13:51 14/10/2014

Bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ là người gốc Việt

Diệp Vũ

Nina Phạm đã tham gia điều trị cho Duncan, công dân Liberia bị nhiễm Ebola trước khi nhập cảnh vào Mỹ

Cô Nina Pham, nữ y tá gốc Việt bị nhiễm Ebola tại Mỹ - Ảnh: AP.
Cô Nina Pham, nữ y tá gốc Việt bị nhiễm Ebola tại Mỹ - Ảnh: AP.
Bệnh nhân nhiễm virus Ebola đầu tiên trên đất Mỹ là một nữ y tá gốc Việt 26 tuổi có tên Nina Phạm. Hãng tin Reuters cho biết, Nina sống ở thành phố Dallas thuộc bang Texas và đã nhiễm loại virus chết người sau khi chăm sóc cho Thomas Eric Duncan, bệnh nhân được chẩn đoán có Ebola đầu tiên ở Mỹ.

Theo giới chức Mỹ, Nina Phạm là một trong số 50 người tham gia điều trị cho Duncan, công dân Liberia đã bị nhiễm Ebola ở Tây Phi trước khi nhập cảnh vào Mỹ. Ông này đã được điều trị 11 ngày trong bệnh viện nơi Nina làm việc trước khi qua đời vào hôm 8/10. Duncan là bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán có Ebola tại Mỹ.

Hiện nhà chức trách Mỹ chưa đưa ra dược nguyên nhân Nina đã nhiễm Ebola như thế nào. Theo một số nguồn tin, nữ y tá này mới chỉ được hướng dẫn cách chống lây nhiễm Ebola trong nửa giờ.

Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) Thomas Frieden nói rằng, có thể Nina đã “phạm sai lầm nghiệp vụ”, dẫn tới việc cô bị mắc Ebola. Tuy nhiên, Hiệp hội Y tá Texas nói, tuyên bố này của ông Frieden là đổ lỗi cho Nina, và là cách làm không thể chấp nhận được.

“Chúng ta chưa biết cô ấy nhiễm virus như thế nào. Việc cho rằng cô ấy không tuân thủ các quy định an toàn là hành động không đúng”, Hiệp hội Y tá Texas viết trong một tuyên bố đưa ra ngày 13/10.

Vụ Duncan có Ebola vẫn nhập cảnh được vào Mỹ và việc Nina Phạm nhiễm Ebola từ Duncan đang khiến dư luận Mỹ hết sức lo ngại về khả năng lan rộng của căn bệnh nguy hiểm. Nhà chức trách Mỹ đang cho triển khai hệ thống kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Tây Phi tại các sân bay lớn của nước này.

Giám đốc CDC Frieden tuyên bố, Mỹ cần phải xem xét lại cách kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Ebola sau vụ y tá Nina Phạm nhiễm bệnh. “Kể cả một vụ lây nhiễm duy nhất cũng là điều mà chúng ta không thể chấp nhận”, ông Frieden nhấn mạnh.

Hiện Nina Phạm đang ở trong tình trạng ổn định và thường xuyên dùng Skype để liên lạc với người thân. Việc nữ y tá này nhiễm Ebola một lần nữa cho thấy rủi ro cao mà các nhân viên y tế phải đối mặt khi chăm sóc các bệnh nhân nhiễm căn bệnh này.

Ngày 13/10, các bác sĩ và y tá ở quốc gia Tây Phi Liberia, nơi được xem là tâm điểm của trận dịch Ebola lịch sử đang diễn ra, đã đồng loạt nghỉ việc để gây sức ép đòi chính phủ chi tiền phụ cấp độc hại cho họ để bù đắp việc họ phải đối mặt với nguy hiểm hàng ngày khi chăm sóc cho bệnh nhân Ebola. Đến nay, đã có khoảng 95 nhân viên y tế Liberia đã thiệt mạng khi nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola lây lan.

Chủ tịch Công đoàn Nhân viên y tế Liberia Joseph Tamba cho biết, nhiều nhân viên y tế không được chính phủ trả lương đầy đủ dù hy sinh bản thân để chống dịch. Ví dụ, các nhân viên trung tâm y tế Island Clinic được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ được cam kết nhận mức lương từ 500 - 750 USD/tháng, nhưng trên thực tế chỉ nhận 60% số tiền.

Đến nay, dịch Ebola đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, Ebola có thể khiến các quốc gia sụp đổ và là mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế.