Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu
Châu Âu là một trong những thị trường còn nhiều dư địa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ...
Tuy nhiên, châu Âu cũng là thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe bậc nhất thế giới. Để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đây là nội dung được các chuyên gia phân tích tại Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận thị trường châu Âu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam tổ chức, chiều 7/7.
Châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á của châu Âu. Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng hoạt động thương mại song phương Việt Nam - châu Âu vẫn được duy trì, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đã tăng đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC thông tin: kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 12 lần từ 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên gần 50 tỷ USD (năm 2020); trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 13 lần từ 2,8 tỷ USD lên 35,1 tỷ USD năm 2020. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu vào thị trường EU với thặng dư thương mại khoảng 29 triệu USD. Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại EU là Đức, Pháp, Ba Lan...
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lên kinh tế, thương mại toàn cầu, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp bị hủy bỏ, Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đang tích cực kết nối doanh nghiệp với thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và vận dụng tối đa các kênh bán hàng mới. Nhờ đó, hoạt động giao thương vẫn được duy trì, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa liên tục cho các đối tác", ông Nguyễn Tuấn nói.
Theo ông Adam Koulaksezian, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFI), người tiêu dùng EU đang quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, bao gồm cả truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên đánh giá tính bền vững của sản phẩm, đồng thời thiết kế chiến lược xuất khẩu phù hợp với nhu cầu, xu hướng của thị trường.
EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của nhiều mặt hàng chủ lực Việt Nam như: dệt may, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong nửa đầu năm 2021, theo bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh, Giám đốc phát triển kinh doanh CCIFI,dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời Việt Nam cũng tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ EU phục vụ sản xuất trong nước.
"Mặc dù có nhiều động lực song việc trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam –EU cũng đang đối mặt với không ít thách thức",bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh nhận xét. Thách thức trước tiên là tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp đến là các yêu cầu truy xuất nguồn gốc và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường EU diễn ra nhanh hơn. Ngoài các thủ tục xuất khẩu thông thường, thị trường EU cũng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải có các chứng nhận chất lượng sản phẩm (CQ), chứng nhận kiểm dịch (CA), chứng nhận vệ sinh...
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường EU, bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 hạn chế các hoạt động giao thương trực tiếp, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sang marketing trực tuyến thông qua các nền tảng kỹ thuật số và thường xuyên cập nhật các xu hướng, thị hiếu tiêu dùng mới phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng. Nhờ đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường EU của doanh nghiệp tăng thêm 20% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Bà Phạm Thị Hồng Quang cũng lưu ý, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU rất coi trọng vấn đề phát triển bền vững như nguồn gốc nguyên liệu, an toàn lao động, môi trường, phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần đánh giá tính bền vững của sản phẩm, doanh nghiệp; nắm vững thị trường xuất khẩu, các quy tắc nhập khẩu và khuyến nghị. Đồng thời có chiến lược điều chỉnh chuỗi cung ứng để phù hợp với các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế và tận dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, thương mại hiện đại.