Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, vài hồi ức…
Câu chuyện về ông Trần Xuân Giá là một điểm nhấn mang tính lịch sử đối với “nền kinh tế thị trường"
Từ vị thế một người từng được coi và tự coi là cha đẻ của Luật Doanh nghiệp, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá đã chính thức bị khởi tố vì đã sai phạm về pháp lý tại một doanh nghiệp cụ thể.
Vượt khỏi khuôn khổ của một vụ việc thuần túy, câu chuyện về ông Trần Xuân Giá chắc chắn là một điểm nhấn mang tính lịch sử đối với “nền kinh tế thị trường” đã và đang trong quá trình hoàn thiện của Việt Nam.
Quá khứ hào hùng
Không nhiều các bộ trưởng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua có kiến thức am tường và trải nghiệm phong phú như ông Trần Xuân Giá.
Những năm 60, người cán bộ trẻ tuổi này đã được Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, ông Lê Văn Hiến, ký quyết định cử ông và một số người nữa sang Liên Xô học về vật giá. Từ đó, con đường chính trị của vị cựu bộ trưởng luôn gắn liền với lĩnh vực kinh tế.
Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông hài hước rằng vì ông tên là Giá nên mới được đi học giá. Ông cũng kể rằng trải nghiệm đầu tiên là về điều hành giá cho một nền kinh tế kế hoạch, nhưng cũng đã học về kinh tế hàng hoá thực sự, như kinh tế thị trường bây giờ vậy.
Trong lịch sử vận hành nền kinh tế thị trường, ông Trần Xuân Giá cũng đã chứng kiến và tham dự vào nhiều hoạt động quan trọng từ việc xây dựng khung chính sách cho đến giải quyết các sự vụ cụ thể.
Nhưng công việc để lại nhiều dấu ấn nhất và cũng được ghi nhận rộng rãi nhất chính là việc tham gia xây dựng và bảo vệ Luật Doanh nghiệp, văn bản được xem là quan trọng nhất đối với lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua.
Khi đó, việc ban hành cho được văn bản này là một thử thách lớn, và đã ra đời sau khi vượt qua hàng loạt cửa ải hết sức khó khăn. Trong hồi tưởng của ông Giá, có nhiều tình huống ban soạn thảo đã phải “mềm nắn rắn buông” với mục tiêu cuối cùng là ban hành cho được văn bản này.
Suốt ba năm liền, cứ mỗi thứ Sáu là ban soạn thảo ngồi lại thảo luận, phải tính toán vì nhiều tình huống nảy sinh. Và một trong những thông điệp quan trọng nhất của văn bản này, chính là tinh thần “được làm những gì pháp luật không cấm” thay vì “được làm những gì nhà nước quy định”.
Báo giới nói chung có nhiều ấn tượng tốt với ông Trần Xuân Giá. Uyên thâm, lịch lãm và phong độ, ông tạo cho báo giới cảm giác tôn trọng, tin cậy và kính phục. Dẫu cho, tinh ý thì cũng thấy, với trải nghiệm dày dặn của một chính khách, ông Giá có cách trả lời báo chí rất khôn khéo và kín kẽ.
“Nhân thân tốt”
Nhiều người từng ngạc nhiên khi ông Giá quyết định làm việc cho một doanh nghiệp cụ thể (ACB) sau khi về hưu, điều mà không bộ trưởng nào trước đó, dám và muốn làm. Từ ông, đã có một làn sóng nho nhỏ các quan chức bộ ngành đi làm cho doanh nghiệp sau khi nghỉ hưu, hoặc thậm chí “nhảy ngang”.
Trong một bài trả lời phỏng vấn vào thời điểm đó, ông đã có câu nói nổi tiếng “Ngồi ghế nào thì hành xử theo ghế đó”. Cũng trong bài phỏng vấn đó, ông nói trong quá trình làm quan chức, về mặt tài sản, ông không có tích lũy.
Giờ đây, nhiều người cũng ngạc nhiên khi nghe tin ông Trần Xuân Giá bị khởi tố, có lẽ cũng vì ám ảnh từ một hình ảnh đẹp về một vị bộ trưởng giỏi giang mà quên mất rằng ông đang ngồi một “ghế” khác. Dẫu cho, cơ quan điều tra cũng đã khẳng định ông Giá thuộc diện “nhân thân tốt” và được tại ngoại.
Trước thời điểm bị khởi tố, trả lời báo chí, ông nói mình có “bảo bối” để tự bảo vệ, đó là nguyên tắc “cái gì pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm”.
