08:41 01/05/2021

Đầu tư startup không chỉ dùng lý trí

Đỗ Lan

“Khó có thể đưa ra một danh sách các tiêu chí để lựa chọn startup. Quỹ của chúng tôi sẽ xem xét nhiều khía cạnh khác nhau từ thị trường, mô hình kinh doanh, tính cạnh tranh cho đến đội ngũ sáng lập..."

Nữ doanh nhân Mai Hồ, Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư mạo hiểm Hustle Fund
Nữ doanh nhân Mai Hồ, Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư mạo hiểm Hustle Fund

“Khó có thể đưa ra một danh sách các tiêu chí để lựa chọn startup. Quỹ của chúng tôi sẽ xem xét nhiều khía cạnh khác nhau từ thị trường, mô hình kinh doanh, tính cạnh tranh cho đến đội ngũ sáng lập..."

Đó là những chia sẻ của nữ doanh nhân Mai Hồ - người vừa lọt vào danh sách Forbes Under 30 Asia, với VnEconomy trong câu chuyện về quá trình đầu tư, học tập cũng như khởi nghiệp của mình.

STARTUP Ở ĐÔNG NAM Á KHÔNG PHẢI LÀ CẠNH TRANH “ĐƯỢC ĂN CẢ, NGÃ VỀ KHÔNG”

Từng giữ vị trí cao ở các tập đoàn lớn như UVF, Goldman Sachs, cơ duyên nào đưa chị đến Hustle Fund?

Sự kết nối với Hustle Fund cũng hết sức tình cờ. Sau khi kết thúc “duyên nợ” với công ty khởi nghiệp BigBalo của mình, tôi tham gia vào việc đầu tư thiên thần (angel investing) và tư vấn cho các công ty khởi nghiệp với mong muốn có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Trong một lần cà phê với một đồng nghiệp cũ và chia sẻ các dự án tôi đang làm, bạn ấy ngỏ ý giới thiệu tôi với Elizabeth Yin, một đối tác của Hustle Fund.

Biết được Quỹ Hustle Fund đang có tham vọng mở rộng vào thị trường Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, đồng thời quỹ cũng đang tìm những nhà sáng lập khởi nghiệp có tinh thần “xông pha, chịu khó”, tôi đã đồng ý tham gia với vai trò là nhà đầu tư của Hustle Fund, phụ trách thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.

Hiện có nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang hiện diện tại Việt Nam. Hustle Fund đối mặt với cuộc cạnh tranh giữa các quỹ đầu tư như thế nào?

Thật ra, Hustle Fund không quan niệm rằng đầu tư khởi nghiệp ở thị trường Đông Nam Á là một cuộc canh tranh “được ăn cả, ngã về không”.
Mô hình đầu tư của quỹ thường ở giai đoạn sớm (pre-seed), và khoản đầu tư của quỹ thường cùng lúc với những nhà đầu tư thiên thần. Vì đầu tư giai đoạn sớm và với khoản đầu tư tương đối nhỏ (25.000 – 50.000 USD), quỹ có thể đưa ra quyết định rất nhanh chóng (vài tuần thay vì vài tháng).

Những nhà đầu tư của Quỹ Hustle đều từng là những nhà khởi nghiệp, nên hiểu rõ những khó khăn ban đầu ở giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường của các startups. Từ đó giúp các startup giải những bài toán về sản phẩm đưa ra thị trường như thế nào, cách tăng trưởng cũng như mô hình phát triển bền vững. Ở bước này, quỹ sẽ tiếp tục giới thiệu, hỗ trợ và đầu tư cùng với các quỹ lớn hơn ở giai đoạn seed/series A.

Nhiều người cho rằng công việc tại các quỹ đầu tư là “hào nhoáng” và chỉ cần “cầm tiền đi đầu tư”. Thực tế, theo chị, công việc này có màu hồng như vậy không?

Kinh nghiệm của tôi thì không. Nguồn tài chính cũng như thời gian đều có hạn. Nhất là khi đầu tư ở giai đoạn pre-seed, thông tin hoạt động của các startup gần như không có sẵn. Do đó, ngoài việc phải tiếp xúc, nói chuyện với hàng trăm công ty, nhà đầu tư còn phải liên tục tìm hiểu thị trường, mô hình kinh doanh, khoa học công nghệ... Để đưa ra quyết định đầu tư vào một startup, các đối tác của quỹ phải cùng tìm hiểu, tranh luận để đưa ra quyết định cuối cùng.

Một trong những điều khó khăn nhất là khi phải đưa “lời từ chối” cho các startup vì mình từng là startup, đi kêu gọi vốn.

Thêm vào đó, tỉ lệ thành công để trở thành kỳ lân của startup là 1 trong 10. Nên trong quá trình đầu tư, cũng đã nhìn thấy nhiều công ty thất bại, đóng cửa. Chấp nhận và chia sẻ thất bại với startup cũng không dễ dàng gì, dù đóng vai trò nhà đầu tư.

KHÓ ĐƯA RA TIÊU CHÍ LỰA CHỌN CHO STARTUP

Nữ doanh nhân Mai Hồ - người vừa lọt vào danh sách Forbes Under 30 Asia.
Nữ doanh nhân Mai Hồ - người vừa lọt vào danh sách Forbes Under 30 Asia.

Tại Việt Nam, được biết, Hustle Fund đã đầu tư vào các startup như ứng dụng sách nói Fonos, xe máy điện Dat Bike, hay công ty truyền thông Vietcetera. Vậy tiêu chí mà Hustle Fund chọn các startup như thế nào?

