Giá xăng và giá cước xe công nghệ cùng tăng: Tài xế vừa mừng vừa lo

Minh Long
Việc các hãng xe công nghệ tăng giá cước không phải chuyện lạ, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng trong nước liên tục tăng trong những phiên điều chỉnh gần đây. Hai đối tượng chịu tác động chính là tài xế và những người thường xuyên sử dụng dịch vụ này có những suy nghĩ trái chiều...

Tài xế mừng, khách hàng đắn đo

Giá xăng và giá cước là 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của tài xế.  
Giá xăng và giá cước là 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của tài xế.  

Làm tài xế xe công nghệ được 3 năm, anh N.T.Quang, một tài xế GrabCar 4 chỗ ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết trước đại dịch Covid-19 đã rất khó khăn, lại thêm giá cả leo thang rồi xăng lại tăng giá liên tục thời gian qua, trong khi giá cước không tăng. “Nếu trung bình mỗi ngày chạy khoảng 200km sẽ phải trả thêm từ 150.000 - 170.000 đồng tiền xăng so với trước đây. Từ sau Tết, nhiều anh em đã phải tăng cuốc, tăng giờ làm thêm 2-3 tiếng mỗi ngày, chịu bào mòn sức khỏe để đua cùng giá xăng, một số anh em không chịu được đã phải bỏ nghề”, anh N.T.Quang than thở.

Vẫn cố bám trụ, biết tin hãng xe tăng giá cước thêm 500 đồng/km từ ngày 10/3, anh Quang nhẩm tính có thể bù đắp được hơn một nửa chi phí đội thêm do giá xăng tăng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là trên lý thuyết, phải chờ đến tháng sau mới tính lại được và còn phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách hàng.

Thực tế, giá xăng tăng cao khiến giá dịch vụ tăng, tài xế bắt buộc tự chịu những khoảng phát sinh nhiều khi cùng một giá cước nhưng địa điểm lại xa hơn, số km đó cánh tài xế phải tự chịu. Giá đơn hàng sau khi trừ các khoảng phí thì rất rẻ, không tương xứng với công sức đã bỏ ra nên việc các hãng xe công nghệ tăng giá cước khiến cánh tài xế có thể bù lỗ được phần nào.

Giá xăng tăng, giá cước tăng, nhiều khách hàng sẽ đắn đo hơn trong việc sử dụng dịch vụ xe công nghệ.  
Giá xăng tăng, giá cước tăng, nhiều khách hàng sẽ đắn đo hơn trong việc sử dụng dịch vụ xe công nghệ.  

Còn theo chị N.K.Trang, một tài xế GrabBike khu vực Mỹ Đình, bản thân không thể tăng giờ chạy để đảm bảo sức khỏe và việc nội trợ gia đình. Do đó, việc hãng xe tăng giá cước là một tín hiệu mừng cho anh chị em trong hội, dù vẫn chưa thể bằng thời điểm tháng 11 năm ngoái, nhưng “chỉ lo rằng mấy ngày nữa giá xăng lại lên nữa thì cũng như muối bỏ bể. Chưa kể giá tăng thì khách hàng sẽ lăn tăn việc lựa chọn các hình thức khác để tiết kiệm” - chị Trang cho biết thêm.

N.L.H.Hà (22 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Văn hóa Hà Nội) là khách hàng thường xuyên gọi xe công nghệ để di chuyển. “Từ trường em đến khu trọ, đi xe buýt mất khá nhiều thời gian nên nhiều lúc em phải mở App gọi xe cho được việc. Với em thì việc tăng giá cước thêm mấy nghìn đồng mỗi chuyến cũng không đáng ngại lắm. Có lẽ với các bạn thường xuyên đi xe công nghệ mới thấy rõ khác biệt”.

