Công nghiệp vũ trụ Nga chao đảo vì các lệnh trừng phạt
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang đặt ra những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp vũ trụ của Nga. Ngoài rủi ro thiệt hại tài chính, tương lai của các thoả thuận hợp tác vũ trụ giữa Nga với Mỹ và các đối tác châu Âu cũng trở nên bất định hơn bao giờ hết...
Phương Tây đã đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Nga nhằm đáp trả hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, trong đó bao gồm các lệnh cấm bán hàng hóa và công nghệ cho ngành công nghiệp vũ trụ sang Nga, ngừng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác liên quan đến các sản phẩm này.
Đáp trả phương Tây, Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) đình chỉ hợp tác với châu Âu về các vụ phóng từ sân bay vũ trụ Kourou, đồng thời triệu tập 56 nhân viên từ Guyane, Pháp về Nga. Động thái mạnh tay nhất của Nga được đưa ra vào ngày 3/3, khi Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin tuyên bố Nga sẽ ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ. “Chúng tôi không chỉ ngừng cung cấp các động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ, mà còn từ chối bảo dưỡng các động cơ còn lại. Chúng tôi đang nói về 24 động cơ nữa”, ông Rogozin nói.
Từ thập niên 1990 đến nay, Nga đã cung cấp 122 động cơ RD-180 cho tên lửa đạn đạo liên lục địa Atlas của Mỹ, và 98 động cơ trong số này đã được sử dụng.
Ông Rogozin còn tuyên bố Nga sẽ chấm dứt hợp tác về các thí nghiệm tại Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) với Đức. "Xét đến những hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được của các đồng nghiệp Đức, nhất là Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức, chúng tôi đã ngừng hoạt động một trong những kính thiên văn của đài quan sát không gian Spektr-RG”, ông Rogozin nói và cho biết thêm rằng Nga có tất cả nguồn lực cần thiết để tự mình tiến hành nghiên cứu không gian.
Trước đó ít ngày, phía Đức đã thông báo rằng họ sẽ tắt kính thiên văn eROSITA của mình tại đài quan sát vũ trụ Spektr-RG. Là một sản phẩm của hợp tác Nga-Đức, đài quan sát không gian này có nhiệm vụ quan sát các hố đen, sao neutron và trường điện từ, cung cấp các dữ liệu giúp hiểu sâu hơn về sự giãn nở của vũ trụ.
Roscosmos công bố trên các phương tiện truyền thông rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngành công nghiệp vũ trụ của Nga có khả năng gây ra thiệt hại ước tính tới 210,22 tỷ Rúp, tương đương hơn 2 tỷ USD. Đây là lượng vốn rót vào Roscosmos trong năm 2022 và có thể mất trắng nếu các chương trình bị dừng lại tại thời điểm này do ảnh hưởng của trừng phạt.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) thông báo vẫn duy trì hợp tác với Roscosmos để hỗ trợ hoạt động của ISS. Các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác giữa Nga và Mỹ trong chương trình không gian - theo một tuyên bố hôm 28/2 của NASA. Nhưng hiện tại, Roscosmos chỉ được Chính phủ Nga cho phép vận hành ISS cho đến năm 2024. Và vấn đề gia hạn thoả thuận trong bối cảnh hiện nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Roscosmos nói rằng hiện tại các đối tác của Nga đều né tránh đối thoại. Cơ quan này gọi sự né tránh đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận trước đây và có thể phá tan giấc mơ chung về khám phá không gian. Hợp tác về các chuyến bay có người lái, như Luna-25 và Venera-D, vẫn đang diễn ra theo kế hoạch trước đó, nhưng Roscosmos chưa thể trả lời câu hỏi liệu hợp tác quốc tế với Nga trong các dự án khác liệu có được tiếp tục hay không.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã gọi việc phóng tàu thám hiểm ExoMars cùng với Nga được lên lịch vào tháng 9 năm 2022 là "rất khó xảy ra". Theo ông Ivan Moiseev, người đứng đầu Viện Chính sách không gian Nga, chương trình trao đổi phi hành gia (người Nga lên tàu vũ trụ của Mỹ và người nước ngoài lên tàu vũ trụ Soyuz của Nga) sẽ bị dừng lại hoặc đóng cửa hoàn toàn. Theo ông, nếu NASA và Roscosmos không thống nhất được, thì chương trình không gian có người lái quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Moiseev nhận định: “Để phân tách kỹ thuật giữa các phân đoạn của Nga và Mỹ trên ISS là một công việc khó khăn và chậm chạp. Một cuộc “chia tay” như vậy cần ít nhất một năm. NASA không thể ra lệnh cho chúng tôi tháo rời mọi thứ, họ chỉ có thể tự mình làm điều đó”. Vì vậy, có thể nói rằng, ISS đã khiến mối liên kết giữa Nga và Mỹ trong ngành công nghiệp vũ trụ tạm thời duy trì.
Về phần mình, NASA khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Roscosmos trên ISS và muốn duy trì sự hợp tác này ít nhất đến năm 2030. Lý do nằm ở lợi ích kinh tế, bởi nếu các hoạt động đang diễn ra bị dừng lại, NASA sẽ phải gánh tổn thất nặng nề.