Hustle đầu tư vào công ty công nghệ ở giai đoạn pre-seed. Quá trình tìm hiểu bắt đầu với việc startup nộp đơn trên website hoặc qua giới thiệu của một mối quan hệ chung.

Đầu tư startup không chỉ dùng lý trí, mà còn là một nghệ thuật nữa. Cho nên khó có thể đưa ra một danh sách các tiêu chí lựa chọn startup. Như tôi đã nói ở trên, quỹ xem xét nhiều khía cạnh khác nhau từ thị trường, mô hình kinh doanh, tính cạnh tranh, cho đến đội ngũ sáng lập.

Quỹ không quan trọng màu da, giới tính, hay trường đại học mà bạn tốt nghiệp, mà xem xét khả năng nhạy bén nhận định thị trường của startup cũng như những điểm nổi bật của mô hình kinh doanh để khiến công ty có thể thành công.

Theo chị, Việt Nam có phải là thị trường màu mỡ cho các nhà đầu tư?

Thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng về mặt nhân lực, tài năng và chất xám. Thêm vào đó, nền kinh tế, dân số, và sự thúc đẩy của Nhà nước cũng rất thuận lợi cho startups phát triển.

Tuy nhiên, startup Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, đa phần đều khởi nghiệp lần đầu. Điều này đồng nghĩa với việc các mô hình kinh doanh còn chưa mang tính độc lập, sáng tạo và founders cũng dễ mắc phải nhiều sai lầm.

Các startup mà Hustle Fund đã đầu tư tại Việt Nam, kết quả thế nào? Và hướng đi sắp tới của Hustle sẽ như thế nào để có thể khai thác tốt nhất tại thị trường Việt Nam?

Trong số các công ty quỹ đã đầu tư, có một số thành công nhất định ban đầu như Vietcetera, Dat Bike và Fonos. Các công ty này đã chứng minh được phần nào lực đòn bẩy mô hình kinh doanh của họ qua sự phát triển từng ngày, cũng như khả năng lãnh đạo của đội ngũ sáng lập qua việc thu hút tài năng và nguồn vốn đầu tư các vòng sau. Hustle Fund rất tự tin và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào Việt Nam.

NẾU CÓ CƠ HỘI ĐỂ HỌC HỎI KHÔNG NÊN BỎ QUA

Ở tuổi 29, chị có “profile rất khủng” và thực sự đáng nể đối với rất nhiều bạn trẻ. Chị có tự hào về bản thân mình?

Tôi nghĩ cuộc sống là một quá trình phấn đấu không ngừng để phát triển bản thân, tạo nên và bảo vệ những giá trị mà mình trân trọng.

 

Lúc nhỏ, tôi rất hay so sánh mình với bạn bè trang lứa, nghĩ là sao mình chưa giỏi cái này, chưa đạt được cái kia. Nhưng sau rất nhiều năm học hỏi, làm việc, tôi cảm thấy rằng so sánh bản thân mình không mang lại lợi ích gì cả.

Nữ doanh nhân Mai Hồ - người vừa lọt vào danh sách Forbes Under 30 Asia

Tôi không mong muốn các bản trẻ đem tôi ra so sánh với bản thân mình, mà chỉ mong câu chuyện của mình giúp các bạn trẻ hiểu rằng con đường phát triển sự nghiệp, cuộc sống không phải là đường thẳng. Đó là một con đường vòng vèo, chông gai, mà đôi khi phải qua nhiều ngã rẽ, mình mới hiểu được mình muốn gì và cần gì.

Thêm vào đó, tôi nghĩ những cột mốc sự nghiệp cũng chỉ là một phần của giá trị một con người mà thôi. Cho nên mặc dù đã đạt được những cột mốc đáng tự hào, tôi vẫn mong muốn luôn tìm được cảm hứng để tiếp tục theo đuổi những giá trị cuộc sống mà mình trân trọng.

Đối với các bạn trẻ, tôi mong các bạn có đủ dũng khí để thử thách bản thân, chọn một con đường không bằng phẳng để xây dựng kinh nghiệm và tìm lối đi cho riêng mình.

Rất nhiều bạn trẻ đi du học, rồi ở lại luôn nước ngoài làm việc. Nhưng gần đây rất nhiều bạn trẻ đã quay về Việt Nam, vì nhiều lý do, trong đó có câu chuyện môi trường làm việc đã được cải thiện, có nhiều cơ hội... Câu chuyện của chị thì sao?

Tôi thấy đây là một lựa chọn rất riêng của mỗi người. Ở mỗi môi trường đều có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau.

Đối với tôi, hơn 10 năm học tập, làm việc và sinh sống ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho mình phát triển sự nghiệp, độc lập bản thân và mở rộng tầm nhìn rất nhiều. Chính những kinh nghiệm và các mối quan hệ ở nước ngoài lại quay ngược trở lại tạo điều kiện cho tôi quay lại quê hương, rót nguồn vốn đầu tư nước ngoài phát triển thị trường trong nước.

Tôi nghĩ câu nói của ông bà ta ngày xưa “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vẫn rất đúng cho đến ngày hôm nay.

Tôi nghĩ các bạn trẻ nếu có cơ hội đến một quốc gia khác để học hỏi, so sánh thì không nên bỏ qua. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tìm cơ hội thử thách để không ngừng phát triển bản thân và tạo giá trị cho xã hội, dù ở nước ngoài hay ở Việt Nam.