Đầu tư chứng khoán: Tôi vẫn ngoài cuộc...
“Tôi hội đủ các điều kiện để tham gia thị trường, thậm chí có nhiều ưu thế so với nhiều nhà đầu tư khác, nhưng tôi vẫn ngoài cuộc...”
“Tôi hội đủ các điều kiện để tham gia thị trường, thậm chí có nhiều ưu thế so với nhiều nhà đầu tư khác, nhưng tôi vẫn ngoài cuộc...”.
Đó là điểm chung của nhiều nhân vật mà VnEconomy tiếp xúc. Họ là những trường hợp rất bình thường, nhưng cũng có thể xem là một “hiện tượng” trong bối cảnh thị trường chứng khoán nóng sốt như hiện nay.
Lần này ra Hà Nội, ông mang theo một bản kế hoạch nghiên cứu tâm huyết để trao đổi với giới chức tài chính Việt Nam, trong đó có cả những nghiên cứu chuyên sâu về chứng khoán.
Ông, cũng như một số người khác, có một bản CV khá ấn tượng: 6 năm làm việc trong một ngân hàng thương mại và cũng có chừng ấy năm du học và nghiên cứu về thị trường vốn quốc tế. Hiện ông công tác tại một tổ chức nghiên cứu tài chính hàng đầu trên thế giới, có văn phòng tại Việt Nam.
Công việc hàng ngày của ông thường xuyên liên quan đến chứng khoán. Sau 15 năm lập nghiệp, ông cũng đã có lưng vốn kha khá; cũng là ngần ấy năm nghiên cứu về tài chính - chứng khoán và bám sát với thị trường Việt Nam kể từ khi ra đời. Công việc và quan hệ cũng đã tạo cho ông những đầu mối thông tin quan trọng.
Trong những trao đổi riêng tư và công việc với phóng viên, những cảm nhận của ông về thị trường luôn có một sự tinh tế và chính xác mà rất nhiều nhà đầu tư muốn có. Vậy sao đến thời điểm này, khi mà thiên hạ gần như đang "ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán", ông vẫn là người ngoài cuộc?
“Tôi không chê tiền, đó là một lực hút khó ai có thể từ chối. Chứng khoán cũng vậy, nhiều ma lực. Khi đã tham gia thì phải sống với những con số, luôn phải mài sắc các giác quan. Đó là một nghề đòi hỏi khắt khe về thời gian và sự đầu tư công sức nghiêm túc”, ông nói.
Thu nhập trên chục triệu mỗi tháng, ông bảo hài lòng về mức sống hiện tại. “Tôi thấy một khi đã bỏ đồng tiền của mình vào thị trường thì không thể không mất ăn, mất ngủ, mất tập trung cho công việc chính hiện tại, cho trách nhiệm mà mình đang đảm đương”.
Cứ cho là “kiêm nhiệm” như nhiều công chức hiện nay, vừa làm việc cơ quan vừa tranh thủ đánh sàn, nhưng theo ông đó là đường đi chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Mà chứng khoán níu chân như cờ bạc, khó dứt.
Bây giờ, với khả năng và những ưu thế so với nhiều nhà đầu tư khác, nếu ông tham gia thị trường, điều gì sẽ xẩy ra?
Rất có thể là thắng lớn, nhất là trong bối cảnh “tạm thời mọi người vẫn đều đang thắng” như hiện nay, theo lời ông. Rất có thể là công việc và trách nhiệm với cơ quan sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng quan trọng hơn, rất có thể lượng tiền kiếm được từ thị trường sẽ làm ông thay đổi.
“Có nhiều tiền thì suy nghĩ của anh có thể khác. Anh không còn bằng lòng khi ăn sáng với bát bún riêu 5.000 đồng, và có thể phát sinh nhiều nhu cầu mới, ở mức độ mới. Và tôi sợ khi đó tôi sẽ quay lại cân nhắc mức lương của mình hiện tại, cân nhắc tới những bản nghiên cứu hàng năm trời mà không thu về lợi nhuận cá nhân. Tôi nói thế không có ý mình là người không cầu tiến”, ông tâm sự.
Lần này ra Hà Nội, ông gặp mấy người bạn cũ. Vẫn cà phê, thuốc lá và nụ cười thân thiện, chỉ khác là họ có thêm thói quen cầm tay mấy tờ bản tin chứng khoán. Và họ có một điểm chung mới: cùng tròn mắt khi biết ông vẫn là người ngoài cuộc.