Bộ Giao thông vận tải đề xuất “siết” thời gian lái xe vận tải liên tục vào ban đêm

Hoàng Lâm
Trong Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến nhân dân, với phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, cơ quan soạn thảo đề xuất giờ làm việc của lái xe một ngày không quá 8 giờ, thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ, riêng ban đêm không quá 3 giờ.
Quy định mới trong thời gian lái xe ban đêm sẽ có tác động không nhỏ tới ngành kinh doanh vận tải. Ảnh minh hoạ - Nguồn: HTV.
Quy định mới trong thời gian lái xe ban đêm sẽ có tác động không nhỏ tới ngành kinh doanh vận tải. Ảnh minh hoạ - Nguồn: HTV.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích trên 11.043 vụ TNGT xảy ra trong năm 2022, TNGT xảy ra vào ban đêm chiếm chủ yếu, trong đó có 40,33% số vụ TNGT xảy ra từ 16h - 22h và 18,24% số vụ xảy ra từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau.

Theo quy định hiện nay, thời gian làm việc của mỗi người lái xe ô tô liên tục không quá 4 tiếng. Sau mỗi 4 tiếng, tài xế phải nghỉ ít nhất 15 phút, sau đó mới tiếp tục được lái tiếp. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế mệt mỏi, không trong tình trạng tỉnh táo khi lái xe trong khoảng thời gian từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. 

Trước tình hình trên, Trong Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ Giao thông vận tải đề xuất để điều chỉnh lại thời gian lái xe của các tài xế xe vận tải vào ban đêm.

Cụ thể, đối với quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thời gian làm việc của người lái xe phải đảm bảo theo quy định của Bộ Luật lao động; Thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ; trong khoảng thời gian từ 22h00 ngày hôm trước đến 06h00 ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ. Trong một ngày không lái xe quá 8 giờ. Thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu là 05 phút đối với lái xe taxi, xe buýt; Tối thiểu là 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ, lái xe các loại hình kinh doanh vận tải khác; Thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục trong khoảng thời gian từ 22h00 ngày hôm trước đến 06h00 ngày hôm sau tối thiểu 30 phút.

Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị vận tải nội bộ và người lái xe chịu trách nhiệm thực hiện các quy định nêu trên nếu đề xuất được thông qua.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ; người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định này.

Về giải pháp quản lý lái xe vào ban đêm, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, giống như giám sát tốc độ phương tiện, hiện nay việc giám sát thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nam. Dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các Sở GTVT địa phương để làm cơ sở xử lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị GSHT trên phương tiện, từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm nhằm đảm bảo ATGT cho hành khách, phương tiện.

Tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải còn có đề xuất mới về hoạt động vận tải đường bộ. Theo đó, hoạt động vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận chuyển người, hàng hoá trên đường bộ trong nước, quốc tế. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ.

Hoạt động vận tải đường bộ trong nước là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận chuyển người, hàng hoá trên đường bộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô để vận chuyển người, hàng hoá qua lại giữa Việt Nam với các nước. Hoạt động vận tải đường bộ quốc tế phải tuân thủ các quy định Dự thảo này và phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế của nước khác không được vận chuyển người, hàng hóa có điểm bắt đầu và điểm kết thúc cùng nằm trên lãnh thổ Việt Nam.

Kinh doanh vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để cung cấp dịch vụ vận chuyển người, hàng hoá trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.

Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô khách để vận chuyển hành khách có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô khách thành phố hoặc xe ô tô khách để vận chuyển hành khách có các điểm dừng đón, trả khách, biểu đồ chạy xe và hành trình trong phạm vi nhất định; bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh và tuyến xe buýt kết nối sân bay. Trong đó, tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tuyến xe buýt kết nối sân bay là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn tối đa 03 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; có điểm đầu hoặc điểm cuối tại cảng hàng không.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô con để thực hiện vận chuyển theo yêu cầu của hành khách, phương thức tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau đây: Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền; Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử; Tiền cước được tính theo chuyến đi trên cơ sở quãng đường và thời gian vận chuyển.

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô khách để thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

Hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ.

Hoạt động vận chuyển người nội bộ bằng xe ô tô là việc cơ quan, tổ chức sử dụng xe ô tô khách để vận chuyển cán bộ công nhân viên, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của cơ quan, tổ chức đó;

Hoạt động vận chuyển hàng hoá nội bộ bằng xe ô tô là việc cơ quan, tổ chức sử dụng xe ô tô tải, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô kéo rơ mooc, xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc để vận chuyển sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức đó sản xuất hoặc trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu để phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của đơn vị mà chi phí vận tải đã được tính vào giá thành sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Trong thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được ban hành quy định về công tác tổ chức hoạt động vận tải bằng xe ô tô và các thủ tục hành chính có liên quan theo trình tự, thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Chính phủ quy định cụ thể về loại hình kinh doanh vận tải; quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ.

Tin mới

Nhà phân phối dừng hợp tác phút chót, tương lai BYD tại Việt Nam vẫn là ẩn số

Nhà phân phối dừng hợp tác phút chót, tương lai BYD tại Việt Nam vẫn là ẩn số

Việc New Energy Holding (NEH) - công ty con thuộc Tasco Auto, là một trong những đối tác phân phối lớn nhất vừa bất ngờ thông báo ngưng hợp tác với BYD Việt Nam là thông tin đang nhận được nhiều sự quan tâm trong ngành ô tô vì thời điểm thông báo dừng hợp tác diễn ra vào “phút chót”. Thông này là tin không vui với hãng xe Trung Quốc BYD khi bước chân vào thị trường Việt Nam trong tháng 6 sắp tới.
VinFast tung VF 3 với giá siêu rẻ, phân khúc xe điện mini Việt lên "cơn sốt"

VinFast tung VF 3 với giá siêu rẻ, phân khúc xe điện mini Việt lên "cơn sốt"

Nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam, VinFast vừa bất ngờ thông báo giá bán chính thức của “tân binh” VF 3 chỉ từ 235 triệu đồng, khiến cộng đồng yêu xe cả nước “dậy sóng”. Nhiều ý kiến cho rằng, mức giá này đủ để VinFast “càn quét” cả phân khúc xe điện mini mới được khai phá cách đây 1 năm.
Bộ Công an đề xuất thay đổi hàng loạt phân hạng Giấy phép lái xe

Bộ Công an đề xuất thay đổi hàng loạt phân hạng Giấy phép lái xe

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an vừa hoàn thiện, Bộ Công an đề xuất phân hạng về các loại Giấy phép lái xe (GPLX) xe mô tô, ô tô. Cụ thể, GPLX mô tô có hạng A1, A, B1; trong khi đó ô tô có tới 12 hạng GPLX và đề xuất cấp GPLX cho người khuyết tật đảm bảo điều kiện sức khỏe.