Hải Phòng lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện để phát triển công nghiệp bền vững
Khẳng định Hải Phòng sẽ là thành phố phát triển công nghiệp bền vững, mới đây, Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố Hải phòng, với chủ trương sử dụng công nghệ đốt rác phát điện...
Theo đó, dự kiến đến năm 2025, Hải Phòng sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ những bãi rác này.
Theo tính toán, đến năm 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát thải trên địa bàn thành phố là gần 2.800 tấn/ngày. Con số này sẽ tăng lên hơn 3.800 tấn vào năm 2030.
Theo nghiên cứu, đánh giá của nhiều chuyên gia, công nghệ đốt rác phát điện sẽ là phương án xử lý chất thải tốt nhất đối với thực tế của Hải Phòng.
XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN CHƯA ĐẠT HIỆU QUẢ
Theo khảo sát của bản đề án, hiện tại khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị Hải phòng khoảng 942 tấn/ngày, được xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát có diện tích 44 ha, tiếp nhận được khoảng 500-650 tấn/ngày và Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ với diện tích đang sử dụng 15,6 ha, tiếp nhận được 350 - 450 tấn/ngày.
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 822 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 98% và được xử lý tại 3 khu xử lý chất thải rắn là Đình Vũ, Tràng Cát ( Quận Hải An) và Minh Tân (huyện Thủy Nguyên). Các huyện còn lại xử lý tại các bãi rác tạm và lò đốt quy mô nhỏ.
Ngân sách Hải Phòng chi cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt là 159,84 tỷ đồng/năm. Trường hợp thu đủ giá dịch vụ của 100% hộ dân và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển theo định mức hiện nay thì ngân sách bố trí thêm khoảng 83,68 tỷ đồng/năm (khu vực nông thôn khoảng 46,38 tỷ đồng/năm tương đương 156.000 đồng/tấn, khu vực đô thị khoảng 37,3 tỷ đồng/năm tương đương 108.500 đồng/tấn).
Đối với chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế cũng đã được Hải Phòng quản lý cơ bản, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bản đề án cũng thừa nhận việc quản lý, xử lý đối với chất thải rắn khác như chất thải đặc thù, chất thải xây dựng và chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.
Chi phí xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải xây dựng thuộc trách nhiệm của chủ nguồn thải. Riêng đối với chất thải từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng hiện nay Ngân sách nhà nước chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.
Thực tế, nhiều năm qua, Hải Phòng vẫn thường xuyên phải nhận nhiều phản ảnh rất tiêu cực về công tác xử lý môi trường chưa hoàn thiện, triệt để. Thành phố cũng chân thành tiếp thu và nỗ lực tìm kiểm, lựa chọn giải pháp thay đổi.
TỐI ƯU CÔNG NGHỆ ĐỐT RÁC PHÁT ĐIỆN
Sau khi so sánh đánh giá 05 loại công nghệ xử lý rác thải tiên tiến đang được áp dụng trên thế giới, gồm: Công nghệ đốt phát điện; Công nghệ thủy nhiệt; Công nghệ đốt nhiệt phân; Công nghệ khí hóa; Công nghệ khí hóa Plasma.
Bản đề án đã kết luận công nghệ đốt rác phát điện có nhiều ưu điểm phù hợp thực tiễn của Hải Phòng, như tỷ lệ chất thải sau khi đốt thấp (xỉ tro đáy lò khoảng 10-15% được tận dụng sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung; tro bay 3-5% được xử lý chôn lấp); nhiệt độ buồng đốt cao trên 1.100 độ, hạn chế tối đa quá trình sinh ra khí Dioxin/Furan; rác thải không yêu cầu phân loại tại nguồn; tiết kiệm quỹ đất sử dụng; chi phí xử lý khoảng 23 USD/tấn rác; công suất phát điện 7,5MW; giá bán điện 10,05 UScents/kWh; suất đầu tư 5,4 triệu USD/1MW diện tích cho 1 nhà máy điện rác công suất 1.000 tấn/ngày là 14ha.
Công nghệ đốt rác phát điện cũng đã được Thường trực Thành Ủy Hải Phòng đồng ý chủ trương tại các Thông báo: số 472-TB/TU ngày 01/6/2018, số 60-TB/TU ngày 14/12/2020; cũng như đồng ý chủ trương Tập đoàn Geleximco nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An, với tổng công suất 2.000 tấn/ngày (2 giai đoạn).
Sau khi rà soát quy hoạch xây dựng cùng quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hải Phòng. Bản đề án đã kết luận 02 khu vực: Khu xử lý Đình Vũ (quận Hải An) và Khu xử lý Trấn Dương ( huyện Vĩnh Bảo) là vị trí phù hợp để xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm gửi hồ sơ đề xuất làm chủ đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố (bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt và phát điện; công nghệ đốt không thu hồi nhiệt…).
Do vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự (về kinh nghiệm, về làm chủ công nghệ, về vốn đầu tư…) sẽ được thực hiện theo đấu thầu, theo quy định pháp luật về đấu thầu là phù hợp với tình hình thực tế của thành phố Hải Phòng.
Theo đó, nguồn kinh phí triển khai đề án giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 là 6.949,55 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố là 1.803,55 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp là 5.146,00 tỷ đồng.
Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước: 2.948,94 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp là 2.498,00 tỷ đồng.
Dự kiến lộ trình thực hiện đến năm 2025 Hải Phòng sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động Nhà máy điện rác Đình Vũ, công suất xử lý là 1.000 tấn rác/ngày. Đến năm 2027, hoàn thành đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động Khu xử lý Trấn Dương (điện rác 1.000 tấn/ngày; dây chuyền chế biến phân mùn, công suất 200 tấn/ngày); các bãi rác tạm trên địa bàn thành phố được đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường.
Đến năm 2030 hoàn thành đầu tư xây dựng để đưa Nhà máy điện rác Đình Vũ giai đoạn 2 vào hoạt động, nâng tổng công suất các Nhà máy điện rác toàn thành phố lên 3.000 tấn/ngày.
Sau năm 2030, 100% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng hoàn toàn bằng công nghệ tiên tiến. Quản lý chặt chất thải rắn theo toàn bộ vòng đời từ khâu phát sinh, đến khâu xử lý cuối cùng, nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững của thành phố.