09:37 25/01/2010

“Bùng nhùng” cột điện và “dùng dằng” trách nhiệm

TS. Nguyễn Đức Kiên

Câu chuyện liên quan đến những cây cột điện đang ngày càng “tăng nhiệt” trên các phương tiện thông tin đại chúng

Đến thời điểm này, hệ lụy từ những cây cột điện đã như một tín hiệu cảnh báo về sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với hai cạnh còn lại của tam giác là xã hội và sinh thái bền vững.
Đến thời điểm này, hệ lụy từ những cây cột điện đã như một tín hiệu cảnh báo về sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với hai cạnh còn lại của tam giác là xã hội và sinh thái bền vững.
Câu chuyện liên quan đến những cây cột điện đang ngày càng “tăng nhiệt” trên các phương tiện thông tin đại chúng.  

Dùng dằng hàng năm trời với nhiều lần đàm phán bất thành, vừa qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có công văn “cầu cứu” các cơ quan hữu quan trước sức ép giá thuê cột điện để treo cáp thông tin tăng lên nhiều lần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trao đi đổi lại, câu chuyện bắt đầu từ giá thuê chuyển sang giá thành xây dựng, có lúc chuyển sang cả giá trị cột điện. Rồi Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc…

Trong nền kinh tế  thị trường thì việc các doanh nghiệp thương thảo với nhau về giá của một dịch vụ là  hết sức bình thường. Bên cung cấp dịch vụ thì mong muốn có lợi nhuận cao từ hoạt động này, đặc biệt khi nó không phải là lĩnh vực chủ đạo hoặc nhiệm vụ chính của doanh nghiệp. Bên sử dụng dịch vụ thì muốn được sử dụng dịch vụ với giá rẻ nhất để đảm bảo lợi nhuận.

Với quan điểm kinh tế  như vậy, việc EVN đưa ra giá thuê cột  điện do mình bỏ vốn ra đầu tư hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tất nhiên, EVN ngoài việc tính giá thành một cột điện còn có thể tính thêm cả chi phí đền bù, hỗ trợ khi kéo dây, duy tu, bảo dưỡng…nên việc nhận xét giá EVN đưa ra là “đắt” hay “rẻ” cũng khó chính xác.

Việc VNPT đưa ra một mức giá thành cột điện khác thấp hơn dựa trên bài toán với chi phí tối thiểu và có sự chia sẻ với EVN về chi phí nhân công nhằm giảm tối đa chi phí để đảm bảo lợi nhuận của mình cũng có thể giải thích bằng các văn bản pháp quy và có thể thông cảm được.

Theo các quy định hiện hành, đây là hoạt động không chịu sự chi phối của Luật Cạnh tranh hay Pháp lệnh Phí và Lệ phí. Chính vì vậy mà Bộ Công Thương, mặc dù đã vào cuộc cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng “nút thắt” của vấn đề vẫn chưa được tháo gỡ.

Câu hỏi đặt ra ở đây, là ai có đủ thẩm quyền can thiệp và đưa ra một mức giá được coi là “chuẩn” để yêu cầu các bên có liên quan thực hiện?

Theo quy định thì Bộ Công Thương chỉ quản lý Nhà nước đối với EVN về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không quản lý vốn. Tương tự như vậy, Bộ  Thông tin và Truyền thông không quản lý vốn sản xuất kinh doanh của VNPT.

Quá trình tìm câu trả lời sẽ đi đến vấn đề phân định vai trò quản lý của Nhà nước và vai trò chủ sở hữu đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Và, trách nhiệm quản lý Nhà nước trước hết thuộc về các bộ quản lý ngành đã chưa làm tròn chức năng xây dựng chiến lược phát triển của ngành mình. Cụ thể, ở đây ngành viễn thông mới chỉ chú ý phát triển về lượng thuê bao, số lượng người sử dụng Internet mà chưa có định hướng về hạ tầng. Vì quá tập trung tăng doanh thu, giảm chi phí, hoạt động của các doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố, đến an toàn của người dân. Bởi chỉ tập trung treo cáp mà không phối hợp ngầm hóa tuyến cáp.

Giờ đây, khi sự việc phát triển quá “ngưỡng” chịu đựng thì doanh nghiệp lại lấy khách hàng của mình làm “con tin” để gây sức ép lên chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước với lý do “không được ảnh hưởng đến hàng triệu người sử dụng dịch vụ”.

Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước lại lúng túng trong xử lý vì thiếu chế tài và tính pháp lý trong quyết định. Trường hợp này, nếu cơ quan chức năng ở địa phương ra quyết định yêu cầu không được treo cáp trong nội thành và yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch hạ ngầm trong thời gian nhất định thì phù hợp với các văn bản pháp quy hiện hành hơn.

Với danh nghĩa là  chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu, Chính phủ và các bộ được ủy quyền phải nghe hội đồng quản trị các doanh nghiệp đang treo cáp trong nội thành báo cáo kế hoạch xử lý, bao gồm cả việc xây dựng tuyến cáp ngầm theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn ngành mà bộ ban hành. Như vậy, các doanh nghiệp có căn cứ nâng mức đầu tư hạ tầng lên và đồng thời giảm lợi nhuận hàng năm. Bộ Tài chính căn cứ vào kế hoạch được duyệt đó để cân đối nguồn thu cho ngân sách hàng năm, trong đó có khoản giảm thu để đầu tư ngầm hóa cáp.

Ở đây cần lưu ý giá bán điện của ENV là do Nhà nước quy định, còn giá cước viễn thông là do doanh nghiệp tự quyết định. Vì vậy, đơn giá thuê cột khi thảo luận phải dựa trên những quy định cụ thể hiện hành. Nếu dựa trên những cơ sở này để tính toán thì có thể các doanh nghiệp viễn thông không còn dùng được chiêu thức hạ giá để triệt tiêu lẫn nhau được nữa.

Và, chỉ qua câu chuyện nói trên cũng có thể nhận thấy, trong một thời kỳ dài hơn 20 năm qua chúng ta đã ưu tiên phát triển ngành viễn thông có tốc độ nhanh nhưng chưa để ý đúng mức đến các tác động phụ của nó đối với người tiêu dùng và xã hội sau này.

Thời gian gần đây, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra lý thuyết tam giác phát triển bền vững với mục tiêu phải cân đối hài hòa cả 3 yêu cầu: kinh tế - xã hội - sinh thái.

Từ sự phát triển của ngành viễn thông, nhìn rộng ra nhiều ngành khác nữa thì 20 năm qua, chúng ta đã chọn kinh tế làm mũi nhọn. Đến thời điểm này, hệ lụy từ những cây cột điện đã như một tín hiệu cảnh báo về sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với hai cạnh còn lại của tam giác là xã hội và sinh thái bền vững.

Trở lại vấn  đề cụ thể giữa VNTP và EVN cùng cuộc thương thảo chưa có hồi kết về giá thuê cột điện, đây là thời điểm cơ quan quản lý Nhà nước phải khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các doanh nghiệp có một kế hoạch dài hơi để đến năm 2015 cơ bản sẽ ngầm hóa được mạng cáp đô thị. Bên cạnh đó, các vấn đề về dịch vụ công ích hay doanh nghiệp công ích cũng cần được pháp điển hóa, chứ không chỉ dừng ở mức độ nghị định như hiện nay.