12:37 15/10/2021

Đại dịch Covid-19 là “chất men” xúc tác chuyển đổi số, đòn bẩy mở rộng kinh doanh cho doanh nghiệp nữ

Anh Tú

87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại là “chất men” xúc tác, là đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế…

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.
Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.

Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức của phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 15/10, tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nhân nữ và cho rằng: “Không đứng ngoài cuộc, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phấn đấu hiện thực hoá các mục tiêu của chương trình chuyển đối số quốc gia”.

KHÔNG ĐỨNG NGOÀI CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, từ hoạt động quản lý điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến phương thức sống và làm việc của người dân. Đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP là 30%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%...

 
Theo báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard công bố năm 2021, có đến 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, xếp thứ 9/58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, khẳng định doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã và đang đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam và nhiều quốc gia, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ đang gia tăng về số lượng nhanh hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Không đứng ngoài cuộc chuyển đối số quốc gia và chiếm đến 50% trong các hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang phấn đấu hiện thực hoá các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Để tạo điều kiện cho phụ nữ thời đại kỷ nguyên số, Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp thu hẹp khoảng cách giới, trao quyền cho phụ nữ phục hồi sau đại dịch và trong tương lai.

Năm 2020 cũng chứng kiến nhiều khó khăn bủa vây vì đại dịch, khiến 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ Covid-19.

"Đại dịch Covid-19 được xem là “chất men” xúc tác cho chị em phụ nữ ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số, là đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế", bà Thảo nhấn mạnh. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bước đầu thành công trong sản xuất kinh doanh, hạt nhân lan toả tinh thần chuyển đổi số, là vaccine góp phần giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch, sẵn sàng sống chung với dịch, tự tin bước ra thị trường, không gian số, phát huy bản lĩnh phụ nữ Việt Nam.

 "CÚ HUÝCH" BUỘC DOANH NGHIỆP PHẢI THÍCH ỨNG

Theo ông Bùi Huy Hoàng, chuyển đổi số và thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu. Đặc biệt, đứng trước những khó khăn và thách thức của thời đại 4.0 và diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhìn dưới góc độ tích cực, lại trở thành “cú huých” lớn khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách vận hành để thích ứng và tồn tại với thời cuộc.

 
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương.

“Sự phát triển của Internet và các biến động từ dịch bệnh khiến đời sống xã hội có nhiều xáo trộn, hành vi người tiêu dùng cũng dần thay đổi khi khách hàng dần chuyển từ hình thức mua sắm truyền thống qua mua sắm trực tuyến, quản bá truyền thống sáng quảng bá truyền thông đa phương tiện, đa kênh, vận hành và thay đổi mô hình quản lý ứng dụng công nghệ”.

Nhờ “áp lực” từ đại dịch, có 57% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trực tuyến trong 2020 đạt hiệu quả tốt.

Đây là kết quả đáng ghi nhận, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, hộ tác xã cũng dần thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong kinh doanh và đã nhanh chóng hoà mình vào xu thế.

Đại dịch thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn cả về hạ tầng lẫn viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

Các giao dịch mua bán hàng hoá online và thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh. Lượng đặt hàng qua hình thức trực tuyến năm 2020 tăng đột biến 57% so với cùng kỳ năm 2019.

Phối hợp với các doanh nghiệp và trên 20 tỉnh thành phố khắp cả nước, Bộ Công thương đã triển khai thành công chương trình “Gian hàng Việt” và các sự kiện thúc đẩy tiêu thụ nông sản vùng miền.

Dù khốn khó trong tâm dịch, nhưng vải thiều Bắc Giang lần đầu được lên sàn thương mại điện tử, được người tiêu dùng đón nhận với số lượng trên 6 sàn thương mại điện tử lớn gần 1 triệu đơn, tiêu thụ trên 9.000 tấn vải. Với cách làm bài bản và những tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng, vải thiều Bắc Giang có cơ hội xuất khẩu hơn 3 tấn sang châu Âu qua sàn thương mại điện tử Voso Global.

Với sản phẩm trà xanh được gắn  4 “sao” tại chương trình OCOP Quốc gia, mang tên “Mỗi xã, phường một sản phẩm” bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Thái Minh cho biết để đạt được chứng nhận, các sản phẩm trà Thái Minh phải vượt qua nhiều lần đánh giá theo các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Quốc gia.

Không chỉ phát triển thị trường trong nước, bà Thảo cho biết nhờ ứng dụng công nghệ trong quản lý, kinh doanh, Thái Minh có thể mở rộng đối tượng khách hàng và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Hợp tác xã Thái Minh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy suất nguồn gốc, từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông để tăng độ tin cậy và uy tín cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, “cần thay đổi tư duy linh hoạt, thích ứng với thay đổi, thích ứng công nghệ số", Giám đốc Hợp tác xã Thái Minh nhấn mạnh.

NHIỀU KHÓ KHĂN "CẢN BƯỚC" DOANH NHÂN NỮ

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại diễn đàn, còn nhiều rào cản khiến mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 35% trong năm 2020 đã không đạt được. Mặt khác, từ yếu tố khách quan, năm 2020 cũng chứng kiến nhiều khó khăn bủa vây vì đại dịch, khiến cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải đối mặt nhiều khó khăn.

Theo ông Bùi Huy Hoàng, phụ nữ gặp khó khăn về vốn tài chính, gặp gỡ đối tác, hạn chế tiếp cận xu hướng công nghệ cũng như ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Áp lực số hoá đi kèm với trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái, là một trong những khó khăn của phụ nữ khu vực châu Á”.

“Chiếm một tỷ lệ ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, các nữ doanh nhân cần phải thay đổi cách nhìn, tư duy kinh doanh và có hành động kịp thời để chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Đồng ý quan điểm trên, dựa trên số liệu khảo sát của Tập đoàn Sovico tại 3 thành phố TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, ông Vuơng Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc phụ trách công nghệ và sản phẩm, Công ty Galaxy One, Tập đoàn Sovico, cho biết trong quá trình tham gia kinh doanh trên thương mại điện tử, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ do gặp nhiều khó khăn tiếp cận nguồn vốn nên ngại rót vốn đầu tư tham gia các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng thiếu nhân sự trong việc duy trì nội dung thường xuyên trên website. Bên cạnh đó là nỗi lo về nguy cơ tấn công mạng, rủi ro thanh toán online. Tuy nhiên, “dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm trên internet ít hơn nam giới, nhưng lại đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn”, ông Đức khẳng định.