Đồng Yên mất giá giúp tăng lợi nhuận của Fast Retailing lên mức kỷ lục
Hãng thời trang lớn nhất châu Á đang chuyển hướng tập trung sang các thị trường như Bắc Mỹ và châu Âu, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và đại dịch ở Trung Quốc vẫn phủ bóng lên ngành thời trang toàn cầu…
Fast Retailing hiện đang sở hữu các thương hiệu bao gồm Uniqlo, J Brand, GU, Comptoir des Cotonniers, Princesse Tam-Tam và Theory. Cuối tuần trước, tập đoàn này cho biết thu nhập ròng trong 12 tháng kết thúc vào tháng 08/2022 tăng 61% lên kỷ lục 273.3 tỷ Yên (khoảng 1.86 tỷ USD). Doanh số hàng năm tăng 7.9% lên 2.3 ngàn tỷ Yên (15.6 tỷ USD). Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn tăng 19.4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 297.3 tỷ Yên (2.02 tỷ USD).
Doanh thu của Fast Retailing tại Trung Quốc đại lục tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm 17% trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt liên quan đến chính sách “Zero Covid”. Doanh thu của Fast Retailing tăng mạnh là nhờ thị trường quốc tế, đặc biệt là Bắc Mỹ. Doanh thu từ Bắc Mỹ khi đổi sang đồng Yên lại càng tăng, công ty ghi nhận khoản lãi ngoại hối 114,3 tỷ Yên do đồng tiền của Nhật Bản mất giá, xuống thấp nhất trong vòng 24 năm so với đồng USD.
Theo The Japan Times, Uniqlo đã tăng giá áo khoác lông cừu và các sản phẩm thu đông khác ở Nhật Bản từ đầu năm do giá nguyên liệu và chi phí logistics tăng. “Không thể giữ nguyên giá sản phẩm khi đồng yên suy yếu và giá nguyên liệu thô cao. Nhưng ngay cả khi tăng giá, doanh số bán hàng vẫn rất tốt do nhu cầu quần áo giá rẻ tại Nhật Bản tăng lên”, ông Tadashi Yanai, chủ tịch của Fast Retailing, nói tại buổi họp báo ngày 13/10.
Tập đoàn thời trang Nhật Bản này cho biết họ kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 15% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 08/2023. Hãng dự kiến lợi nhuận hoạt động đạt 350 tỷ Yên (2,4 tỷ USD) và doanh thu ròng 2.650 tỷ Yên. Nhưng trong một tuyên bố, Fast Retailing cho biết môi trường kinh doanh tiếp tục khắc nghiệt do lạm phát tăng dần và đồng Yên giảm giá chóng mặt nên thu nhập ròng sẽ giảm. Lợi nhuận ròng của năm tài chính kết thúc vào tháng 08/2023 dự kiến giảm gần 16% so xuống còn 230 tỷ Yên (gần 1.6 tỷ USD), đã điều chỉnh theo ảnh hưởng của tỷ giá.
Fast Retailing cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động ở thị trường quốc tế, biến văn phòng của tập đoàn ở Mỹ thành một trụ sở toàn cầu thứ hai với nhiêm vụ nghiên cứu, phát triển và kinh doanh hàng hoá. Tập đoàn sẽ tăng cường mở cửa hàng ở Đông Âu, bao gồm cả Ba Lan, với mục tiêu tăng gấp ba lần doanh số bán hàng tại lục địa này lên 500 tỷ Yên vào năm 2027.
Tập đoàn cũng đã lên kế hoạch chinh phục thị trường Bắc Mỹ bằng cách mở cửa hàng pop-up trên phố Broadway ở New York, làm “hàng xóm” với một số “ông lớn” thời trang nhanh như Forever21, Zara và Mango… Theo đó, cửa hàng rộng gần 270 mét vuông của thương hiệu sẽ là nơi bày bán dòng quần áo và phụ kiện thời trang đặc biệt dành cho cả nam và nữ. Đây là cửa hàng đầu tiên của GU bên ngoài châu Á và sẽ mở cửa cho đến mùa hè năm 2023. Sau đó, Fast Retailing sẽ quyết định có mở rộng hoạt động kinh doanh của GU ở Mỹ hay không, dựa trên doanh số bán hàng và các yếu tố khác.
Fast Retailing gần đây cũng đã thành lập các trung tâm nghiên cứu ở các kinh đô thời trang Tokyo và London, thực hiện Dự án Ariake mang tính chuyển đổi của mình để có thể hiểu khách hàng muốn gì và dự báo nhu cầu kịp thời. Sắp tới đây, GU và Uniqlo sẽ phải điều chỉnh kích thước và phong cách của mình cho người tiêu dùng Mỹ và các nhóm dân tộc khác nhau. Trong nỗ lực của Fast Retailing nhằm thâm nhập thị trường Mỹ, công ty đặt mục tiêu phát triển 200 cửa hàng trong vòng 5 năm so với con số chưa tới 100 cửa hàng hiện tại.
Giới đầu tư đánh giá, khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, thời trang giá rẻ của Fast Retailing có thể phù hợp với túi tiền của số đông khách hàng toàn cầu. Bên cạnh đó, các thương hiệu của tập đoàn cũng được lòng nhóm khách hàng trẻ do các mục tiêu phát triển bền vững thông qua từng khâu hoạt động, sản xuất. Cụ thể, Fast Retailing đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế lên đến 50% vào năm tài chính 2030, cùng cam kết giảm lượng khí thải nhà kính đến 90% trong toàn bộ hoạt động của tập đoàn.
Fast Retailing cũng hợp tác với công ty tư vấn và kỹ thuật hậu cần Daifuku của Nhật Bản để tự động hóa hầu hết các hoạt động kho hàng của mình bằng cách sử dụng thẻ điện tử, cảm biến, robot và các công nghệ khác. Fast Retailing cũng đã thiết lập các kho hàng tương tự ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc. Mặc dù một cơ sở lớn có thể tiêu tốn hàng trăm triệu đô la để tự động hóa, nhưng công ty kỳ vọng sẽ tiết kiệm được về lâu dài trong bối cảnh thiếu hụt lao động toàn cầu trong lĩnh vực hậu cần.