11:27 08/05/2021

CEO Lê Gia: Nước mắm truyền thống cần một sân chơi công bằng và truyền thông minh bạch

Sau 5 năm khởi nghiệp với dự án sản xuất nước mắm truyền thống, mái tóc doanh nhân Lê Anh thuộc thế hệ 8X đã điểm nhiều sợi bạc...

Ông Lê Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mắm Lê Gia.
Ông Lê Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mắm Lê Gia.

Thế nhưng, vị CEO này lại tràn ngập niềm vui khi sản phẩm gắn thương hiệu Mắm Lê Gia đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường đầy cạnh tranh, nhất là đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng sành ăn, khó tính.

Trong buổi trò chuyện với VnEconomy, ông Lê Anh đã cởi mở trải lòng về cuộc hành trình gian nan khi dứt áo, rời bỏ phố phường đô hội tìm về quê khởi nghiệp.

"Tôi hy vọng, sẽ có thêm những doanh nghiệp, những người trẻ làm mắm, yêu nước mắm để nghề truyền thống này phát triển".
"Tôi hy vọng, sẽ có thêm những doanh nghiệp, những người trẻ làm mắm, yêu nước mắm để nghề truyền thống này phát triển".

Gần đây, Lê Anh là cái tên được nhắc tới khá nhiều trên báo chí, mạng xã hội khi ông từ bỏ công việc với mức lương tháng hàng ngàn USD để về khởi nghiệp làm nước mắm truyền thống. Nếu được chọn lại, liệu ông có đi trên con đường cũ đó không?

Ai khởi nghiệp mà chẳng phải lao tâm khổ tứ. Tôi đã chọn một lĩnh vực khó, đó là sản xuất nông nghiệp - làm mắm truyền thống. Vì vậy, mọi tâm huyết, trí lực, tài lực và sức khỏe của tôi đều dành cho “đứa con tinh thần” này.

Dù đây là nghề truyền thống của gia đình, của quê hương nhưng để gìn giữ, phát huy là điều không đơn giản. Khi bắt tay vào, mọi thứ với tôi gần như là số không trống rỗng, chỉ duy nhất trong mình ấp ủ một tình yêu với nghề mắm truyền thống của cha ông. Cùng một lúc tôi phải tự giải rất nhiều bài toán của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Tức là vừa đầu tư sản xuất, vừa phân phối bán hàng trong một thị trường rất ít cơ hội cho người chậm chân đi sau, thế nên mọi thứ thật là khó khăn. Tôi vẫn nhớ những ngày nằm liệt giường vì cột sống thoát vị do cường độ lao động, đầu óc căng thẳng, rồi những ngày chạy đôn đáo xoay xở tiền bạc để trả nợ.

Nhưng với tôi, làm mắm thực sự là công việc tôi yêu thích, nó mang lại rất nhiều cảm xúc, đặc biệt là đến giờ tôi có thêm nhiều niềm vui khi những sản phẩm đầu tay của mình đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính, lên kệ hầu hết các siêu thị lớn và được người tiêu dùng đón nhận. Bởi vậy, dù có vất vả thế nào tôi cũng không thay đổi quyết định của mình. Giả sử nếu quay ngược thời gian thì chắc chắn tôi vẫn sẵn sàng bỏ việc về quê làm nghề mắm. Tôi cảm thấy vui vì những gì mình đã và đang làm được.

Cả ông và vợ đều rất nỗ lực làm truyền thông, đặc biệt trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nó cũng tiêu tốn quá nhiều thời gian, ông có công nhận như vậy không?

Trong giai đoạn khởi nghiệp thì CEO - nhà sáng lập, là người phải làm tất tần tật mọi việc (Chief of Everything Officer), mục đích duy nhất là sống sót và tồn tại. Để doanh nghiệp không bị chết yểu, điều quan trọng nhất là sản phẩm phải có được sự ủng hộ của khách hàng mục tiêu.

CEO  Lê  Anh: "Với tôi, làm mắm thực sự là công việc tôi yêu thích".
CEO  Lê  Anh: "Với tôi, làm mắm thực sự là công việc tôi yêu thích".

