thúc đẩy quản lý rủi ro thiên tai cho ASEAN, thông qua các hỗ trợ kỹ thuật. Trên cơ sở đó, ADB phối hợp triển khai hệ thống ADINet 3.0, với các chức năng lưu trữ cơ sở dữ liệu thảm họa, kho tài liệu với chức năng tìm kiếm, cảnh báo, nguồn cấp dữ liệu RSS và tích hợp truyền thông xã hội. Dự kiến trong tháng 10/2023, ADB sẽ hoàn thiện hệ thống này và hướng dẫn cho các tổ chức liên quan trong ASEAN. Các hoạt động đào tạo, tập huấn về ADINet 3.0 sẽ được triển khai trong tháng 11/2023.

Ông Muhd Harrith Rashidi Bin Haji Muhd Jamin, Giám đốc Trung tâm Quản lý thảm họa Quốc gia Brunei nhận định, ACDM đã trải qua một hành trình dài và đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

"Trong giai đoạn tới các nước trong khu vực ASEAN, dưới sự dẫn dắt của ACDM sẽ có những nỗ lực để giảm thiểu những tác động của thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp", ông Muhd Harrith Rashidi tin tưởng.

Khẳng định sẽ tiếp tục triển khai những nỗ lực và sáng kiến mà Việt Nam đã đưa ra trong năm 2023, với tư cách là Chủ tịch ACDM trong năm 2024, Brunei hứa triển khai các cam kết trong Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER), đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN tích cực tham gia thực hiện những nội dung trong hiệp định.

Theo lịch Hội nghị, ngày 12/10/2023 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các Hội nghị AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản, AMMDM + Hàn Quốc.