Để công nghiệp tự chủ, tự cường: Cần có luật riêng
Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 63/QH ngày 18/6/2020, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương dự thảo hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp. Hiện dự thảo hồ sơ đang lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp, thời gian từ ngày 11/11/2021 - 11/12/2021...
Việt Nam hiện đang thiếu khung pháp lý và khung chính sách điều chỉnh các vấn đề mới nổi của ngành công nghiệp như Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trách nhiệm giải trình, chuỗi giá trị minh bạch… Vì vậy, việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết để có một nền công nghiệp tự chủ, tự cường, giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước vào năm 2030 và 2045.
KHÔNG TRIỂN KHAI NHANH SẼ LỠ NHỊP
Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp gửi tới Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp. Tuy vậy, nhìn chung công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa.
Đáng chú ý, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP còn thấp so với các nước công nghiệp (16,7% so với 20-30%), phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thiếu sự kết nối giữa FDI và doanh nghiệp trong nước, phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu, vật liệu từ nước ngoài, tính tự chủ về nguyên vật liệu còn thấp.
Năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam được cải thiện chủ yếu nhờ vào các chỉ số liên quan đến xuất khẩu, chứ không phải nhờ vào các chỉ số liên quan đến nội lực (giá trị gia tăng) của ngành công nghiệp.
Hệ thống chính sách chưa thực sự hỗ trợ ngành phát triển, thiếu căn cứ pháp lý và nguồn lực triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp; chính sách tài chính (thuế, tín dụng) chưa tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp còn nhiều bất cập, nhận thức từ Trung ương đến địa phương về việc phát triển nội lực trong nước chưa được thể hiện trong việc tổ chức xây dựng chính sách và bố trí nguồn lực.
Nếu những vấn đề còn tồn tại nêu trên của ngành công nghiệp Việt Nam không được giải quyết, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ không được cải thiện. Các yếu tố cho tăng trưởng ở giai đoạn trước sẽ không còn phát huy được tác dụng trong giai đoạn tới, khi đó nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình càng trở nên hiện hữu, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp, nước phát triển như mục tiêu đặt ra.
Bộ Công Thương cũng lưu ý, khi những lợi thế về lao động chi phí thấp cùng các ưu đãi không còn sức hấp dẫn, đồng thời các ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện và phụ tùng còn nhiều hạn chế như hiện nay, các doanh nghiệp FDI lớn đang hoạt động ở khu vực hạ nguồn, gia công lắp ráp để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ theo quy luật sẽ dịch chuyển sang quốc gia có giá nhân công cạnh tranh hơn.
Từ đó, Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ công nghiệp hóa quá sớm (thời đại hậu công nghiệp quá sớm) do FDI rút khỏi Việt Nam, trong khi nền tảng công nghiệp trong nước chưa kịp củng cố, lớn mạnh và càng ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính vì vậy, để không ”lỡ nhịp” như những lần trước, cần phải xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong công nghiệp từ phía Nhà nước để khắc phục các điểm yếu trên. Trong đó, yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo để làm sao cho khu vực này đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.
TẬP TRUNG CHO CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” và các mục tiêu cụ thể được đặt ra là “tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, tỷ trong công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.
Trước đó, ngày 22/3/2018, Ban Chấp hành TƯ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra các mục tiêu về phát triển công nghiệp. Mới đây nhất, ngày 27/7/2021, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, lần đầu tiên mục tiêu về tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP được đặt ra là “đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và mức đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn tới phải duy trì ở mức trên 16%/năm, trong khi mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2011-2020 là trên 11%.
Để đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng, ngành chế biến, chế tạo mỗi năm cần nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng từ 800.000 đến 1 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước cần khoảng từ 60-90 nghìn tỷ đồng.
Về hệ thống pháp lý liên quan đến phát triển công nghiệp, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp đã có luật riêng để điều chỉnh như Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí…, thì các hoạt động trong các ngành chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành liên quan, từ đó chưa thể chế hóa hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp, mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nghị quyết số 99/NQ ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ (tiến hành trong giai đoạn 2021-2025) và Luật Phát triển công nghiệp (tiến hành trong giai đoạn 2023-2025).
Theo dự thảo, phạm vi của Luật Phát triển công nghiệp là chỉ điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, gồm: công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm); công nghiệp cơ khí; công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng; các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.