12:32 15/05/2012

Doanh thu của Vinashin giảm hơn 80%

Bảo Anh

Do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều dự án quan trọng, cấp bách không đủ vốn để thi công, doanh nghiệp khó khăn chồng chất

Vinashin là một trong số hàng loạt doanh nghiệp ngành giao thông đang gặp khó khăn.
Vinashin là một trong số hàng loạt doanh nghiệp ngành giao thông đang gặp khó khăn.
Do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều dự án quan trọng, cấp bách không đủ vốn thi công, nhiều doanh nghiệp khó khăn chồng chất.

Thông tin trên vừa được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trong báo cáo tình hình thực hiện các dự án, hoạt động chung của ngành giao thông trong năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012, gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp giao thông vận tải trong quý vừa qua chỉ đạt 1.908,2 tỷ đồng, bằng 13% kế hoạch năm, giảm 55,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 1.111,5 tỷ đồng, đạt 7,8% kế hoạch năm, giảm 55,1%.

Hai doanh nghiệp lớn trong ngành cũng được báo cáo này điểm danh. Thứ nhất, Tổng công ty Ôtô Việt Nam có giá trị sản xuất đạt 888,3 tỷ đồng trong quý 1/2012, đạt 19% kế hoạch năm, doanh thu đạt 795,7 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Riêng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), do vướng mắc về thu tục nhập khẩu nên thiếu thiết bị để đưa vào sản xuất kinh doanh, khiến giá trị sản xuất ba tháng đầu năm chỉ đạt 960 tỷ đồng, bằng 10,4% kế hoạch năm và giảm 72,3% so với cùng kỳ 2011. Doanh thu của tập đoàn này đạt 282 tỷ đồng, giảm 81,5% so với ba tháng đầu năm 2011.

Tập đoàn cho biết đang triển khai đóng mới 3 tàu hàng 53.000 DWT, 3 tàu hàng 56.200 tấn, 2 tàu 47.000 tấn, 3 tàu 34.000 DWT, 5 tàu 22.500 tấn và nhiều tàu hàng, container khác.

Ngoài ra, tính đến cuối tháng 4/2012, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ đã ký cam kết tiết kiệm và cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh với số tiền 901 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chính của việc thiếu vốn là do khó khăn về nguồn vốn của ngân sách nhà nước, nên vốn kế hoạch của năm 2011 giao cho Bộ Giao thông Vận tải thấp hơn so với năm 2010, đặc biệt là vốn cho các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ. Thực tế đó đã khiến cho hầu hết các dự án của Bộ thiếu nhiều vốn so với nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ đạt khoảng 55%.

Cùng với đó, việc thiếu vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng cũng làm giảm tiến độ thi công đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc phải giãn tiến độ, tạm dừng thi công một số dự án, tiểu dự án theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã làm kéo dài thời gian hoàn thành dự án; khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình tại khu vực các dự án bị đình hoãn.

Hầu hết tiến độ thi công của các dự án đều bị chậm do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực yếu kém của ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công.

Bên cạnh đó, việc giãn tiến độ, ngừng thi công một số dự án khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đời sống, thu nhập và việc làm của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động.

Về hoạt động vận tải, kinh doanh của toàn ngành trong quý 1/2012, Bộ cho biết: vận tải hành khách quý 1/2012, bao gồm đường bộ, hàng không, sắt, thủy ước đạt 807,8 triệu người, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Vận tải hàng hóa trong quý 1/2012 ước đạt 215,2 triệu tấn, tằng 10,3% so với cùng kỳ 2011. Hàng thông qua cảng biển đạt 65,3 triệu tấn, tăng 0,3%.