Bộ Y tế đề xuất thay đổi cách tính giá viện phí mới từ tháng 7/2024
Các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tới đây sẽ bao gồm: Giá thành toàn bộ dịch vụ; tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) và các nghĩa vụ tài chính, dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2024, theo đề xuất của Bộ Y tế...
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư Quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có nội dung về cách tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới, dự kiến áp dụng từ tháng 7 năm sau.
Thông tư này áp dụng cho các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, do ngân sách nhà nước thanh toán, theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Giá thành toàn bộ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí hàng hóa (thuốc, vật tư y tế thay thế) để điều trị người bệnh theo bệnh. Đồng thời, bảo đảm bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh chữa bệnh, phù hợp với quan hệ cung cầu dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, bảo toàn vốn và có tích lũy theo quy định của pháp luật.
Các yếu tố hình thành giá, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh đảm bảo phù hợp tại thời điểm định giá. Giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn khi có biến động…
Theo dự thảo Thông tư, các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Giá thành toàn bộ dịch vụ; Tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) không quá 10% tổng chi phí cấu thành giá; các nghĩa vụ tài chính.
Trong đó, về giá thành toàn bộ dịch vụ, bao gồm: Chi phí nhân công (tiền lương, tiền công, phụ cấp; chi thu nhập bình quân tăng thêm và chi quỹ dự phòng); chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ trực tiếp, chi phí về nhiên liệu, năng lượng, các khoản chi phí trực tiếp khác); chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định theo quy định.
Về các nghĩa vụ tài chính bao gồm: Các khoản phí, lệ phí, thuế; thuế sử dụng đất/chi phí thuê đất dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có).
Dự thảo thông tư cũng quy định, các cơ sở khám chữa bệnh phải niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để người bệnh biết, lựa chọn.
Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, các khoa điều trị; … để bảo đảm điều kiện chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn y tế, đặc biệt là việc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú; chuyển tuyến, chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, vật tư theo đúng quy định.
Các đơn vị cũng cần bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề. Trừ trường hợp số giường bệnh theo yêu cầu do đơn vị vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo quy định, để đầu tư khu vực khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu độc lập với khu vực khám bệnh, chữa bệnh thông thường.
Đồng thời, bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, người không có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới.
Việc trích lập các quỹ từ chênh lệch thu lớn hơn chi của các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc: Tăng tỷ lệ trích lập quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư cho cả khu vực khám bệnh, chữa bệnh thông thường và khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; trích lập và tăng dần mức trích lập quỹ Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời xây dựng quy chế để hỗ trợ người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị.
Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức đối tác công tư kết hợp thì căn cứ quy định tại Thông tư này, quy mô đầu tư để xây dựng và quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm công khai, minh bạch và theo đúng các quy định về đầu tư theo phươnh thức đối tác công tư.
Thông tư này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính 2 yếu tố là chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương.
Trước đó, hồi tháng 7, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng nhưng chưa được thông qua.
Theo Bộ Y tế, nếu thực hiện điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh là 5%, chi Quỹ bảo hiểm y tế tăng khoảng 2.700 tỷ đồng/năm.