Với áp lực giá xăng tăng liên tục thời gian qua, giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh nên việc tăng giá cước dịch vụ vận tải cũng là điều dễ hiểu. Đối với khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ, việc cập nhật liên tục các thông tin, chính sách mới của từng hãng là rất cần thiết, đặc biệt là các bạn trẻ thường xuyên “săn” voucher, khuyến mãi bởi điều này sẽ giúp tiết giảm chi phí rất nhiều.

Tuy nhiên, trong trường hợp nếu sắp tới các hãng khác cũng tăng giá cước, không ít khách hàng cho biết có thể cân nhắc ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí.

Chị H.P.H.Hiền (30 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội)) cho hay: “Mình thường hay đặt mua đồ ăn qua mạng, trong điện thoại luôn có sẵn vài app của các hãng. Nếu giá cước tăng nhưng có mã giảm giá thì mình vẫn lựa chọn hãng đó; không thì sẽ thử sang app khác, miễn sao tổng chi phí thấp nhất có thể là được”.

Cần có chiến lược phù hợp để đảm bảo quyền lợi các bên

Giá xăng và giá cước xe công nghệ cùng tăng: Tài xế vừa mừng vừa lo - Ảnh 1

Từ 10/3, Grab sẽ điều chỉnh giá cước mới cho các dịch vụ GrabBike, GrabBike Premium, GrabExpress Siêu tốc, GrabCar 4 chỗ và GrabCar 7 chỗ. Việc tăng giá xăng dầu đang gây áp lực rất lớn không chỉ đối với các hãng xe công nghệ, mà còn đối với các đơn vị vận tải nói chung hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nếu tình trạng giá xăng tăng và kéo dài, thời gian tới các đơn vị sẽ phải xem xét đến việc điều chỉnh giá là điều tất yếu. Nếu điều chỉnh giá không được thì sẽ phải chấp nhận việc ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản.

“Chúng tôi hi vọng Nhà nước sẽ có những chính sách, giải pháp để giúp cho các đơn vị đứng vững trong tình hình hiện nay”, ông Quyền cho biết.

Trong khi đó, đại diện các hãng xe công nghệ thông tin, sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường và đặc biệt là giá xăng dầu để có thể thực hiện những điều chỉnh phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho các đối tác tài xế và người dùng loại hình dịch vụ này.

Từ ngày 10/3, Grab điều chỉnh giá cước mới cho các dịch vụ GrabBike, GrabBike Premium, GrabExpress Siêu tốc, GrabCar 4 chỗ và GrabCar 7 chỗ. Trong đó, giá cước GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tăng 2.000 đồng lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên, tăng 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. GrabCar 7 chỗ tại Hà Nội tăng mạnh lên mức 34.000 đồng cho 2 km đầu tiên, 13.000 đồng cho mỗi km tiếp theo, giá cước theo thời gian di chuyển 550 đồng/phút (mức giá tương ứng trước đây là 32.000 đồng/11.000 đồng/500 đồng). GrabExpress Siêu tốc (Thực phẩm) trên toàn quốc tăng nhẹ lên mức 16.000 đồng cho 3 km đầu tiên, 5.500 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Hiện các hãng xe công nghệ khác như Gojek, BeGroup chưa đưa  kế hoạch cụ thể nào về việc tăng giá cước. Các chuyên gia cho rằng, các hãng đều đang tiếp tục theo dõi các biến động thị trường xăng dầu để đưa ra các chính sách cho phù hợp, vừa hỗ trợ cho các đối tác là tài xế, vừa đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc tăng hay giảm giá cước đột ngột và mang tính hệ thống, tất yếu sẽ gây sự hoang mang, khó chịu cho cả khách hàng lẫn tài xế. Do đó, việc xây dựng chiến lược về giá phù hợp với tình hình thực tế là điều mà các hãng đều phải cân nhắc để giữ vững và phát triển thị phần của mình.

Dự kiến, giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng đến 5.000/lít/kg tùy loại so với thời điểm đầu năm 2022.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.