Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội về còn 10 năm
Theo các chuyên gia, việc rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội nhằm tạo sự linh hoạt cho người lao động để lựa chọn thời gian hưởng hưởng hưu, tuy nhiên mức hưởng cần tính toán phù hợp để lương hưu đảm bảo cuộc sống…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Bên cạnh đó, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, cứ có 217 người đang đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí nhưng 10 năm sau, năm 2006 tỷ lệ này là 12,6/1, đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1.
CÓ CHÍNH SÁCH TÍNH TOÁN MỨC LƯƠNG HƯU PHÙ HỢP
Giải thích về đề xuất này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm.
Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu. Trong khi đó, nhiều nước quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.
PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân, bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này và nhấn mạnh: việc linh hoạt thời gian đóng, đặc biệt cho những lao động có các đặc thù công việc rất khác nhau nhằm tạo điều kiện để người lao động có quyền lựa chọn tham gia như thế nào hợp lý nhất với hoàn cảnh.
Tuy nhiên, theo ông Long thì việc thực hiện chính sách này cần phải lưu tâm tới tác động trên thị trường lao động, bởi vì nếu người lao động có sức khỏe, công việc tốt thì việc tham gia thời gian quá ít có thể gây ra lãng phí nguồn lao động. Do đó, trong trường hợp người lao động muốn tiếp tục tham gia thì phải có cơ chế, chính sách tính toán lương hưu phù hợp.
Ông Long đưa ra đề xuất có thể tham khảo cách thiết kế hệ thống hưu trí của Nhật Bản, đó là một hệ thống tuổi về hưu quy định là 65 tuổi nhưng người lao động có thể linh hoạt lựa chọn tuổi để về hưu và họ sẽ hưởng mức lương hưu cao hơn khi có thời gian đóng góp dài hơn.
SỐ NĂM ĐÓNG ÍT, TỶ LỆ HƯỞNG LƯƠNG HƯU SẼ THẤP
Mặc dù cho rằng việc điều chỉnh thời gian đóng tạo sự linh hoạt cho người lao động để họ có thể lựa chọn thời gian hưởng hưởng hưu, song ông Long cũng khuyến cáo người lao động cần lưu ý là khi điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ thay đổi. Bởi vì khi thời gian tích lũy khác nhau thì tỷ lệ hưởng sẽ khác nhau, nghĩa là số năm đóng càng ít thì tỷ lệ hưởng càng thấp và ngược lại.
“Mức lương hưu phụ thuộc vào thời gian đóng và mức đóng hàng năm nên người lao động phải xem xét một cách kỹ lưỡng thì mới có thể có mức hưởng phù hợp. Mức đóng cao nhưng thời gian đóng quá ngắn thì mức hưởng chưa chắc đã cao”, ông Long lý giải.
Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Dương Văn Sao nhấn mạnh rằng: gốc của vấn đề là Nhà nước cần xây dựng chính sách để thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế và tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), việc rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội cần được tính toán kỹ. Xu thế hiện nay là nên kéo dài thời gian đóng nhưng phải thiết kế các chính sách hỗ trợ đi kèm, chẳng hạn như với số năm đóng dài từ sau 10 - 20 năm thì có thể có thêm một số ưu đãi để người lao động được hưởng một phần tích lũy từ số tiền đóng góp.
Trước hết tiền lương của người lao động phải đảm bảo cho cuộc sống, khi đó họ mới nghĩ đến tương lai là đóng bảo hiểm xã hội lâu dài để sau này có lương hưu.