18:08 08/11/2017

Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô và câu chuyện “tín tâm”

Nguyên Vũ

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về gia đình nhà tư sản từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng

Nhà sử học - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Nhà sử học - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Việc cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô - qua đời ít ngày trước đây tại Hà Nội đã khơi lại nhiều chi tiết trong câu chuyện đời của gia đình nổi tiếng này.

Câu chuyện này, cuối cùng, chính là câu chuyện về sự thử thách lòng tin, nhà sử học - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi chuyện gia đình ông Trịnh Văn Bô, người từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng trong Tuần lễ Vàng năm 1945.

Ông nói:

- Việc cụ bà Trịnh Văn Bô nằm xuống là sự kết thúc một thế hệ những người giàu có yêu nước, một khái niệm rất nổi bật của thời kỳ Cách mạng tháng Tám.

Thời kỳ đó gợi nhớ cho người ta về đường lối chính sách của cách mạng, đặt sự tin tưởng, tin cậy vào mọi người yêu nước.

Câu hỏi chúng tôi hay đặt ra cho người làm sử là tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cộng sản thấm nhuần tư tưởng đấu tranh giai cấp, mà lần đầu tiên sau khi trở về Hà Nội sau khi cách mạng thành công, lại chọn ở căn nhà của người giàu nhất ở con phố giàu nhất Hà thành, số 48 Hàng Ngang để làm việc.

Như thế là trong nhận thức, cụ Hồ luôn tin cậy vào lòng yêu nước của người Việt Nam ở bất cứ giai tầng xã hội nào.

Chính vì vậy, mà cụ Hồ huy động được cả nguồn lực trong dân từ những người nghèo, lao động đến trí thức, quan lại và những người giàu có đi theo cách mạng.

Khi đó, người dân cũng thực sự tin tưởng vào đường lối của cách mạng. Điều đó xác lập một khái niệm rất quan trọng mà đến giờ chúng ta càng thấm thía, khái niệm như cụ Hồ nói là "tín tâm", nghĩa là phải tin cậy lẫn nhau.

Chính sự tin tưởng ở cả hai chiều đã tạo nên nên sức mạnh to lớn một thời.

undefined - Ảnh 1.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô - vừa qua đời hôm 5/11 tại Hà Nội.

Gia đình họ sống rất đàng hoàng với Nhà nước

Nhưng câu chuyện của ông bà Trịnh Văn Bô cũng làm dấy lên ít nhiều xót xa, bởi đến khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ nằm xuống, những việc liên quan căn nhà số 34 Hoàng Diệu của gia đình vẫn chưa được giải quyết trọn vẹn?

Câu chuyện của ông bà Trịnh Văn Bô là liên quan đến giai đoạn cách mạng còn cực kỳ khó khăn lúc đó. Và đúng như lời thề độc lập cụ Hồ đã nói, toàn thể người Việt Nam sẵn sàng đánh đổi cả tinh thần, tài sản, tính mạng mình để bảo vệ đất nước, bất kể người giàu, người nghèo.

Từ khi đó, cụ Hồ đã hết sức tôn trọng tầng lớp các nhà công thương. Sự kiện Tuần lễ Vàng đã minh chứng cho việc đó. Có thể nói, tất cả những người giàu có đó đã đi đến cùng với cách mạng, họ sẵn sàng bỏ lại sau lưng cả tính mạng, cả tài sản, gia nghiệp.

Nhưng cũng phải nói thật là chúng ta sau khi giành được độc lập dân tộc đã có sai lầm trong nhận thức và chính sách. Chính chúng ta không tận dụng được nguồn lực rất mạnh mẽ của tầng lớp công thương đi theo cách mạng khi đó.

Những luật lệ cải tạo của chúng ta khi đó đã bóp chết những nguồn lực ấy, mà sau này khi có một độ lùi thời gian nhìn lại, chúng ta đã xác định đó là sai lầm. Tài sản của họ cũng bị đối xử theo chính sách chung như thế. Vì vậy, nó để lại những dấu ẩn tổn thương về mặt tinh thần không nhỏ.

