09:18 10/06/2023

Giá thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới

Phan Dương

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trước những khó khăn chung của thị trường khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, biên lợi nhuận thép thu hẹp, trong khi thị trường bất động sản đình trệ khiến nhu cầu thép yếu, dẫn đến giá thép liên tục điều chỉnh giảm…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong những tháng tới của năm 2023, giá thép có thể tiếp tục thiết lập một mặt bằng mới trên thị trường toàn cầu và nội địa.

“Trong tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) đã công bố dự báo nhu cầu thép - Triển vọng Ngắn hạn cho năm 2023 và 2024. Theo đó, Sản lượng thép thô thế giới của 63 quốc gia báo cáo với Worldsteel là 165,1 triệu tấn trong tháng 3/ 2023, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu thép 2023 sẽ phục hồi 2,3%, đạt 1,822,3 tỷ tấn và 1,7% tương đương với 1,854,0 tỷ tấn vào năm 2024. Sản xuất dự kiến sẽ dẫn đầu sự phục hồi, nhưng lãi suất cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhu cầu thép.

Với Việt Nam, dự báo năm 2023, sản xuất thép sẽ tăng khoảng 2-3% so với năm 2022, tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể tiếp tục sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường toàn cầu và nội địa”, VSA nhận định.

SỨC TIÊU THỤ YẾU, NGUỒN CUNG GIẢM MẠNH

Nhìn lại diễn biến trên thị trường thép trong những tháng vừa qua, VAS cho biết, thị trường bất động sản suy giảm, nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm.

Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh. Riêng trong tháng 4/2023, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 3 lần, với tần suất giảm 01 lần/ tuần, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu. 

Nguồn: VSA
Nguồn: VSA

Tại Việt Nam, sản xuất thép thô 4 tháng đầu năm 2023 đạt 5,998 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022; Tiêu thụ đạt 6,142 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thép thô giảm 78% so với cùng kỳ 2022 với sản lượng xuất khẩu là 518 ngàn tấn.

Về thép xây dựng, sản xuất 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3,447 triệu tấn, giảm 26,4%; bán hàng đạt 3,362 triệu tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022. 

Với thép cuộn cán nóng, sản xuất đạt 2,266 triệu tấn, giảm  5,3%; bán hàng đạt 2,071 triệu tấn, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Về Sản xuất thép cán nguội, 4 tháng qua đạt 982 ngàn tấn, giảm 39,1%; bán hàng đạt 606 ngàn tấn, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt 1,397  triệu tấn, giảm 24,2%; bán hàng đạt 1,276 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản xuất ống thép đạt hơn 773 ngàn tấn, giảm 13%; bán hàng đạt 783 ngàn tấn, giảm 15,1% so với cùng kỳ 2022…

Giá thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới - Ảnh 1

Nói về giá cả, đại diện VSA cho biết, giá một số loại nguyên liệu sản xuất thép đầu tháng 5/2023 tiếp tục đà giảm. Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày  8/5/2023 giao dịch ở mức khoảng 241 USD/tấn FOB, giảm 19 USD/tấn so với đầu tháng 4/2023. Mức giá giảm khoảng 60% so với giá than cốc cao nhất ghi nhận vào  hồi cuối quý 1/2022; Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ở mức 405 USD/tấn, giảm 25USD so với đầu tháng 4; Giá quặng sắt loại (62% Fe) giao dịch ở mức 110 USD/tấn CFR tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 10 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2023. Giá các loại nguyên vật liệu phụ khác cũng có xu hướng giảm. Trong nước, giá phôi giảm từ 1.200 - 1.500 đồng/kg, giữ giá ở mức 12.500 - 12.700 đồng/kg vào cuối tháng 04/2023.

VSA KIẾN NGHỊ HÀNG LOẠT GIẢI PHÁP GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP

Những biến động của thị trường đã khiến các doanh nghiệp thép gặp không ít khó khăn. Bao gồm, thiếu vốn lưu động và lãi suất ngân hàng cao; Nhu cầu tiêu thụ thép thấp; Các nước xuất khẩu hầu hết đã và đang chuẩn bị điều tra thuế chống phá giá; EU đưa Việt Nam vào danh sách áp quota…

Bên cạnh đó, ngành bất động sản đình trệ ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Hơn nữa, chi phí đầu vào tăng nhanh; chi phí vận tải quốc tế, giá cước phí tàu bè cao ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn: VITIC tổng hợp

Trước tình hình tiêu thụ chậm và giá cả diễn biến khó lường của thị trường thép, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế VAT cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%; Hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành bất động sản; Cập nhật thông tin và có cảnh báo kịp thời, tư vấn cho doanh nghiệp về biện  pháp ứng phó với rào cản thương mại từ các nước.

Đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư, cải thiện hạ tầng; Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thép xuất  khẩu các mặt hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép hàn đã đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước; Giao các Bộ ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc đầu cơ, gian lận thương mại, công khai minh bạch thị trường thép. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ hạ tầng, cắt giảm chi phí, lệ  phí và phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, điều chỉnh chính sách thuế để hỗ  trợ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thép…