09:47 28/03/2023

Giảm trễ chuyến, bay lòng vòng tại hai sân bay lớn nhất cả nước đến cuối tháng 4

Ánh Tuyết

Kế hoạch thử nghiệm khai thác mô hình A-CDM giai đoạn 1 được triển khai tại hai cảng hàng không lớn nhất cả nước đến cuối tháng 4. Nhờ đó sẽ giúp các cảng tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay; đồng thời, tăng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ cao, ngăn tình trạng máy bay phải bay vòng trên trời...

Khi triển khai A-CDM sẽ cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ.
Khi triển khai A-CDM sẽ cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ.

Cục Hàng không Việt Nam có văn bản chấp thuận Kế hoạch thử nghiệm khai thác mô hình A-CDM giai đoạn 1 (Airport Collaborative Decision Making) tại hai cảng hàng không lớn nhất cả nước.

TRIỂN KHAI TẠI NHIỀU SÂN BAY HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Thực hiện cam kết với tổ chức Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về lộ trình thực hiện A-CDM trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại đề án nâng cấp các khối hệ thống hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) triển khai thiết lập mô hình A-CDM tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Đơn vị tư vấn hàng không đến từ Hà Lan To70.

Theo khuyến cáo của ICAO, các cảng hàng không, sân bay có tần suất cất hạ cánh trên 100.000 lượt chuyến/năm nên áp dụng mô hình A-CDM. 

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước với sản lượng chuyến bay đều đạt trên 100 ngàn lượt chuyến/năm.

Cụ thể, với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài trước khi dịch Covid-19, sản lượng chuyến bay năm 2019 đã đạt 189 ngàn lượt chuyến bay, theo kế hoạch được giao năm nay, chỉ tiêu cất hạ cánh phải đạt trên 187 ngàn lượt chuyến bay.

"Còn tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sản lượng chuyến bay năm 2019 đã đạt hơn 260 ngàn lượt chuyến bay, theo kế hoạch được giao năm nay, chỉ tiêu cất hạ cánh phải đạt tương đương, 256 ngàn lượt chuyến bay", Cục Hàng không thông tin.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng không, tại các sân bay có sản lượng vận chuyển lớn như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, các quy trình hiện tại chưa tối ưu hiệu quả khai thác do nhiều nguyên nhân.

Theo đó, "thông tin chưa thông suốt giữa các đơn vị, mỗi đơn vị thực hiện các quy trình riêng rẽ nên chưa tối ưu hóa các tài nguyên; khai thác theo nguyên tắc “đến trước, phục vụ trước” dẫn đến nhiều trường hợp xáo trộn thứ tự khởi hành; nhiều tàu bay phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh, khó có thể kiểm soát được thời gian lăn", Cục Hàng không đánh giá.

Cùng với đó, giữa hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất, cảng hàng không, đơn vị quản lý bay chưa có phương án tối ưu để chia sẻ thông tin về quá trình tàu bay quay đầu cũng như trạng thái hoãn chuyến theo thời gian thực…

 

Theo báo cáo thống kê của các tổ chức hàng không quốc tế, A-CDM hiện đã được phổ biến tại nhiều các sân bay tiên tiến trên thế giới, trong đó, tại khu vực Châu Á, mô hình A-CDM đã được triển khai tại các sân bay lớn như Changi – Singapore, Incheon – Hàn Quốc, Suvarnabhumi – Thái Lan, Hong Kong – Hồng Kông, Shanghai – Thượng Hải, Bắc Kinh – Trung Quốc…

Tại Việt Nam, là một thành viên của ICAO, ACV đã quyết tâm triển khai A-CDM như đã cam kết.

Trong suốt hai năm đại dịch, công tác chuẩn bị đã được tích cực tiến hành.

Theo đó, ACV chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan như Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines), các đơn vị phục vụ mặt đất cùng đơn vị tư vấn hàng không của Hà Lan To70 thành lập hai tổ triển khai đề án A-CDM tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Từ năm 2020 đến nay, Tổ triển khai A-CDM đã thực hiện và hoàn thành các nhóm nhiệm vụ của đề án.

Cụ thể, Tổ A-CDM phối hợp với đơn vị tư vấn To70 khởi động dự án; tham dự các khóa đào tạo của To70; hoàn thành báo cáo phân tích chi phí – lợi nhuận; ký biên bản ghi nhớ với các đơn vị trong dây chuyền phục vụ hàng không tại cảng.