Trường hợp cụ bà Trịnh Văn Bô lại cho ta thấy thêm một điều, cho dù bị đối xử chưa được tương xứng với công sức đóng góp, chưa được thoả mãn những quyền lợi chính đáng, về căn bản dù có thể vẫn có những bức xúc nhất định, nhưng gia đình họ vẫn là người sống rất đàng hoàng với Nhà nước.

Tôi cho rằng, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là mẫu hình của thế hệ những người xưa tử tế, họ vẫn giữ được nề nếp, đạo lý và luôn đặt sự hy sinh về vật chất lẫn tinh thần lên trên, hết sức minh bạch.

Việc trả lại nhà phải làm thật sòng phẳng

Chuyện căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu của gia đình cụ Trịnh Văn Bô một thời gian dài đã khiến nhiều lãnh đạo cấp cao cũng hết sức day dứt. Bộ hồ sơ về ngôi nhà đã có tới hơn 20 chữ ký của các uỷ viên Bộ Chính trị qua các thời kỳ rồi, nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết được trọn vẹn, ông nghĩ sao?

Việc căn nhà của ông bà Trịnh Văn Bô đến giờ, về mặt pháp luật cũng vẫn chưa hoàn thiện cũng chính là điểm để mọi người nhìn vào và đánh giá xem Nhà nước đối xử như thế nào với những người như vậy.

Tôi không nói đến chuyện hơn 5.000 lượng vàng hay bao nhiêu tài sản họ đã đóng góp, mà riêng việc họ đi cùng cách mạng cho đến ngày hôm nay, đã hy sinh rất nhiều những lợi ích vật chất của mình… với một niềm tin tưởng như vậy, thì cũng chính là một thử thách với chế độ chúng ta. Hãy đáp lại lòng tin, vì nếu ta để làm mất lòng tin, nghĩa là mất tất cả.

Câu chuyện này, cuối cùng, chính là chuyện về sự thử thách lòng tin.

Tôi không có điều kiện tiếp cận với bộ hồ sơ đầy đủ về việc này, nhưng chỉ chắc chắn là dù muốn gì đi nữa, việc trả lại nhà cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cũng phải làm thật sòng phẳng, và trên tinh thần biết trân trọng sự hy sinh của lớp người đi trước, chứ không thể theo cách quan liêu là cứ áp dụng vào luật pháp.

Luật lệ luôn phải đi sau con người, thượng tôn pháp luật là đúng, nhưng mục đích thượng tôn pháp luật là sau cái đó phải để mọi người đều tin tưởng vào pháp luật.

undefined - Ảnh 2.

Gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô trong sự kiện Tuần lễ Vàng năm 1945.

Lòng tin luôn là cái phải nâng niu, gìn giữ

Sau khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ nằm xuống, Hà Nội đã quyết định lấy tên cụ ông Trịnh Văn Bô để đặt cho một con đường mới tại quận Cầu Giấy. Ông nắm được thông tin này chứ?

Việc tôn vinh danh nhân thì có chuẩn rồi, đã quy định rồi, sau 10 năm ngày mất thì người có đóng góp được xem xét để đặt tên đường.

Có phải chính sự thiếu sót trong nhận thức nên mới có câu chuyện đáng buồn là đề xuất đặt tên đường theo nhà tư sản cách mạng ấy đã nêu ra hàng chục năm trước, nhưng người dân khu vực không đồng ý vì "không biết ông ấy là ai"?

Việc này, ngoài vấn đề tuyên truyền thì còn chuyện khác sâu xa hơn.

Dù đúng là việc gì cũng có tính thời điểm lịch sử của nó, nhưng rõ ràng, câu chuyện lòng tin luôn là cái chúng ta phải nâng niu, gìn giữ, duy trì và phát triển.