Khi khởi nghiệp, bài toán đặt ra là với nguồn lực ít ỏi phải làm sao để làm ra được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, quan trọng hơn là được khách hàng biết đến, tin tưởng và thử sử dụng. Việc họ quay lại mua nhiều lần rồi trở thành khách hàng trung thành lại là câu chuyện của chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng. Và người sáng lập bao giờ cũng phải là người bán hàng và truyền thông giỏi nhất trong công ty giai đoạn khởi nghiệp. Lý do dễ hiểu là họ hiểu, yêu sản phẩm mình làm ra.

Ngay từ khi bắt đầu đến nay, chúng tôi vẫn giữ triết lý về truyền thông và bán hàng: “Mâm cơm của khách hàng là mâm cơm của chính gia đình chúng tôi”. Những gì bán cho khách cũng là những gì chúng tôi ăn hàng ngày. Chính vì vậy, việc truyền thông sản phẩm chúng tôi cũng coi nó đơn giản là những cuộc trò chuyện của những người trong gia đình với nhau.

Một lý do nữa, những khách hàng đầu tiên của chúng tôi là bạn bè, người thân trong vòng tròn kết nối gần nhất qua mạng xã hội. Những người đã lựa chọn tin tưởng và ủng hộ chúng tôi và chính những người đó đã góp phần lan tỏa giới thiệu đến nhiều người khác. Trong những thời khắc khó khăn và mệt mỏi nhất, đôi khi chỉ cần nhớ lại những tình cảm và lời động viên của mọi người, chúng tôi lại thêm niềm tin vào công việc mình theo đuổi.

"Từ hồi làm mắm, cuộc sống của tôi luôn có vị mắm mặn mòi thường trực trong đầu và trong suy nghĩ".
"Từ hồi làm mắm, cuộc sống của tôi luôn có vị mắm mặn mòi thường trực trong đầu và trong suy nghĩ".

Từ hồi làm mắm, cuộc sống của tôi luôn có vị mắm mặn mòi thường trực trong đầu và trong suy nghĩ, nên những nội dung trên mạng xã hội hay liên quan đến mắm truyền thống, chứ không phải vì mục đích truyền thông. Song, thật may mắn, những chia sẻ luôn nhận được nhiều đồng cảm từ phía mọi người.

Thời gian qua, Lê Gia được công nhận là sản phẩm OCOP của Thanh Hóa (chương trình mỗi xã một sản phẩm) với cấp độ 4 sao. Đặc biệt, Lê Gia có hai sản phẩm là nước mắm và mắm tôm trong danh sách 43 sản phẩm được các tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định công nhận OCOP 5 sao quốc gia. Lê Gia đã được chính quyền địa phương và ngành chức năng hỗ trợ như thế nào?

Sản phẩm OCOP là sản phẩm không chỉ được đánh giá trên tiêu chí chất lượng mà hơn hết, nó còn là sản phẩm mang đậm chất văn hóa bản địa, có tính cộng đồng và có tính tác động xã hội.

Bây giờ giải thưởng có rất nhiều, tuy nhiên OCOP là một vinh hạnh mà tôi nghĩ, rất nhiều thương hiệu muốn hướng tới. OCOP là danh hiệu được xét duyệt gắt gao bởi hội đồng tuyển chọn. Hội đồng xét duyệt chắc chắn cũng đã nhìn thấy những cố gắng của chúng tôi trong việc nỗ lực gắn bó với quê hương, đồng hành và thúc đẩy cùng cộng đồng địa phương và chuỗi giá trị của nông sản nơi doanh nghiệp chúng tôi đứng chân.

Nhờ tham gia chương trình OCOP, các hoạt động xúc tiến, thương giao của chúng tôi được thuận lợi hơn. Các đối tác, nhất là các siêu thị, cũng đã tạo điều kiện hơn trong việc tiếp nhận và xem xét mở mã hàng, vốn là điều tương đối khó với những doanh nghiệp SME, truyền thống. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các ban ngành, con đường xúc tiến, phát triển sản phẩm OCOP được thuận lợi hơn trông thấy.

"Từ hồi làm mắm, cuộc sống của tôi luôn có vị mắm mặn mòi thường trực trong đầu và trong suy nghĩ".
"Từ hồi làm mắm, cuộc sống của tôi luôn có vị mắm mặn mòi thường trực trong đầu và trong suy nghĩ".