Ngay đầu tháng 3/2023, Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt tài liệu hướng dẫn khai thác A-CDM và kế hoạch thử nghiệm thực tế giai đoạn 1 tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

MŨI TÊN NHIỀU ĐÍCH CHO HÀNH KHÁCH VÀ DOANH NGHIỆP HÀNG KHÔNG

Do đó, công tác phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không (A-CDM) với quy trình chặt chẽ, với nền tảng thông tin thông suốt, với sự phối hợp chia sẻ thông tin theo quy trình thống nhất và đồng bộ giữa các mắt xích chắc chắn giải quyết trọn vẹn các tồn tại của phương thức hiện hành.

Tổ triển khai A-CDM tại ACV cũng phân tích chi tiết các nhóm lợi ích đối với cảng hàng không, với hãng hàng không, với đơn vị phục vụ mặt đất và với đơn vị quản lý hoạt động bay.

 

Trong các tài liệu hướng dẫn triển khai mô hình A-CDM của ICAO, A-CDM được định nghĩa là quy trình phối hợp giữa các đơn vị để ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay; đồng thời A-CDM cung cấp một nền tảng phần mềm chung để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay.

Cụ thể, thứ nhất, khi triển khai A-CDM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay; cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ, giảm thiểu các kế hoạch phân bổ vị trí đỗ, quầy check-in, gate; tối ưu thời gian quay đầu của tàu bay.

Cùng với đó, cải thiện khả năng dự báo tình huống và tiết kiệm thời gian bay; giảm thiểu tắc nghẽn trên đường lăn, sân đỗ; tối ưu thứ tự khởi hành; tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả vận chuyển…

Thứ hai, đối với hành khách, rõ ràng khi bay qua các cảng hàng không có hệ thống A-CDM sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao, hạn chế những tình huống bay vòng để chờ hạ cánh, giảm thiểu các tình huống tàu bay dừng chờ lâu trên đường băng.

Đồng thời, "công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được phục vụ tốt hơn… do các chuyến bay được lập kế hoạch tốt, có thông tin rõ ràng, được tối ưu hóa các khâu trong quá trình khai thác nhờ A-CDM", Cục Hàng không khẳng định.

Ví dụ trong trường hợp sân bay đến mật độ bay quá dày hay thời tiết dự báo không thuận lợi, thay vì chuyến bay khởi hành theo kế hoạch và bay vòng trên trời để chờ tiếp thu thì sân bay đến (có A-CDM) thông báo giờ cất cánh tính toán (Calculated Take off Time - CTOT).

Theo đó điều chỉnh lại giờ cất cánh cho phù hợp, khách chỉ phải chờ tại nhà ga và khi có CTOT, tàu bay khởi hành theo thời gian mới, không phải bay vòng chờ tại nơi đến, tiết kiệm nhiên liệu cho hãng, đem lại những trải nghiệm thuận tiện hơn cho hành khách khi bay.

THỬ NGHIỆM THEO HAI GIAI ĐOẠN

Để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo việc đầu tư hiệu quả và thành công của dự án, ACV đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam và được chấp thuận chia đề án triển khai A-CDM tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thành hai giai đoạn.

Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã phê duyệt tài liệu hướng dẫn khai thác áp dụng mô hình A-CDM cho giai đoạn 1 và kế hoạch thử nghiệm thực tế tại hai Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị liên quan hoàn thiện các đợt huấn luyện đào tạo nội bộ và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại các bộ phận của các bên liên quan.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 được đưa vào thử nghiệm vào tháng 3/2023 tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài từ ngày 26/3/2023 đến ngày 30/4/2023) và tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ ngày 27/3/2023 đến ngày 27/4/2023.

Các thành viên Tổ triển khai A-CDM tại ACV cũng như tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các công tác chuẩn bị cuối cùng cho việc thử nghiệm mô hình khai thác áp dụng A-CDM cho giai đoạn 1.

Sau khi thử nghiệm giai đoạn 1, các bên phải đánh giá tình hình và báo cáo kết quả về Cục Hàng không; Cảng vụ hàng không miền Bắc và miền Nam có trách nhiệm giám sát quá trình triển khai A-CDM tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất để đảm bảo an ninh an toàn khai thác theo quy định.