13:25 30/11/2022

Công bố chất lượng thông tin và minh bạch: Nâng cao chất lượng, hướng tới thông lệ quốc tế

Ngân Hà

Kết quả đánh giá năm 2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy các doanh nghiệp có chất lượng công bố thông tin và minh bạch tốt thường là những doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn hóa thị trường và quy mô tài sản cao, kết quả kinh doanh tốt...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2022, HNX tiếp tục triển khai Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM. Chương trình nhằm đánh giá nhận thức, thực thi các quy định về CBTT&MB; cung cấp các cơ sở, dẫn chứng cho việc lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng CBTT&MB, hướng tới nâng cao chất lượng quản trị công ty phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối tượng được đánh giá gồm các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM và có thời gian đăng ký giao dịch từ trước ngày 1/7/2021. Tổng cộng có 306 doanh nghiệp, chiếm 83,8% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm chốt dữ liệu.

BỔ SUNG 7 TIÊU CHÍ MỚI THEO THÔNG LỆ TỐT

Xét theo quy mô vốn hóa thị trường, trung bình một doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn tham gia đánh giá có vốn hóa thị trường là 3.951,61 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2021). Có 120 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn hóa thị trường thấp hơn 500 tỷ đồng (gần 40%) và 95 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn hóa hơn 1.500 tỷ đồng (31,05%)

Bộ tiêu chí đánh giá dựa trên các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán cũng như thông lệ quốc tế. Bộ tiêu chí bao gồm 72 tiêu chí được xếp vào 4 nguyên tắc là: quyền và đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; minh bạch và công bố thông tin; trách nhiệm của Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát.

Đặc biệt, Chương trình đánh giá năm nay có bổ sung 7 tiêu chí đánh giá mới theo thông lệ tốt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ thực hiện công bố thông tin mang tính tuân thủ, mà còn hướng tới việc tự nguyện thực hiện theo thông lệ quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cải thiện chất lượng CBTT&MB theo hướng thực chất hơn.

Công bố chất lượng thông tin và minh bạch: Nâng cao chất lượng, hướng tới thông lệ quốc tế - Ảnh 1

Việc đánh giá được thực hiện từ góc nhìn của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp, theo đó nguồn dữ liệu đánh giá sẽ dựa trên các thông tin được doanh nghiệp công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm 2021.

Dữ liệu sử dụng cho việc đánh giá là những thông tin và dữ liệu mà doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm tài chính 2021 bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị, Điều lệ công ty, Quy chế nội bộ về quản trị công ty, Nghị quyết và biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên, website của doanh nghiệp...

DOANH NGHIỆP TỐT, CHẤT LƯỢNG CBTT&MB TỐT

Kết quả đánh giá của chương trình cho thấy điểm CBTT&MB trung bình của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên HNX đạt 59,21%, giảm 4,51% so với năm 2021. Trong đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới mức điểm số giảm so với năm trước là do tỷ lệ doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thực hiện theo 7 tiêu chí đánh giá mới chưa cao.

Bên cạnh đó, các tiêu chí thông lệ cũ như mời đại diện công ty kiểm toán độc lập tham dự đại hội đồng cổ đông (284/306 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thực hiện); công bố lương thưởng thù lao cho kế toán trưởng (228/306 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thực hiện); thành lập tiểu ban (277/306 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thực hiện) cũng thường bị các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn bỏ qua.

Kết quả đánh giá cũng cho thấy, các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc rổ UPCoM Large có điểm CBTT&MB trung bình đạt 61,44% cao hơn các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không thuộc rổ UPCoM Large, đạt 58,81%.

Kết quả đánh giá năm 2022 đã khẳng định lại mối tương quan giữa điểm CBTT&MB và các yếu tố thị trường đã được rút ra từ kết quả đánh giá các năm trước. Đó là các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn hóa thị trường và tổng tài sản cao hơn thường có chất lượng CBTT&MB tốt hơn; doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn sở hữu của Nhà nước lớn hơn sẽ có điểm CBTT&MB cao hơn; chất lượng CBTT&MB càng tốt thì giá cổ phiếu càng cao; tỷ suất ROA và ROE tỷ lệ thuận với chất lượng CBTT&MB (mỗi 1% tăng của điểm CBTT&MB đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,15% và ROE tăng 0,48%); tỷ số đòn bẩy tài chính (được thể hiện bằng tỷ số tổng nợ/tổng vốn chủ sở hữu) tỷ lệ nghịch với chất lượng CBTT&MB.

Công bố chất lượng thông tin và minh bạch: Nâng cao chất lượng, hướng tới thông lệ quốc tế - Ảnh 2

Cùng với đó, doanh nghiệp có chất lượng CBTT&MB càng tốt thì giá cổ phiếu càng cao. Đây là dẫn chứng tốt để khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp thực thi tốt hơn các quy định, thông lệ về CBTT&MB.

Ngoài ra, mối liên hệ giữa việc doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài và chất lượng CBTT&MB là không rõ ràng, tương tự với kết quả đánh giá năm 2021. Điều này có thể lý giải rằng khi chất lượng CBTT&MB trong nước dần tiếp cận những chuẩn mực hoặc thông lệ CBTT&MB quốc tế, thì mối liên hệ giữa việc doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài và chất lượng CBTT&MB sẽ dần biến mất.

Đáng chú ý, kết quả đánh giá cho thấy chỉ còn 2% doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn vẫn áp dụng mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc/giám đốc điều hành, giảm 1% so với kết quả đánh giá năm 2021 (năm 2021: 3%).

GƯƠNG CHIẾU HẬU CHO QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

“Điều này cho thấy doanh nghiệp đã chú trọng hơn việc tách bạch chức danh này do vẫn tiềm ẩn các xung đột lợi ích giữa HĐQT, Ban tổng giám đốc/giám đốc và các cấp quản lý khác trong doanh nghiệp khi Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc/giám đốc không có sự tách bạch”, báo cáo nhận định.

Ngoài ra kết quả đánh giá cũng chỉ ra các tiêu chí doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thực hiện chưa tốt trong từng nội dung của CBTT&MB như tỷ lệ tuân thủ báo cáo quản trị công ty còn khá thấp, nhiều doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn chưa công bố báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty… Mặt khác, nội dung của nhiều thông tin công bố chưa đầy đủ, đặc biệt là thông tin trong báo cáo thường niên trong khi các nội dung này đã được quy định rõ ràng tại Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Công bố chất lượng thông tin và minh bạch: Nâng cao chất lượng, hướng tới thông lệ quốc tế - Ảnh 3

Đây là những phân tích chi tiết để giúp các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có thể nhìn nhận các vấn đề trong việc triển khai và thực thi các quy định cũng như thông lệ CBTT&MB tốt để khắc phục các mặt hạn chế, tăng cường các mặt đạt được để phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của Việt Nam.

Dựa trên kết quả đánh giá của chương trình, HNX cũng đã đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng CBTT&MB cũng như hướng tới nâng cao chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình chính trị thế giới, tâm lý của các nhà đầu tư...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Công bố chất lượng thông tin và minh bạch: Nâng cao chất lượng, hướng tới thông lệ quốc tế - Ảnh 4