Báo cáo kết quả kiểm điểm vi phạm về BOT: Chính phủ đã chậm gần 1 năm
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu báo cáo vào kỳ họp cuối năm 2018, nhưng đến nay Chính phủ chưa thực hiện
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu báo cáo vào kỳ họp cuối năm 2018, nhưng đến nay Chính phủ chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện BOT giao thông.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu thông tin trên khi thẩm tra việc thực hiện nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đây là một trong những nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ trong cả ngày 15/8.
Theo Ủy ban Kinh tế, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ được giao tại nghị quyết 437 vẫn còn chậm, một số nhiệm vụ không đạt yêu cầu tiến độ đề ra, chưa giải quyết dứt điểm được một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng.
Cụ thể hơn, cơ quan thẩm tra nêu rõ, mặc dù, Chính phủ đã tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT, nhưng đến nay vẫn chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội (nghị quyết 437 yêu cầu báo cáo vào kỳ họp cuối năm 2018 của Quốc hội).
Trong báo cáo cũng chưa làm rõ tình hình thực hiện các kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiếm toán nhà nước. Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ tập trung vào các dự án BOT giao thông do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa làm rõ đối với tình hình thực hiện của các dự án do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, Chính phủ vẫn chưa ban hành quy định đối với việc bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án để thay thế nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, việc ban hành nghị định thay thế nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và định mức, đơn giá, công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế, loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm thu phí BOT vẫn còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.
Liên quan đến việc quyết toán các dự án đã hoàn thành để xác định phương án tài chính và thời gian thu phí dịch vụ chính thức, theo cơ quan thẩm tra vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành, đối với một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc do có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu vì một số nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Đề nghị của cơ quan thẩm tra là Chính phủ khẩn trương rà soát, xử lý phù hợp theo quy định, tránh các tác động tiêu cực phát sinh, do kéo dài. Ngoài ra, bổ sung số liệu làm rõ ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm thời gian vừa qua về thời gian thu phí, tổng mức đầu tư được giảm trừ… qua quá trình kiểm toán và quyết toán đối với từng dự án BOT giao thông.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu. Nhưng đến nay vẫn còn một số trạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, triệt để những bất cập (Trạm Bắc Thăng Long - Nội bài, Trạm Bỉm Sơn - Thanh Hóa, Trạm Cai Lậy, Trạm Thái Nguyên - Chợ Mới).
Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, hiện tại đã phát sinh thêm một số trạm thu phí tồn tại bất cập nhưng chưa được đề cập tại báo cáo của Chính phủ. Gồm, Trạm T2 Quốc Lộ 91 thuộc dự án BOT Quốc Lộ 91 Cần Thơ - An Giang và Trạm Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT...
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần có đánh giá lại toàn diện hơn đối với các trạm thu phí hiện nay, xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập tránh việc phát sinh các trạm thu phí bị dư luận phản đối sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây mất an ninh trật tự cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Việc triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước, theo cơ quan thẩm tra cũng đã chậm 1 năm so với yêu cầu của nghị quyết.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ đối với việc ban hành khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở, thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng để tránh tình trạng độc quyền trong thu phí dịch vụ, đồng thời bảo đảm sự kết nối liên thông giữa các trạm, giám sát doanh thu các trạm và bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 437.
Nghị quyết 437 nêu yêu cầu phối hợp giữa các địa phương với các bộ, ngành liên quan và nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự, siết chặt kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng xe quá tải, bảo đảm chất lượng công trình, giao thông thông suốt và chống thất thoát doanh thu.
Uỷ ban thẩm tra nhận xét, đến nay vẫn còn tồn tại rủi ro mất an toàn, an ninh, trật tự tại một số địa phương dự án đi qua (vẫn còn tình trạng phản đối của người dân tại một số trạm thu phí). Ngoài ra, chất lượng của một số công trình giao thông BOT còn thấp, có công trình xuống cấp nhanh nhưng chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời; cũng như việc thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí vẫn còn tồn tại chưa được công khai, minh bạch và xử lý triệt để.
Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ đối với nội dung này.