Hiện chưa rõ cựu Bộ trưởng sẽ sử dụng bảo bối này như thế nào trong suốt quá trình tố tụng sắp tới, nhưng điều có thể chắc chắn là thanh danh từ quá khứ hào hùng đã ảnh hưởng ít nhiều. Có lẽ, nhiều người có cảm giác tiếc nuối cho ông...
Vượt khỏi khuôn khổ của một vụ việc thuần túy, câu chuyện về ông Trần Xuân Giá chắc chắn là một điểm nhấn mang tính lịch sử đối với “nền kinh tế thị trường” đã và đang trong quá trình hoàn thiện của Việt Nam.
Quá khứ hào hùng
Không nhiều các bộ trưởng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua có kiến thức am tường và trải nghiệm phong phú như ông Trần Xuân Giá.
Những năm 60, người cán bộ trẻ tuổi này đã được Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, ông Lê Văn Hiến, ký quyết định cử ông và một số người nữa sang Liên Xô học về vật giá. Từ đó, con đường chính trị của vị cựu bộ trưởng luôn gắn liền với lĩnh vực kinh tế.
Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông hài hước rằng vì ông tên là Giá nên mới được đi học giá. Ông cũng kể rằng trải nghiệm đầu tiên là về điều hành giá cho một nền kinh tế kế hoạch, nhưng cũng đã học về kinh tế hàng hoá thực sự, như kinh tế thị trường bây giờ vậy.
Trong lịch sử vận hành nền kinh tế thị trường, ông Trần Xuân Giá cũng đã chứng kiến và tham dự vào nhiều hoạt động quan trọng từ việc xây dựng khung chính sách cho đến giải quyết các sự vụ cụ thể.
Nhưng công việc để lại nhiều dấu ấn nhất và cũng được ghi nhận rộng rãi nhất chính là việc tham gia xây dựng và bảo vệ Luật Doanh nghiệp, văn bản được xem là quan trọng nhất đối với lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua.
Khi đó, việc ban hành cho được văn bản này là một thử thách lớn, và đã ra đời sau khi vượt qua hàng loạt cửa ải hết sức khó khăn. Trong hồi tưởng của ông Giá, có nhiều tình huống ban soạn thảo đã phải “mềm nắn rắn buông” với mục tiêu cuối cùng là ban hành cho được văn bản này.
Suốt ba năm liền, cứ mỗi thứ Sáu là ban soạn thảo ngồi lại thảo luận, phải tính toán vì nhiều tình huống nảy sinh. Và một trong những thông điệp quan trọng nhất của văn bản này, chính là tinh thần “được làm những gì pháp luật không cấm” thay vì “được làm những gì nhà nước quy định”.
Báo giới nói chung có nhiều ấn tượng tốt với ông Trần Xuân Giá. Uyên thâm, lịch lãm và phong độ, ông tạo cho báo giới cảm giác tôn trọng, tin cậy và kính phục. Dẫu cho, tinh ý thì cũng thấy, với trải nghiệm dày dặn của một chính khách, ông Giá có cách trả lời báo chí rất khôn khéo và kín kẽ.
“Nhân thân tốt”
Nhiều người từng ngạc nhiên khi ông Giá quyết định làm việc cho một doanh nghiệp cụ thể (ACB) sau khi về hưu, điều mà không bộ trưởng nào trước đó, dám và muốn làm. Từ ông, đã có một làn sóng nho nhỏ các quan chức bộ ngành đi làm cho doanh nghiệp sau khi nghỉ hưu, hoặc thậm chí “nhảy ngang”.
Trong một bài trả lời phỏng vấn vào thời điểm đó, ông đã có câu nói nổi tiếng “Ngồi ghế nào thì hành xử theo ghế đó”. Cũng trong bài phỏng vấn đó, ông nói trong quá trình làm quan chức, về mặt tài sản, ông không có tích lũy.
Giờ đây, nhiều người cũng ngạc nhiên khi nghe tin ông Trần Xuân Giá bị khởi tố, có lẽ cũng vì ám ảnh từ một hình ảnh đẹp về một vị bộ trưởng giỏi giang mà quên mất rằng ông đang ngồi một “ghế” khác. Dẫu cho, cơ quan điều tra cũng đã khẳng định ông Giá thuộc diện “nhân thân tốt” và được tại ngoại.
Trước thời điểm bị khởi tố, trả lời báo chí, ông nói mình có “bảo bối” để tự bảo vệ, đó là nguyên tắc “cái gì pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm”.
Hiện chưa rõ cựu Bộ trưởng sẽ sử dụng bảo bối này như thế nào trong suốt quá trình tố tụng sắp tới, nhưng điều có thể chắc chắn là thanh danh từ quá khứ hào hùng đã ảnh hưởng ít nhiều. Có lẽ, nhiều người có cảm giác tiếc nuối cho ông...