Đề xuất sinh viên được làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học
Học sinh, sinh viên từ đủ 15 tuổi trở lên được nhận việc làm bán thời gian, nhưng không quá 20 giờ 1 tuần trong kỳ học, và không quá 48 giờ của tuần trong kỳ nghỉ, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...
Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về việc làm cho thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên.
Liên quan đến việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên, dự thảo Luật đề xuất với nhóm đối tượng này khi đủ 15 tuổi trở lên được làm việc, nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học, và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ, và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động, và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Học sinh, sinh viên tham gia việc làm bán thời gian được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Thông thường, việc làm bán thời gian đang được trả lương theo giờ. Mức lương tối thiểu giờ hiện hành được Nhà nước quy định dao động từ 15.600 - 22.500 đồng/giờ tùy vùng. Nếu được nâng lên từ ngày 1/7 tới đây, mức lương này sẽ dao động từ 16.600 - 23.800 đồng/giờ.
Lương tối thiểu giờ là cơ sở thỏa thuận để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề như: nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cà phê, thức ăn nhanh, phục vụ tiệc cưới,... làm căn cứ thực hiện trả lương theo giờ cho người lao động, chủ yếu là việc làm bán thời gian.
Ngoài quy định về việc làm với nhóm học sinh, sinh viên, dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung chính sách để hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tạo việc làm.
Đặc biệt, Nhà nước sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt động như: Hướng nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.
Cùng với đó, hỗ trợ trong đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; cho vay tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm...
Trước đó, trong một khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên giai đoạn từ năm 2020 – 2023, hồi tháng 11/2023 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá, thanh niên là lực lượng đông đảo, đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới, song công tác giải quyết việc làm cho thanh niên đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cũng như lực lượng lao động đang có xu hướng giảm mạnh do tình trạng già hóa dân số. Dự báo giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038. Vì vậy, cần có các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ để tận dụng lợi thế của thời kỳ này.
Dự báo, trong thời gian tới, số thanh niên lao động trong khu vực phi chính thức sẽ ngày càng tăng, do thị trường việc làm ở khu vực công, khu vực chính thức có tính cạnh tranh cao; cùng với tác động của tiến bộ khoa học công nghệ; bị sa thải vì không đáp ứng được yêu cầu công việc; hoặc tự khởi nghiệp, lập nghiệp, xu hướng làm việc tự do…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nhận định, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động của Việt Nam. Việt Nam cũng đang ở giai đoạn dân số trẻ chuyển sang dân số già, điều này đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với lực lượng lao động thanh niên.