18:25 17/01/2024

Cần 72 tỷ USD đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp đến năm 2030

Anh Nhi

Theo Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), với chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD…

Việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần sớm được xử lý.
Việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần sớm được xử lý.

Thông tin tại Tọa đàm “Thực trạng các khu công nghiệp hiện nay và các giải pháp tài chính” do Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (FAIP) ngày 16/1 cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 414 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.688 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 89.126 ha, chiếm 69% diện tích đất của các khu công nghiệp đã thành lập.

NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ LỚN

Trong số 414 khu công nghiệp đã thành lập nêu trên có 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút đầu tư, với tổng diện tích đất tự nhiên 89.171 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 61.116 ha; 121 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản có tổng diện tích tự nhiên 39.517 ha.

Ngoài ra, cả nước còn 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 21 tỉnh biên giới đất liền với tổng diện tích 766.000 ha và 18 khu kinh tế ven biển tại 17 tỉnh, thành phố ven biển với tổng diện tích mặt đấy và mặt nước gần 871.523 ha.

TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên ISC, cho biết trong những năm gần đây, chi phí đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp có xu hướng tăng nhanh. Theo tính toán của ISC, dựa trên đơn giá đền bù đất của các địa phương, chi phí sản lấp mặt bằng và định mức xây dựng bình quân của Bộ Xây dựng thời gian qua, tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp đến hết năm 2022 đạt khoảng 28 tỷ USD; trong đó vốn đầu tư nước ngoài 9,3 tỷ USD (nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 19 tỷ USD.

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến hết năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha khu công nghiệp, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80-85.000 ha.

Hiện đơn giá đền bù đất, giải phóng mặt bằng và định mức xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã được điều chỉnh tăng so với giai đoạn trước. Theo khảo sát của ISC, ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha.

“Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD”, ông Thành nói.

GỠ NÚT THẮT VỀ VỐN

Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư bất động sản khu công nghiệp dựa vào 3 nguồn vốn chính gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn ứng trước của khách hàng.

Vốn tín dụng cho các khu công nghiệp tại Việt Nam.
Vốn tín dụng cho các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án. Như vậy, nếu tính diện tích tối thiểu để làm khu công nghiệp là 75 ha và cộng thêm chi phí đền bù và xây dựng hạ tầng, thì vốn góp chủ sở hữu đã lên tới 146 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn ứng trước của khách hàng, theo đại diện Đại An, đa số chủ đầu tư phải chấp nhận “mẻ hàng” cho thuê đầu tiên hoà vốn để kêu gọi các nhà máy đưa vào sản xuất ngay, từ đó doanh nghiệp có thêm nguồn thu tiền, gia tăng tiềm lực tài chính để có đủ tài chính đầu tư toàn bộ dự án.

“Do vậy, muốn tham gia ngành này thì các doanh nghiệp phải thực sự có năng lực về tài chính mới có thể đi đường dài”, Công ty cổ phần Đại An cho biết.

Ở góc độ vốn vay, theo tính toán của Viện Đầu tư và Nghiên cứu BIDV, tính đến hết tháng 8/2023, dư nợ tín dụng cho các khu công nghiệp là 56,6 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2022 (cao hơn mức tăng gần 22% của tín dụng kinh doanh bất động sản và cao hơn mức tăng 13,7% tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023), song chỉ chiếm 5,7% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, kênh huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại.

“Điều này cho thấy nguồn vốn phát triển khu công nghiệp hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định.

Do vậy, vị chuyên gia cho rằng cùng với việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới phát triển hạ tầng khu công nghiệp để nhắm tới những “đại bàng”, những nút thắt về vốn cần sớm được xử lý, nhất là vấn đề liên quan tới định giá đất để giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.

Từ quỹ đầu tư Acuity Funding (Australia), ông Ranjit Thambyrajah cho biết Việt Nam hiện đang thiếu các sản phẩm tài chính đa dạng và các dịch vụ chuyên biệt cần thiết cho sự tăng trưởng đang diễn ra. Nhu cầu nguồn tài trợ vốn dài hạn và quy mô lớn ngày một gia tăng. Thị trường cũng cần các chính sách tín dụng cấp tiến, thân thiện với các nhà phát triển và dự án của họ.

“Theo đó, Acuity có thể hỗ trợ tìm nguồn tham gia cổ phần ưu đãi để hỗ trợ các dự án tốt cần thêm vốn chủ sở hữu cho đủ điều kiện cho các khoản vay. Hoặc xem xét các hình thức thay thế vốn chủ sở hữu và khả năng trả lãi ví dụ như bảo lãnh ngân hàng, hợp đồng mua hàng trong tương lai, hợp đồng cho thuê và các hợp đồng bán ký trước khi xây”, ông Ranjit đề xuất.