Băn khoăn kinh phí hoà giải, đối thoại tại toà án
Không thu phí hoà giải, đối thoại tại toà án thì ngân sách thêm gánh nặng còn thu phí thì lo phí chồng phí
Không thu phí hoà giải, đối thoại tại toà án thì ngân sách thêm gánh nặng còn thu phí thì lo phí chồng phí.
Đó là một trong những băn khoăn được nêu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Toà án nhân dân Tối cao tổ chức sáng 1/10.
Hoà giải về kinh doanh thương mại thành công còn ít
Đây là dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khai mạc ngày 21/10 tới.
Tờ trình dự án luật cho biết, hoà giải, đối thoại theo quy định của luật này được thực hiện trước khi toà án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Trình bày nội dung cơ bản của dự thảo luật, đại diện đến từ cơ quan soạn thảo (Toà án nhân dân Tối cao) cho biết dự thảo luật gồm 4 chương, 29 điều, nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hoà giải, đối thoại tại toà án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Đại diện ban soạn thảo cũng nhấn mạnh kết quả triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng với kết quả tỷ lệ hoà giải, đối thoại thành đạt 76,2%. Mở rộng thí điểm tại 16 tỉnh, thành khác, sau 10 tháng đã hoà giải, đối thoaị thành được 36.985 vụ việc.
Tuy nhiên, theo tờ trình dự án luật, trong số các vụ việc hoà giải, đối thoại thành thì 86% vụ việc về hôn nhân gia đình, vụ án về kinh doanh thương mại chỉ đạt tỷ lệ 39,43%.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, điều tra PCI năm gần nhất cho thấy có 45% doanh nghiệp có tranh chấp cho biết sẵn sàng mang tranh chấp ra toà, nhưng đó là với doanh nghiệp trong nước. Còn hỏi 2000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì chỉ có 8% có câu trả lời tương tự. Vì thế, nâng cao hiệu quả hoạt động của toà án, giảm chi phí giải quyết tranh chấp là vấn đề rất quan trọng.
Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, hai năm qua hệ thống toà án có bước chuyển rất mạnh mẽ như công khai các bản án, công bố án lệ... Việc ban hành Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án việc sẽ làm cho toà án trở nên thân thiện hơn, công lý được đảm bảo hơn.
Vấn đề cần thảo luận kỹ, theo ông Tuấn là với tranh chấp thương mại thì luật này sẽ tác động thế nào, bởi tỷ lệ lớn trong tranh chấp hợp đồng chủ yếu do thiện ý thực thi chưa tốt chính vì vậy hoà giải trong tranh chấp thương mại khác với các lĩnh vực khác.
Án phí cũng chỉ có tính tượng trưng
Một trong những vấn đề còn có ý kiến khác nhau được đại diện ban soạn thảo nêu tại hội thảo là kinh phí hoà giải, đối thoại tại toà án.
Quan điểm thứ nhất, cũng là quan điểm của cơ quan soạn thảo cho rằng chưa thu phí mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm kinh phí.
Cơ quan soạn thảo giải thích, với việc các tranh chấp, khiếu kiện được giải quyết thông qua hoà giải, đối thoại, vụ việc không phải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của luật tố tụng, kết quả giải quyết được các bên tự nguyện thi hành sẽ tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Thực tiễn thí điểm cho thấy việc giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải, đối thoại tại toà án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử.
Quan điểm thứ hai cho rằng cũng cần quy định một khoản phí đối với một số trường hợp cụ thể với mức thu hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.
Theo đó cần quy định thu phí đối với các trường hợp: pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính. Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận chỉ ra bất cập của cả hai phương án.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng nếu không thu phí thì khó thu hút được các hoà giải viên tâm huyết tham gia, tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, tạo ra sự bất hợp lý đối với các trung tâm hoà giải khác như hoà giải thương mại.
Còn phương án có thu phì thì băn khoăn của ông Truyền là liệu có phí chồng phí hay không, nếu hoà giải không thành, khi dự thảo chưa đưa ra cơ chế cho việc xử lý án phí thế nào khi trung tâm hoà giải tại toà đã thu phí khi chuyển sang thụ lý cũng vẫn toà án đó lại thu thêm lần phí cho xét xử?
Ở vị trí chủ toạ, ông Tống Anh Hào, thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao phản hồi, mục đích ban hành luật là tạo ra cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hoà giải, đối thoại tại toà án và giảm tải công việc của toà nên dự kiến nhà nước sẽ chi là chủ yếu.
Hiện nay ngay cả án phí của toà án cũng thu mang tính chất nghĩa vụ tượng trưng chứ không đủ bù đắp chi phí, có vụ án phí chỉ có 300 ngàn đồng, chưa đủ để tổ chức 1 phiên toà đừng nói chi phí cho quá trình thu thập chứng cứ, ông Hào nói.