Du lịch Quảng Nam có nhiều động lực mới
Năm 2025 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam. Thay vì tập trung vào các sản phẩm truyền thống, tỉnh chủ trương đa dạng hóa trải nghiệm, hướng đến nhiều phân khúc thị trường...

Theo thông tin công bố từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, lượng khách tham quan và lưu trú du lịch tại địa phương ước đạt 282 nghìn lượt (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 143 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 139 nghìn lượt.
Tuy nhiên, việc Quảng Nam nằm ngoài tốp 10 cả nước dịp lễ 30/4 - 1/5 cả về lượng khách lẫn doanh thu du lịch một lần nữa phản ánh thực trạng tài nguyên và các yếu tố liên quan của du lịch địa phương dù rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác có chiều sâu, dẫn đến lợi ích mang lại không tương xứng.
GIA TĂNG NGUỒN THU TỪ DU LỊCH
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận du lịch Quảng Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến trong khu vực và cả nước. Cùng với đó, câu chuyện mất cân bằng mật độ khách, đặc biệt là khách nội địa vẫn diễn ra dai dẳng.
Qua số liệu so sánh, có thể thấy phần lớn lượng khách du lịch tập trung ở các điểm đến quen thuộc như phố cổ Hội An, biển An Bàng, Cù Lao Chàm (TP. Hội An), Vinwonders Nam Hội An (Thăng Bình)... Còn lại, các khu vực xa hơn về phía Nam như Núi Thành, hoặc phía Tây như Cổng trời Đông Giang thì ngày thường khá thưa thớt.
Ông Hồng thừa nhận du lịch Quảng Nam đã phát huy thế mạnh du lịch biển, du lịch di sản ở vùng Đông mà chưa phát triển mạnh du lịch phía Tây, chưa phát huy hết các giá trị văn hóa bản địa cùng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn, tại Hội An, du khách trong nước chủ yếu tham quan khu phố cổ và rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) nhưng lượng khách mua vé lại không nhiều. Tương tự, khu đền tháp Mỹ Sơn gần như chỉ dựa nguồn thu từ vé tham quan, trong khi chưa tận dụng được lợi thế thu hút khách để dẫn dắt tạo ra các nguồn thu khác.
Thực tế từ các địa phương khác cho thấy, để gia tăng nguồn thu từ du lịch, cần phải cung cấp cho du khách các dịch vụ giải trí đẳng cấp bên cạnh các điểm đến đã tạo dựng thương hiệu. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm, thúc đẩy chủ trương để cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn, mở các đường bay quốc tế đến Quảng Nam; cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn...
Đồng thời, phát triển khoảng 10 sân golf đạt tiêu chuẩn phục vụ thể thao, du lịch trong nước và quốc tế tại Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn… Khi những kế hoạch này thành hiện thực, năng lực hạ tầng đón khách và dịch vụ du lịch của Quảng Nam sẽ được cải thiện rất lớn, tạo tiền đề để Quảng Nam thu hút các dòng khách chất lượng cao, gia tăng nguồn thu cho du lịch địa phương.

Trước mắt, theo các doanh nghiệp, mùa cao điểm của du lịch sắp đến nên công tác xúc tiến, quảng bá cần được chú trọng nhiều hơn. Có thể thị trường nội địa không phải là thị trường chủ lực truyền thống của ngành du lịch Quảng Nam, tuy nhiên công tác mở rộng thu hút khách nội địa vẫn cần được chú trọng triển khai. Đặc biệt, các điểm đến “vệ tinh” của phố cổ Hội An cần có thêm các ưu đãi đặc biệt, riêng có để du khách lựa chọn trải nghiệm, lưu trú.
MỞ RA TẦM NHÌN MỚI
Chiều 17/5/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Du lịch Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới: Hội nhập và bứt phá”. Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, việc thực hiện chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng không chỉ mở rộng không gian địa lý, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước, mà còn mở ra một tầm nhìn phát triển hoàn toàn mới”.

Trong bối cảnh đó, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đóng vai trò tiên phong trong quá trình tái cấu trúc không gian phát triển chung nhằm khai thác tối đa tiềm năng về văn hoá, tài nguyên thiên nhiên và nâng cao tính liên kết vùng.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng cam kết đồng hành với Quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố, Hiệp hội Du lịch thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác truyền thông, xúc tiến thị trường, mở đường bay mới, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các tham luận trình bày đều chỉ ra thế mạnh của ngành du lịch địa phương sau khi hợp nhất. Bài toán đặt ra là cần “tái cấu trúc lại” để làm sao khai thác một cách hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của cả Đà Nẵng và Quảng Nam, xây dựng điểm đến mới và tăng được chuỗi cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số vào vận hành, quản lý nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Chi hội Điểm đến Sự kiện Đà Nẵng (DECA) đã chính thức ra mắt, đánh dấu một bước tiến mới trong việc chuyên nghiệp hóa và nâng tầm lĩnh vực du lịch MICE. Chi hội DECA quy tụ các doanh nghiệp lữ hành MICE hàng đầu Đà Nẵng – Quảng Nam trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, lữ hành MICE, cùng cam kết hợp tác chặt chẽ để xây dựng hệ sinh thái dịch vụ MICE chất lượng cao.

Với riêng Quảng Nam, việc địa phương mới đây ban hành danh mục 277 dự án thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, trong đó du lịch chiếm một vị trí quan trọng, cho thấy sự đồng bộ và nhất quán trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, các dự án du lịch trong thời gian tới sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực sau: Du lịch kinh tế đêm; Du lịch xanh, sinh thái – nông nghiệp – nông thôn; Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; Du lịch mạo hiểm, khám phá vùng Tây và Nam; Chuỗi sản phẩm liên kết, cung đường di sản…
Một vài điểm đến trên địa bàn tỉnh hiện đã tích cực đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của khách nội địa như Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đưa vào vận hành tuyến cáp treo đầu tiên trên địa bàn tỉnh dài 1,6km; thiết kế cầu kính ngọc rồng giao hòa với thiên nhiên để du khách tham quan, check-in…
Trong khi đó, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh mới đưa vào vận hành hệ thống zipline, một số trò chơi cảm giác mạnh và thiết kế không gian phù hợp để tổ chức hoạt động team building. Làng rau Trà Quế sẽ tạo ra các bãi cỏ để khách cắm trại, dừng nghỉ, tạo điểm “check-in” hoàng hôn,…; đồng thời, nạo vét đầm Trà Quế để du khách trải nghiệm thuyền tre, kayah…