Được biết, công ty của ông đang thành lập xưởng sản xuất quy mô lớn. Nhưng mở ra sản xuất lớn đồng nghĩa với việc quản lý chất lượng sản phẩm sẽ khó khăn hơn. Ông đã chuẩn bị gì và làm thế nào để bước tiếp trên chặng đường mới này?

Cái khó của nước mắm truyền thống là thời gian sản xuất để cho ra một mẻ sản phẩm thường rất lâu, có khi kéo dài đến hai năm. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất như nhà xưởng, thùng gỗ, nguyên liệu, nhân công... cũng khá tốn kém. Nếu không cố gắng đầu tư thì sẽ khó đảm bảo được chất lượng, tính ổn định của sản phẩm.

Tôi lấy ví dụ, mỗi thùng gỗ ủ mắm chứa hàng chục tấn cá, không phải cứ kéo rút nước mắm từng thùng rồi đóng chai, mà chúng tôi phải kéo rút liên hoàn qua hệ thống 5-7 thùng chượp. Sau đó chọn ra thùng có hương vị tốt nhất làm thùng giá (giống men cái) để cho sản phẩm đạt hương vị và chất lượng tương đối đều nhưng hoàn toàn tự nhiên.

Khi nhà xưởng được đầu tư quy mô, bài bản hơn, chắn chắn sẽ cho ra những sản phẩm mắm chất lượng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng tới làm những gia vị tự nhiên từ biển với các giá trị lõi mà Lê Gia đang xây dựng. Đó là sản phẩm đảm bảo sự tự nhiên, thanh khiết và có hương vị truyền thống, ví như hạt nêm hải sản, mắm nêm ăn liền, mắm ruốc xào, dầu cá cho trẻ em.

 

Hiện nay, nếu tính ngành sản xuất kiểu nước mắm truyền thống thì cả nước có gần 3.000 cơ sở sản xuất nằm dọc bờ biển nước ta. Nhưng 3.000 cơ sở này cũng chỉ chiếm chưa tới 20% thị phần. Có những thời điểm, của nghề nước mắm truyền thống tưởng chừng bị xóa sổ. Nhìn vào thế hệ trẻ, hầu như rất ít người ăn nước mắm truyền thống. Lứa tuổi học sinh thậm chí ăn xì dầu, tương ớt. Xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh và đó là bức tranh không mấy sáng sủa ngành nước mắm truyền thống.

Ông có tin rằng với sự cố gắng từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa như Lê Gia, một ngày nào đó, mắm truyền thống sẽ hồi sinh, trỗi dậy, giành được thị phần lớn?

Chúng tôi khởi nghiệp với mắm truyền thống Lê Gia đến nay cũng đã 5 năm nhưng vẫn chưa qua điểm hòa vốn, vì đặc thù cạnh tranh khốc liệt, đầu tư lớn, thị phần eo hẹp. Bản thân nước mắm truyền thống cũng cần thay đổi theo hướng mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Nhưng nước mắm truyền thống cần được tạo sân chơi công bằng, cần được truyền thông minh bạch để người tiêu dùng có thêm thông tin đúng để từ đó quyết định lựa chọn.

Nước mắm truyền thống gắn liền với cuộc sống của tầng lớp có thể coi là yếu thế trong xã hội như ngư dân, diêm dân, người lao động tại làng chài ven biển cũng như những gia đình thu nhập trung bình và thấp ở thành phố. Nếu mắm truyền thống không tìm được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường thì những đối tượng trên sẽ là những người bị thiệt thòi nhất. Nhìn ở chiều sâu hơn, mắm chính là linh hồn trong văn hóa ẩm thực của người Việt, mắm gắn liền với hồn cốt dân tộc, văn hóa ẩm thực cha ông. Quả thực rất đáng tiếc nếu như nghề mắm truyền thống bị mai một, lãng quên dần.

Tôi hy vọng, sẽ có thêm những doanh nghiệp, những người trẻ làm mắm, yêu nước mắm để nghề truyền thống này phát triển và có được chỗ đứng vững chắc hơn nữa trên thị trường cũng như trong tâm thức khách hàng.