14:00 20/07/2022

Các CFO ASEAN chưa bắt đầu chuyển đổi trong lĩnh vực chủ chốt của bộ phận tài chính

Khánh Vy

Phần lớn các giám đốc tài chính (CFO) hiểu được sự cần thiết của việc chuyển đổi trong lĩnh vực chủ chốt của bộ phận tài chính nhằm giải quyết những vướng mắc trong trạng thái bình thường mới nhưng các CFO vẫn chưa bắt đầu quá trình này…

Các CFO tập trung vào các ưu tiên dài hạn để trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng được các nhu cầu kinh doanh phát sinh.
Các CFO tập trung vào các ưu tiên dài hạn để trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng được các nhu cầu kinh doanh phát sinh.

Kết quả Báo cáo “Những vấn đề cần bàn của CFO ASEAN 2021: Định hình lại tương lai tài chính”cho thấy, phần lớn các CFO đều hiểu được sự cần thiết của việc chuyển đổi trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt khi vai trò của tài chính chuyển hướng sang thành cung cấp hiểu biết tài chính.

ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG VÀ KINH DOANH LIÊN TỤC

Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của các lĩnh vực chủ chốt như tài chính doanh nghiệp (38%), giám sát rủi ro và tuân thủ (46%), phân tích và quản lý dữ liệu (44%), nhưng vẫn còn hơn 25% CFO tham gia khảo sát vẫn chưa bắt đầu chuyển đổi trong các lĩnh vực này.

Ông Timothy Ho, Lãnh đạo chương trình Giám đốc tài chính của Deloitte Đông Nam Á cho biết hầu hết các CFO Đông Nam Á đều đặt trọng tâm ban đầu là đảm bảo hoạt động và kinh doanh liên tục. Năm nay, các CFO tập trung vào các ưu tiên dài hạn để trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng được các nhu cầu kinh doanh phát sinh.

“Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thay đổi cơ bản, các giám đốc tài chính và bộ phận tài chính bắt buộc phải chuyển trọng tâm từ hoạt động tài chính sang những hiểu biết tài chính chuyên sâu, và tập trung vào phát triển các vị trí tài chính mới và bộ kỹ năng kèm theo, chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai”.

Cũng theo khảo sát của Deloitte, hình thức làm việc từ xa không còn là giải pháp tạm thời, với 73% đối tượng tham gia khảo sát cho biết tổ chức của họ sẽ tiếp tục áp dụng hình thức làm việc từ xa và có khả năng sử dụng hình thức này là một cách để tuyển dụng nhân tài cho đội ngũ tài chính.

Ngoài ra, một động lực thúc đẩy hình thức làm việc từ xa là thực trạng thiếu kỹ năng. Ngay cả khi các CFO trong khu vực đã thích ứng với lực lượng lao động từ xa đến từ nhiều khu vực địa lý khác để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng, họ vẫn sẽ cần xem xét cách thức đội ngũ tài chính của mình có thể phát triển hoặc được bổ sung các kỹ năng đa dạng hơn và về cơ bản định hình lại vai trò của tài chính đối với tổ chức của họ trong tương lai.

CUNG CẤP NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH THẾ HỆ MỚI

Từ những phân tích kết quả khảo sát, Deloitte cho rằng có 3 ưu tiên các CFO cần thực hiện để đội ngũ tài chính có thể cung cấp nguồn lực tài chính thế hệ mới ngày càng được nâng cao.

Thứ nhất, xây dựng tầm nhìn chuyển đổi tài chính.

Những CFO muốn tăng khả năng sẵn sàng hoạt động trong trạng thái bình thường mới cần hiểu sự phối hợp cần thiết giữa con người và công nghệ để đáp ứng những kỳ vọng đang thay đổi, cập nhật vị trí và mô tả công việc, và quan trọng là đảm bảo nhân tài của họ ở chế độ sẵn sàng.

“Điều này đòi hỏi một tầm nhìn chuyển đổi tài chính đầy tham vọng nhưng thực tế, trong đó nêu rõ những khoản đầu tư công nghệ nào cần được ưu tiên, xác định nhân tài có khả năng phát triển, và quyết định phương pháp tốt nhất để nâng cao kỹ năng”, báo cáo nhấn mạnh.

Thứ hai, xác định các vị trí trong tương lai.

Các vị trí trong đội ngũ tài chính trong tương lai có thể chia thành ba nhóm chính: người kể chuyện, người diễn giải và quản lý máy.

Những vị trí này có thể khác nhau trên nhiều phương diện, bao gồm cả sự khác biệt về các kỹ năng cần thiết cũng như trong sự kết hợp giữa con người và máy móc. Ngay cả khi phụ thuộc nhiều vào máy móc, những vị trí này chưa chắc đã có thể được được thay thế hoàn toàn bằng tự động hóa.

Điều này có nghĩa là nhân sự trong bộ phận tài chính sẽ được yêu cầu hoạt động theo những phương pháp mới và khác biệt; trong đó, sự sáng tạo, trực giác và khả năng phán đoán vẫn được giữ ở vị trí cao trong chuỗi giá trị của con người.

Thứ ba, quyết định xây dựng, mượn hoặc mua.

Theo Deloitte, thông thường, bản năng đầu tiên của các CFO là nâng cao kỹ năng cho đội ngũ của mình thông qua đào tạo và phát triển để xây dựng lực lượng lao động có các năng lực mới, sẵn sàng hướng đến tương lai.

Mặc dù, nâng cao kỹ năng nên là một phần của mọi kế hoạch phát triển con người, nhưng có thể chưa đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu về nhân tài trong tương lai.

Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là các CFO cần tiếp tục tuyển dụng những năng lực mới có thể có sẵn trong tổ chức, nhưng không có trong đội ngũ tài chính.

“Do đó, các CFO nên tìm kiếm ngay trong tổ chức để quyết định liệu họ có thể mượn hoặc chia sẻ với các phòng ban khác những nhân viên có đủ các kỹ năng cần thiết”, báo cáo khuyến nghị.